Vắc xin Covid-19 cho trẻ 5-11 tuổi có thể chậm về Việt Nam

10/03/2022
Theo kế hoạch, trong tháng 3/2022, Việt Nam sẽ nhận 3 triệu liều vắc xin Covid-19 cho trẻ từ 5-11 tuổi. Tuy nhiên, lô đầu tiên có thể bị chậm trễ. 

Ngày 10/3, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn cho biết, theo kế hoạch, trong tháng 3 này, sẽ có lô vắc xin Covid-19 đầu tiên cho trẻ từ 5-11 tuổi về Việt Nam.

“Hợp đồng chúng ta đã xong cả rồi, chương trình là sẽ có 3 triệu liều vào tháng 3. Số còn lại sẽ tiếp tục chuyển về vào tháng sau”.

Thứ trưởng Sơn cũng cho hay, lô vắc xin Covid-19 cho trẻ 5-11 tuổi bị chậm trễ có thể do khâu vận chuyển logistics gặp vấn đề, còn hợp đồng đã được ký kết.

Vắc xin Covid-19 cho trẻ 5-11 tuổi có thể chậm về Việt Nam
Trước đó, nhóm trẻ từ 12-17 tuổi đã được chủng ngừa vắc xin Covid-19.

Cũng trong ngày 10/3, Báo Chính phủ thông tin, Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu Bộ Y tế kiểm điểm, làm rõ trách nhiệm và xử lý các tổ chức, cá nhân để chậm trễ trong việc mua vắc xin cho trẻ em từ 5 đến dưới 12 tuổi; báo cáo giải trình việc mua vắc xin cho nhóm trẻ này trong ngày 10-3.

Thủ tướng Chính phủ đã cho phép áp dụng hình thức lựa chọn nhà thầu trong trường hợp đặc biệt quy định tại Điều 26 Luật đấu thầu đối với việc mua 21,9 triệu liều vắc xin phòng Covid-19 của Pfizer cho trẻ em từ 5 đến dưới 12 tuổi.

Chính phủ giao Bộ Y tế chịu trách nhiệm tổ chức thực hiện việc mua, triển khai tiêm vắc xin phòng Covid-19 của Pfizer cho trẻ em từ 5 đến dưới 12 tuổi, bảo đảm khoa học, an toàn, hiệu quả.

Bộ Y tế đã ký hợp đồng với Tập đoàn Pfizer mua 21,9 triệu liều vắc xin Covid-19 cho nhóm trẻ trên. Theo đó, trong quý 1/2022, 7 triệu liều sẽ về Việt Nam. Số còn lại (14,9 triệu liều) được giao trong quý 2. 

Bộ Y tế cũng phê duyệt vắc xin Comirnaty (Pfizer) tiêm cho trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi với liều lượng mỗi liều 0,2ml chứa 10mcg.

Linh An

Điều cần biết về vắc xin Covid-19 cho trẻ từ 5 tới 11 tuổi ở Mỹ

Điều cần biết về vắc xin Covid-19 cho trẻ từ 5 tới 11 tuổi ở Mỹ

Nhóm trẻ 5-11 tuổi tiêm lượng vắc xin bằng 1/3 người lớn, rất hiếm phản ứng nghiêm trọng sau tiêm.

Sức khỏe liên quan khác