Tranh luận về việc mượn cảnh đẹp Việt chụp ảnh mặc hanbok, kimono

02/12/2021
Hình ảnh các bạn trẻ mặc trang phục truyền thống của nước ngoài chụp ảnh với cây hồng cổ tại Ninh Bình thu hút nhiều sự quan tâm, ý kiến trái chiều của cộng đồng mạng.

Cây hồng nhiều năm tuổi tại Ninh Bình đang là điểm chụp hình được nhiều bạn trẻ ưa thích. Đáng nói, vì bối cảnh nơi đây mang hơi hướng cổ điển đậm nét nên du khách thường mặc các trang phục hanbok, kimono tới chụp hình.

Tranh luận về việc mượn cảnh đẹp Việt chụp ảnh mặc hanbok, kimono - 1

Cây hồng nhiều năm tuổi ở Ninh Bình đang thu hút sự chú ý của cộng đồng mạng những ngày gần đây (Ảnh: Đặng Đoàn Sang).

Chuyện tưởng như không có gì đáng nói nhưng lại khởi nguồn cho các cuộc tranh luận. Có ý kiến cho rằng một số bạn trẻ sính ngoại khi mặc trang phục truyền thống nước ngoài như hanbok (Hàn Quốc), kimono (Nhật Bản)… để chụp ảnh với cảnh đẹp ở Việt Nam. Thậm chí, có luồng ý kiến còn cho rằng bạn trẻ đang "mất gốc".

Nổi bật là các ý kiến: "Kể mà mặc áo dài hay áo tấc là quá tuyệt vời nhưng cứ phải "rất Hàn Quốc" và mặc hanbok làm gì không biết"; "Cổ phục Việt hợp hơn Hanbok"; "Cảnh này có áo tứ thân là hết sảy, không thì bộ áo dài với nón lá cũng được"…

Tranh luận về việc mượn cảnh đẹp Việt chụp ảnh mặc hanbok, kimono - 2

Nhiều bạn trẻ thích thú mặc trang phục truyền thống của Hàn Quốc chụp hình với bối cảnh nơi đây (Ảnh: Đặng Đoàn Sang).

Tranh luận về việc mượn cảnh đẹp Việt chụp ảnh mặc hanbok, kimono - 3

Chỉ sau một thời gian ngắn, nơi đây đã thu hút nhiều du khách về chụp ảnh (Ảnh: Đặng Đoàn Sang).

Trước những ý kiến trái chiều về bối cảnh cũng như trang phục, bạn Đặng Đoàn Sang, 28 tuổi, là người chụp nhiều hình ảnh bạn trẻ mặc hanbok bên cây hồng ở Ninh Bình chia sẻ: "Mình được biết đến cây hồng này qua một trang cộng đồng của tỉnh Ninh Bình đăng tải. Và mình cảm thấy ngạc nhiên khi ở gần Hà Nội mà có cây hồng. Cảnh tường đá rêu xanh có chút giống cảnh trong các bộ phim Hàn Quốc nên mình đã tìm đến đây và cảm thấy rất thích địa điểm này".

Tranh luận về việc mượn cảnh đẹp Việt chụp ảnh mặc hanbok, kimono - 4

"Nơi đây mát mẻ, trong lành. Cây hồng rất to, đẹp, sai trĩu quả và cho mình cảm giác giống như trong các bộ phim Hàn Quốc", Sang kể (Ảnh: Đặng Đoàn Sang).

Đoàn Sang thẳng thắn bày tỏ: "Mình nghĩ rằng vấn đề mặc trang phục nước ngoài chụp ảnh ở Việt Nam không có gì đáng phê phán hay đáng lên án cả. Mọi người lựa chọn hanbok, kimono chủ yếu vì khung cảnh đó có nét giống với Hàn Quốc, Nhật Bản. Bên cạnh đó, không phải ai cũng có điều kiện đi du lịch nước ngoài nên việc mặc để chụp hình làm kỷ niệm thì không có gì sai.

Mình không cổ súy cho việc mặc trang phục nước ngoài ở khắp mọi nơi. Nhưng tùy vào thời điểm và việc thuê trang phục này còn mang lại thu nhập cho dân bản địa thì mình hoàn toàn ủng hộ".

Tranh luận về việc mượn cảnh đẹp Việt chụp ảnh mặc hanbok, kimono - 5

(Ảnh: Đặng Đoàn Sang).

Bạn Diệu Linh, 20 tuổi chia sẻ: "Trong thời đại toàn cầu hóa, hội nhập quốc tế, giao thoa văn hóa là một vấn đề tất yếu. Mình nghĩ, việc giới trẻ ngày nay mặc các trang phục truyền thống nước ngoài là điều bình thường. Tuy nhiên, chúng ta phải biết sử dụng đúng thời điểm, đúng mục đích, đúng hoàn cảnh.

Theo mình, không nên sử dụng bộ trang phục truyền thống của nước bạn trước những cảnh vật đặc trưng của Việt Nam. Thay vào đó, chúng ta có thể sử dụng áo dài, áo tấc, áo tứ thân, thậm chí trang phục cách tân, vừa giới thiệu được trang phục truyền thống, vừa có thể quảng bá hình ảnh, văn hóa của đất nước mình".

Tranh luận về việc mượn cảnh đẹp Việt chụp ảnh mặc hanbok, kimono - 6

Diệu Linh nghĩ: "Một bộ trang phục phù hợp hay không cần dựa vào hoàn cảnh và cách sử dụng của người đấy" (Ảnh: Đặng Đoàn Sang).

Bạn Khánh Huyền, 20 tuổi, bộc bạch: "Cá nhân mình cho rằng, sở dĩ cây hồng tại Ninh Bình trở thành hiện tượng khiến giới trẻ đổ xô tới chụp hình và mặc trang phục có nguồn gốc từ Hàn Quốc là bởi vì khung cảnh nơi đây có nét tương đồng với những bộ phim cổ trang Hàn Quốc.

Chỉ với một bức ảnh thôi cũng có thể khiến các bạn trẻ thích thú như đang được đi du lịch nước ngoài, là cơ sở đề ngày càng nhiều người truyền tai nhau về địa điểm trên".

Và mình cũng nghĩ rằng, việc diện các trang phục truyền thống nước ngoài để chụp hình với cảnh vật tại Việt Nam là hết sức bình thường. Trong bối cảnh ngoại giao văn hóa trên thế giới đang được các quốc gia coi trọng, trang phục cũng là một khía cạnh được hướng đến".

Huyền nói thêm: "Khi giới trẻ Việt Nam mặc trang phục truyền thống nước ngoài và chụp ảnh tại quê hương, điều đó thể hiện sự yêu mến, quan tâm dành cho văn hóa của quốc gia đó. Điều này cũng tương tự với những bạn người ngoại quốc diện lên mình những bộ áo dài duyên dáng tại các địa điểm nổi tiếng trên thế giới".

Tranh luận về việc mượn cảnh đẹp Việt chụp ảnh mặc hanbok, kimono - 7

Khánh Huyền nghĩa rằng: "Lan tỏa văn hóa, kết nối cộng đồng là điều chúng ta nên làm trong thời đại ngày nay" (Ảnh: Đặng Đoàn Sang).

Thầy Lưu Trần Toàn, giảng viên Học viện Báo chí và Tuyên truyền bày tỏ quan điểm: "Theo tôi, việc mặc trang phục của một nước ở bối cảnh khác quốc gia đó là một điều bình thường, bởi mục đích của các bạn cũng đơn giản là có một bức ảnh chụp trong trang phục của một nền văn hóa mà các bạn yêu thích.

Điều kiện còn hạn chế khiến các bạn không thể thuê studio hoặc đến một khung cảnh nào khác để hợp với trang phục đang mặc. Đối với nhiều người, có chăng diện lên mình những bộ trang phục đó có thể không đẹp, không phù hợp nhưng những điều đó phụ thuộc vào quan điểm của mỗi người".

Theo Dân Trí

Hai người phụ nữ mặc nội y quỳ gối trên đường gây tranh cãi

Hai người phụ nữ mặc nội y quỳ gối trên đường gây tranh cãi

Tại lối ra A1 của tuyến tàu điện ngầm số 2 Hàng Châu, Trung Quốc, một cô gái chỉ mặc nội y đang quỳ gối xin tiền. Bên cạnh, một người phụ nữ trung niên cũng ăn mặc như vậy.