Trung Quốc tham vọng chế vũ khí mới, đánh bại đối thủ không tốn sức

27/09/2021
Đánh bại một đội quân mà không cần xung trận hay chịu thương vong? Điều này là khả thi nếu như loại vũ khí cực siêu thanh mới do nhóm chuyên gia Trung Quốc đề xuất trở thành hiện thực.

Được thiết kế để giải phóng ra luồng điện từ cực mạnh nhằm quét sạch các đường cung cấp điện và liên lạc, thứ vũ khí đang được nhóm kỹ sư tên lửa Trung Quốc theo đuổi có thể sở hữu tầm bắn 3.000km, bằng khoảng cách từ bờ biển phía Đông nước này đến đảo Guam của Mỹ. Với tốc độ nhanh gấp 6 lần vận tốc của âm thanh, nó sẽ bay hết quãng đường trên trong 25 phút. 

Theo lý giải của nhóm nghiên cứu tại Viện Công nghệ phóng Trung Quốc ở Bắc Kinh, không giống tên lửa đạn đạo, vũ khí cực siêu thanh này có thể lưu lại trong bầu khí quyển Trái Đất để lẩn tránh các hệ thống cảnh báo sớm trên không gian, đồng thời sử dụng công nghệ tàng hình chủ động để tránh bị radar trên mặt đất phát hiện.

Chú thích ảnh

Loại vũ khí siêu thanh tầm xa mới do các nhà khoa học tên lửa ở Bắc Kinh đề xuất có thể quét sạch các đường dây liên lạc và cung cấp điện trên một khu vực rộng 2km. Ảnh minh hoạ: Shutterstock

Nhà khoa học Sun Zheng tại viện trên cho hay khi vũ khí này phát nổ phía trên phạm vi của mục tiêu, nó không gây hại đến tính mạng con người. Thay vào đó, luồng sóng điện từ mạnh mẽ do nó sản sinh ra sẽ đốt cháy các thiết bị điện tử quan trọng thuộc hệ thống thông tin của mục tiêu trong phạm vi 2km. 

Những vũ khí xung điện từ trước đây đòi hỏi phải lắp đầu đạn hạt nhân để có thể giải phóng năng lượng từ và điều này giới hạn tính ứng dụng của chúng. Nhóm của ông Sun cho biết trong khi đó, vũ khí điện từ siêu thanh sẽ sử dụng chất nổ hóa học để thay thế. 

Vụ nổ hóa học sẽ nén một nam châm tích điện được gọi là "máy phát nén từ thông”. Mps sẽ chuyển đổi năng lượng xung kích thành các vụ nổ vi sóng ngắn nhưng cực mạnh.

Một quả bom xung điện từ phi hạt nhân thường nặng và cồng kềnh vì cần mang theo khối lượng lớn pin để tích trữ đủ điện cho kích hoạt vụ nổ. Loại bom này thường được thả từ máy bay.

Tờ Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng (SCMP) dẫn lời một nhóm chuyên gia của Không quân Mỹ cho hay năm 2017, Washington đã xem xét sử dụng một tên lửa hành trình cỡ lớn gắn đầu đạn điện từ để làm tê liệt các cơ sở hạt nhân của Bình Nhưỡng. Tuy nhiên, kế hoạch này đã không được triển khai, một phần là do lo ngại Triều Tiên có thể phát hiện tên lửa và tấn công trả đũa bằng vũ khí hạt nhân.  

Nhà khoa học Sun Zheng cùng các đồng nghiệp cho biết vũ khí mới của họ có một lợi thế lớn chính là việc đối phương sẽ không biết được nó đang ở đường bay.

Khi một vật thể di chuyển trong không khí với vận tốc lớn, các phân tử không khí bị ion hóa bởi nhiệt và tạo thành một lớp plasma mỏng trên bề mặt vật thể. Áo choàng plasma có thể hấp thụ tín hiệu radar, nhưng không phải tất cả.

Để đạt được khả năng tàng hình toàn diện, vũ khí do nhóm của ông Sun thiết kế sẽ chuyển đổi nhiệt môi trường (thường ở nhiệt độ trên 1.000 độ C) thành điện năng và sử dụng điện năng đó để cung cấp năng lượng cho nhiều máy phát điện plasma đặt ở những khu vực khác nhau của thân tên lửa.

Một nhà nghiên cứu công nghệ siêu thanh tại Nam Kinh đánh giá ý tưởng của nhóm chuyên gia tại Viện Công nghệ phóng Trung Quốc là khả thi. Theo lập luận của nhân vật này, công nghệ chuyển đổi nhiệt và tạo plasma đã được sử dụng trong việc giảm lực cản hoặc kiểm soát bay cho các chuyến bay siêu thanh.

Để đạt được trọng lượng nhẹ cần thiết cho tốc độ siêu thanh, vũ khí này sẽ không mang theo bất kỳ loại pin nào. Thay vào đó, nó sẽ sử dụng siêu tụ điện với mật độ năng lượng gấp 20 lần so với pin. Các tụ điện này được sạc khi đang bay, sử dụng năng lượng từ máy phát nhiệt thành điện.

Nhóm nghiên cứu viết: “Nó có thể giải phóng 95% năng lượng chỉ trong 10 giây, thích hợp cho việc phóng điện tức thời để gây ra thiệt hại xung điện từ.

Họ cho biết vũ khí xung điện từ tàng hình chủ động dựa trên sự tái tạo năng lượng phù hợp với xu hướng phát triển hiện nay của chiến tranh tức thì, đối đầu mạnh và phá huỷ thông tin toàn chiều.

Đáng lưu ý, thứ vũ khí này vẫn đang ở giai đoạn khái niệm. Tuy nhiên, các nhà nghiên cứu tin tưởng rằng với sự xuất hiện liên tục của thiết bị và công nghệ thử nghiệm, nó sẽ đóng một vai trò cơ bản trong các hệ thống vũ khí thế hệ tiếp theo của Trung Quốc.

Theo Baotintuc/SCMP

Giải mã chiến cơ Chim đen - máy bay nhanh nhất mọi thời đại của Mỹ

Giải mã chiến cơ Chim đen - máy bay nhanh nhất mọi thời đại của Mỹ

Được sản xuất từ những năm 1960 với tốc độ có thể lên tới 4.000 km/h, tới nay, Chim đen SR-71 của Mỹ vẫn là máy bay nhanh nhất thế giới.

Tin công nghệ liên quan khác