Tình nguyện viên của Bệnh viện Hồi sức lớn nhất nước kêu cứu

05/04/2022
“Được tôn vinh như thiên thần áo trắng, nhưng chúng tôi phải đi phục vụ quán cà-phê, nhà hàng để bù vào chi phí trong thời gian chống dịch tại Bệnh viện Hồi sức Covid-19. Hỏi khắp nơi nhưng họ nói tiếp tục chờ đợi” 

Nửa năm chống dịch nhận 6 triệu hỗ trợ

Anh V.H –sinh viên điều dưỡng của Đại học Nguyễn Tất Thành (TP.HCM) tham gia hỗ trợ chống dịch tại Bệnh viện Hồi sức Covid-19 từ ngày 16/8/2021 đến 21/1/2022. Như hàng ngàn tình nguyện viên khác, anh bước vào đại dịch không nghĩ đến chuyện đi để được gì.

Nửa năm trôi qua, họ đã chiến đấu ở mặt trận khốc liệt nhất. Dịch hạ nhiệt, mọi người trở về cuộc sống cơm áo gạo tiền. Bệnh viện Hồi sức Covid-19 duy trì sứ mệnh đến ngày 30/3/2022 chính thức ngưng hoạt động. Thế nhưng, tình nguyện viên vẫn mòn mỏi gõ cửa nhiều nơi để hỏi tiền phụ cấp.

Tình nguyện viên của Bệnh viện Hồi sức lớn nhất nước kêu cứu
Tình nguyện viên nhắn tin Fanpage Bệnh viện Chợ Rẫy để hỏi phụ cấp chống dịch.

Theo anh V.H, trong 6 tháng chống dịch, anh nhận được hơn 6.000.000 là phần hỗ trợ cho tháng 8/2021. “Từ tháng 9 trở đi, chưa có bất kỳ ai nhận được khoản phụ cấp nào. Chúng tôi có thắc mắc nhưng Bệnh viện Chợ Rẫy (phụ trách Bệnh viện Hồi sức Covid-19) đáp là tiếp tục chờ đợi.

Tôi hiểu hơn 1.000 tình nguyện viên ở đây đều tự nguyện tham gia, nhưng các nghị quyết của Chính phủ đã quy định có phần hỗ trợ này. Chúng tôi là người ở TP.HCM, thiệt thòi là một chuyện, nhưng còn hàng trăm y bác sĩ từ Bắc vào Nam đã giúp thành phố chống dịch mà đáp lại vẫn là sự im lặng?”, anh bức xúc.

Có mặt tại TP.HCM ngay từ khi dịch Covid-19 bùng phát, đoàn y bác sĩ của Bệnh viện 74 Trung ương (Vĩnh Phúc) đưa lực lượng 60 người vào hỗ trợ, chia làm 2 đợt. Đợt 1 tham gia chống dịch từ ngày 12/7/2021. Đợt 2 từ ngày 15/9/2021.

Theo một thành viên trong đoàn, đội chi viện của Bệnh viện 74 Trung ương đã nhận được phần hỗ trợ theo Nghị quyết 12 của Hội đồng nhân dân TP về mức chi hỗ trợ một lần (10 triệu/người). Tuy nhiên, phụ cấp chống dịch 450.000 đồng/người/ngày tính từ tháng 9/2021 đến lúc kết thúc nhiệm vụ, đoàn chưa nhận được.

“Khoản phụ cấp chống dịch của tháng 7, tháng 8 sau một thời gian thúc giục mãi mới được thanh toán. Còn của tháng 9, 10, 11 đến sau này vẫn không thấy đâu. Trong nhóm Zalo, các đoàn cũng hỏi mãi nhưng không có gì rõ ràng, không hiểu lý do tại sao mà chậm trễ như vậy.

Nhân viên y tế nhiều người rất khó khăn. Mấy tháng trời chống dịch vất vả nên mọi người mong ngóng khoản phụ cấp này cũng là lẽ đương nhiên", bác sĩ này chia sẻ.

Không ai biết khi nào sẽ có tiền?

Một nguồn tin cho hay, sau rất nhiều lần hỏi về khoản phụ cấp trên, các đoàn chi viện nhận được câu trả lời: Cuối năm 2021, Bệnh viện Chợ Rẫy (đơn vị phụ trách Bệnh viện Hồi sức Covid-19) đã lên danh sách tình nguyện viên các đoàn để chi trả phụ cấp cho tháng 9,10/2021. Thế nhưng, Bệnh viện không quyết toán được do khâu hoàn thiện hồ sơ giấy tờ gặp vướng mắc.

“Cách đây 1 tháng chúng tôi tiếp tục hỏi lại vấn đề này thì được biết vì Bệnh viện không quyết toán được năm 2021 nên thành phố đã thu hồi tiền đã cấp cho Bệnh viện Chợ Rẫy. Sở Y tế TP.HCM trả lời với các đoàn là đã lên kế hoạch quyết toán cho anh em nhưng thời gian hơi lâu. Chắc phải sang quý 2/2022”.

Tình nguyện viên của Bệnh viện Hồi sức lớn nhất nước kêu cứu
Bệnh viện Hồi sức Covid-19 là "mặt trận" khốc liệt nhất của đại dịch tại TP.HCM. 

Các y bác sĩ cho biết, Bệnh viện Hồi sức Covid-19 là nơi cực khổ nhất của TP.HCM vì công tác hồi sức vô cùng vất vả. Các y bác sĩ của BV Chợ Rẫy, Nhân dân 115, các bệnh viện TP và chi viện của các tỉnh thành (Thanh Hóa, Hải Phòng, BV 71 Trung ương, 74 Trung ương...)  đều trải qua những thời khắc khốc liệt. Đến nay, các sang chấn do đại dịch để lại vẫn nặng nề với y bác sĩ. 

“Đó là giai đoạn gian khổ của thành phố, chúng tôi hết sức hiểu và chia sẻ. Nhưng nếu vướng mắc hỗ trợ ở đâu cũng mong có câu trả lời với tình nguyện viên cả nước.

Nhiều nhân viên y tế hợp đồng chỉ có 3 triệu tiền lương/ tháng, họ vẫn mong ngóng vào khoản phụ cấp này để gửi về cho gia đình”, một bác sĩ chi viện từ miền Bắc tâm tư.

“Được tôn vinh như thiên thần áo trắng nhưng chúng tôi lại đi phục vụ cà-phê, nhà hàng , và chạy vay để bù lại các khoản chi trong thời gian hỗ trợ chống dịch. Chúng tôi không biết kêu với ai, kêu ở đâu cũng là im lặng hoặc nói hãy chờ đợi”, anh V.H nói.

Liên quan đến vụ việc, VietNamNet đã gửi câu hỏi đến Sở Y tế trong cuộc họp Ban chỉ đạo phòng chống dịch và phục hồi kinh tế TP.HCM ngày 4/4.

Bà Lê Thiện Quỳnh Như, Chánh văn phòng Sở Y tế TP.HCM cho hay, cuối năm 2021, bệnh viện Hồi sức Covid-19 đã tập trung chi trả giải ngân và thanh quyết toán chi phí phòng chống dịch. 

“Do thời gian cận cuối năm, Bệnh viện Hồi sức Covid-19 vẫn còn một số vướng mắc trong thanh quyết toán, đến nay mới chi được hơn một nửa. Bệnh viện và Sở Y tế TP đang phối hợp và trình UBND TP để tháo gỡ các vướng mắc, sẽ tiếp tiếp tục chi trả cho tình nguyện viên.

Mong các anh chị tình nguyện viên thông cảm cho sự chậm trễ này”, bà Quỳnh Như nói.

Bệnh viện Hồi sức Covid-19 TP.HCM là Trung tâm hồi sức Covid-19 lớn nhất cả nước với quy mô 1.000 giường hoạt động từ ngày 16/7/2021. Cao điểm phải sử dụng đến hơn 700 giường bệnh, điều trị các ca Covid-19 nặng, nguy kịch của toàn thành phố.

Giai đoạn cao điểm, khoảng 3.000 nhân viên y tế với 74 đoàn y bác sĩ từ cả nước chi viện về đây, được xem như "Bệnh viện Liên Hợp Quốc".  Bệnh viện đã điều trị cho khoảng 5.000 bệnh nhân Covid-19 của TP.HCM, 70% hồi phục, đoàn tụ với gia đình. Ngày 18/3, Bệnh viện ngưng nhận bệnh, công tác bàn giao theo kế hoạch kết thúc vào ngày 30/3.

 Phú Sĩ

Bệnh viện Chợ Rẫy và những ngày trọn vẹn với người dân TP.HCM

Bệnh viện Chợ Rẫy và những ngày trọn vẹn với người dân TP.HCM

Hàng ngàn bệnh nhân nặng, nguy kịch của TP.HCM đã được cứu sống tại Bệnh viện Hồi sức Covid-19 và Bệnh viện Chợ Rẫy trong đợt dịch thứ 4. Đến nay, các bác sĩ, điều dưỡng, nhân viên của 2 bệnh viện vẫn tiếp tục sứ mệnh của mình. 

Sức khỏe liên quan khác