“Xin đừng xoáy thêm vào nỗi đau của những người trong cuộc”

02/04/2022
Việc chia sẻ video và thư tuyệt mệnh trên mạng theo các chuyên gia truyền thông là hành động vô cảm, câu like và view bất chấp. 

Hành động vô cảm, câu like và view bất chấp

Sự việc nam sinh xấu số ở Hà Nội vào ngày1/4 vừa qua khiến cho nhiều người cảm thấy đau lòng. Tuy nhiên, trên các nền tảng mạng xã hội, cũng như một số cơ quan truyền thông hay trang tin điện tử tổng hợp lại vô tư cho đăng tải video clip và thư tuyệt mệnh của nam sinh là điều đáng lên án.

“Xin đừng xoáy thêm vào nỗi đau của những người trong cuộc”

Ảnh minh hoạ

“Xin đừng xoáy thêm vào nỗi đau của những người trong cuộc”, đó là lời kêu gọi của ông Lê Quốc Vinh, chủ tịch của Le Group of Companies, trước việc video clip và thư tuyệt mệnh của nam sinh xấu số được chia sẻ từ hôm qua đến nay. 

Ông Vinh cho biết, đã không dám xem, không dám đọc những video clip, những đoạn thư tuyệt mệnh đó. Nó đau đớn lắm. Cư dân mạng chia sẻ những thứ đó chỉ làm cho người trong cuộc, những người liên quan, nhất là bố mẹ cháu đau khổ tột cùng. Vết thương này sẽ không bao giờ lành. Ông mong mọi người trên mạng, đặt mình vào hoàn cảnh của người khác mà suy nghĩ thấu đáo xem nên nói cái gì, chia sẻ cái gì trên mạng xã hội. Mọi hành động vô thức có thể dẫn đến những hậu quả khôn lường.

Đồng quan điểm, ông Nguyễn Duy Vĩ, Giám đốc công ty truyền thông Buzi, việc các nền tảng mạng xã hội, một số cơ quan truyền thông hay trang tin điện tử tổng hợp, đăng tải video và thư tuyệt mệnh của nam sinh, là một hành động thể hiện sự vô cảm và câu like/view bất chấp! Có rất nhiều cách để đưa tin nhưng tại sao lại chia sẻ một cách vô tội vạ bất chấp những nỗi đau tinh thần của người trong cuộc.  Thử đặt tình huống chính người nhà của những người đưa tin đó gặp không may và bị đối xử một cách thô bạo như vậy thì họ sẽ nghĩ sao?

Theo ông Vĩ, đây không phải là lần đầu các vấn đề riêng tư của gia đình và cá nhân, đặc biệt là trẻ em được đăng tải một cách tự do như vậy.  Nó là hồi chuông cảnh tỉnh cho một thể loại tâm lý đám đông đáng lo ngại. Họ chia sẻ, họ nói những câu nhận xét sáo rỗng để thể hiện mình là người có lương tri?

Còn chuyên gia truyền thông Nguyễn Ngọc Long phân tích, đứng về phía truyền thông, dễ nhận thấy có sự ngộ nhận của một bộ phận cư dân mạng khi nhân danh việc “cảnh tỉnh các bậc làm cha làm mẹ” để cổ vũ hành vi phát tán video clip và bình phẩm nội dung thư tuyệt mệnh theo hướng tấn công cha mẹ em nam sinh xấu số. 

Ông đồng ý việc cảnh tỉnh cha mẹ cần phải lắng nghe và chia sẻ cùng con là việc nên làm. Nhưng cảnh tỉnh con cái không hành động dại dột cũng là việc nên làm không kém. Có điều, ranh giới giữa việc cảnh tỉnh và nhân danh cảnh tỉnh rồi “thản nhiên” sử dụng hình ảnh, thông tin cá nhân của bất cứ ai khi chưa được phép đang trở nên rất mong manh.

“Chúng ta không thể dùng một mục đích tốt để biện minh cho một hành vi sai. Hay nói cách khác, vẫn có phương án trung dung đáp ứng được cả 2. Vừa tôn trọng em nam sinh, hình ảnh và thông tin cá nhân của em; cũng như tôn trọng danh dự nhân phẩm cũng như chia sẻ nỗi đau mất mát của gia đình em mà vẫn có thể nói về câu chuyện như hồi chuông cảnh tỉnh cả phụ huynh lẫn các em học sinh để không xảy ra những chuyện đau lòng trong tương lai”, ông Nguyễn Ngọc Long đánh giá.

Cơ quan chức năng cần sớm chấn chỉnh các nền tảng mạng xã hội

Theo ông Nguyễn Duy Vĩ, thực tế không chỉ mỗi sự việc của nam sinh ở trên, mà trong thời gian qua trên các nền tảng mạng xã hội có rất nhiều sự việc mà ở đó các thông tin đời tư cá nhân được đăng tải một cách vô tội vạ. Nhiều video tiktok, nhiều trang fanpage trên Facebook hay các video Youtube và một số trang tin tổng hợp, khi có một vụ scandal nào diễn ra là gần như đưa hết thông tin của những người liên quan lên mạng một cách vô tư. Từ các thông tin về gia đình, công ty, quan hệ tình cảm, con cái và các hình ảnh “nhạy cảm”… gần như được phơi bày hết trên các nền tảng mạng xã hội và các trang tin tổng hợp. Cơ quan chức năng cần sớm có các biện pháp để chấn chỉnh để bảo vệ những người liên quan và hạn chế tình trạng này.

Trước những sự việc liên quan đến đời tư trên mạng, đặc biệt là trẻ em, ông Nguyễn Ngọc Long cũng cho rằng, cơ quan chức năng sẽ làm những việc để ngăn chặn các hành vi mà họ nhận thấy có dấu hiệu vi phạm pháp luật. Thí dụ như sử dụng hình ảnh cá nhân khi chưa được phép; tiết lộ thông tin cá nhân, đời tư của những người liên quan trong câu chuyện.

Cùng quan điểm, ông Lê Quốc Vinh chia sẻ: “Về phía cơ quan chức năng, tôi nghĩ đã đến lúc phải có các biện pháp chế tài mạnh mẽ với hành vi phát tán nội dung không được phép, vi phạm quyền riêng tư của con người. Hãy dùng công nghệ, phát hiện, ngăn chặn các hành vi vô ý thức này. Đồng thời, giáo dục những công dân khác để họ hiểu hậu quả của việc tiếp tay lan truyền nội dung riêng tư của người khác”. 

Bộ TT&TT cũng đã vừa yêu cầu các mạng xã hội, trang tin điện tử tổng hợp gỡ ngay video clip và thư tuyệt mệnh của nam sinh xấu số vừa qua.

Lê Mỹ

Yêu cầu các mạng xã hội, trang tin điện tử gỡ video và thư tuyệt mệnh của nam sinh tự vẫn

Yêu cầu các mạng xã hội, trang tin điện tử gỡ video và thư tuyệt mệnh của nam sinh tự vẫn

Lãnh đạo Cục PTTH và TTĐT (Bộ TT&TT) cho biết, đã gửi yêu cầu đến các nền tảng mạng xã hội, trang thông tin điện tử dừng đăng tải, đồng thời rà soát và gỡ video, thư tuyệt mệnh của nam sinh.  

Tin công nghệ liên quan khác