Tranh cãi: Tuổi trẻ 'bung xõa hết mình' hay tiết kiệm cho tương lai?

18/11/2021
Khi còn trẻ nên "bung xõa hết mình" hay sống tiết kiệm vẫn luôn là vấn đề gây tranh cãi trên mạng xã hội. Cùng lắng nghe quan điểm của một số bạn trẻ về hai lối sống trái ngược này!

Chia tiền thành các khoản, ghi chú chi tiêu

Đối với Trần Ngọc Bảo Trân (23 tuổi, streamer tại TPHCM), cô thường ghi chú lại những khoản chi tiêu để có thể chủ động kiểm soát được nguồn tài chính.

Trân nói: "Thu nhập của mình thuộc dạng trung bình khá; mình thường dành 60% cho khoản chi tiêu cá nhân, gia đình, bạn bè; 20% gửi tiết kiệm và 20% đầu tư. Mình chia nhỏ các quỹ đầu tư ở nhiều kênh khác nhau. Với người trẻ, nếu chưa có cơ hội để tiết kiệm hay đầu tư thì nên học cách chi tiêu hợp lý.

Ví dụ như, không mua những thứ không cần thiết, hạn chế đi chơi ăn uống sang chảnh, để dành nguồn tài nguyên đầu tư vào giáo dục…, bởi khi có một công việc tốt chúng ta sẽ có một nguồn thu nhập ổn hơn để thoải mái chi tiêu những thứ mình muốn".

Tranh cãi: Tuổi trẻ bung xõa hết mình hay tiết kiệm cho tương lai? - 1

Bảo Trân chia tiền thành các quỹ nhỏ để quản lý dễ hơn.

Trong cách nhìn nhận của Bảo Trân, người trẻ bây giờ đang bị mắc kẹt giữa 2 luồng suy nghĩ: "Chúng ta chỉ được sống một lần trong đời và tiết kiệm cho tương lai".

Đối với cá nhân cô, với mức thu nhập hiện tại có thể đủ để chi trả hiện tại và hoạch định tương lai. Trân tiết lộ, số tiền cô tiết kiệm được đủ mua một ngôi nhà nhỏ ở TPHCM.

Tiết kiệm tiền với phương châm "khổ trước sướng sau"

Lê Thị Bích Hằng (21 tuổi, sinh viên ĐH Nguyễn Tất Thành) chia sẻ, mỗi tháng cô kiếm được khoảng hơn 20 triệu đồng từ công việc người mẫu ảnh, quảng cáo. Cách chi tiêu của cô chính là vạch sẵn những khoản tiền cần chi cố định mỗi tháng, để lại một khoản phòng trường hợp phát sinh, số tiền còn lại sẽ gửi tiết kiệm.

Tranh cãi: Tuổi trẻ bung xõa hết mình hay tiết kiệm cho tương lai? - 2

Bích Hằng giữ vững quan điểm chi tiêu tiết kiệm.

Cô cho biết: "Mình đặt ra mục tiêu tiết kiệm với phương châm "khổ trước sướng sau". Khi có mục tiêu cụ thể thì mình cũng có động lực để phấn đấu; tất nhiên việc học vẫn được mình chú trọng hàng đầu. Mình tiết kiệm được thì sẽ có cuộc sống ổn định sớm hơn, và có một khoản tiền dư dả một chút để không rơi vào trạng thái hoảng hốt nếu có sự cố phát sinh. Mình nghĩ tuổi trẻ thì hãy cứ bận rộn đi để sau này có cuộc sống an nhàn, chứ không phải vật lộn quá nhiều nữa".

Định mức chi tiêu theo từng ngày

Nguyễn Hoàng Minh (19 tuổi, sinh viên ĐH Công nghiệp TPHCM) bộc bạch rằng bản thân chưa kiếm được quá nhiều tiền nên luôn ý thức được mức chi tiêu như thế nào là hợp lý. Theo đó, Minh thường định mức chi tiêu theo từng ngày và nghiêm túc thực hiện nó.

Tranh cãi: Tuổi trẻ bung xõa hết mình hay tiết kiệm cho tương lai? - 3

Hoàng Minh chia định mức chi tiêu theo từng ngày.

Còn nếu muốn mua một món đồ nào đó nhưng nằm ngoài khả năng của bản thân thì anh thường "mượn" mẹ một khoản, sau đó sẽ tiết kiệm để trả lại cho mẹ.

"Mình thấy cách làm này có thể tạo nhiều động lực để tiết kiệm hơn, so với việc mình cứ tiết kiệm đủ tiền rồi mới mua. Mức thu nhập hiện tại của mình rơi vào 6 con số. Mình vừa đi học vừa đi làm nên với số tiền đó cũng đủ để trang trải cuộc sống sinh viên rồi. Mình nghĩ nếu chưa kiếm được nhiều tiền thì cứ chi tiêu trong mức chi trả của bản thân thôi. Mình khá chăm chút cho vẻ ngoài nên hầu như mỗi tháng đều dành ra một khoản cho hạng mục này", Hoàng Minh nói.

Có kế hoạch chi tiêu và tích lũy hợp lý khi còn là sinh viên

Trần Minh Ngọc (20 tuổi, sinh viên ĐH Kinh tế Quốc dân) cho rằng, đừng lấy lý do là tuổi trẻ để "vung tay quá trán", chi tiêu một cách quá đà.

Với Ngọc, một bạn trẻ thông minh sẽ biết cách tiết chế những nhu cầu không cần thiết, lên kế hoạch chi tiêu và tích lũy một cách hợp lý. Theo đó, "còn trẻ nên tiết kiệm, tích lũy cho sự nghiệp trong tương lai. Tuy nhiên vẫn cần chi ra một khoản cho những trải nghiệm, chứ không quá dè dặt khiến tuổi trẻ không có sắc màu".

Tranh cãi: Tuổi trẻ bung xõa hết mình hay tiết kiệm cho tương lai? - 4

Nam sinh Minh Ngọc chú trọng đến khoản tích lũy cho tương lai.

Anh chàng thường chia quỹ tài chính với 2 mục tiêu chính: 20% tích lũy và 80% chi tiêu, học hành, gửi về cho gia đình, trải nghiệm các dịch vụ khác... Thu nhập của nam sinh có thể đạt đến 8 con số; nhưng Ngọc vẫn kiên định với kế hoạch tài chính để hiện thực hóa dự định tương lai.

Chỉ bắt đầu tiết kiệm khi sang tuổi 30

Diễm My (25 tuổi, Hà Nội) vẫn giữ quan điểm "tuổi trẻ chỉ sống duy nhất một lần". My "phát cuồng" lên mỗi lần đi mua sắm; cô sẵn sàng bỏ ra một số tiền lớn chỉ để thỏa mãn sở thích cá nhân. Cô cho rằng vừa làm vừa hưởng thụ thì cuộc sống mới vui.

Cô gái trẻ thẳng thắn: "Mình vẫn có công việc với mức thu nhập khá ổn để sống dư dả, mua những gì mình thích. Mình là người sống tự do, không bó buộc bản thân trong bất cứ khuôn khổ nào.

Ai cũng chỉ sống một lần, cớ sao phải kìm hãm những điều khiến bản thân cảm thấy hạnh phúc. Mình sẽ bắt đầu tiết kiệm khi bước sang tuổi 30. Mình còn trẻ, nên có thời gian để khám phá mọi thứ ngoài kia. Mình nghĩ, nếu tiêu tiền cho bản thân thì lại có thêm động lực để kiếm nhiều tiền hơn nữa. Tùy theo điều kiện mỗi người mà chọn sống hưởng thụ hay tiết kiệm, không nhất thiết phải nhìn theo người ta rồi áp đặt lên mình, như thế mệt mỏi lắm".

Tranh cãi: Tuổi trẻ bung xõa hết mình hay tiết kiệm cho tương lai? - 5

Mỗi người sẽ có những phương pháp và kế hoạch chi tiêu khác nhau, miễn sao họ cảm thấy hài lòng.

Đừng đưa tiêu chuẩn tiết kiệm để áp đặt người khác

Có cùng quan điểm với Diễm My, M.K (24 tuổi, Ninh Bình) cho rằng, mỗi người có một cuộc sống và cách chi tiêu riêng, không nên áp đặt tiêu chuẩn tiết kiệm của người này lên người kia. Anh thẳng thắn nói: "Mình nghĩ mọi người đang chỉ nhìn thấy mặt tiêu cực của lối sống YOLO (You only live once - bạn chỉ sống một lần trên đời).

Đây là lối sống giúp người ta có cách nhìn nhận đúng về bản thân, biết được mình đang muốn gì, tất nhiên mọi thứ cũng đều có giới hạn nhất định. Hầu như mọi năm mình đều dành số tiền kiếm được để đi du lịch, khám phá những vùng đất mới. Sau mỗi chuyến đi như vậy, mình tìm lại được niềm vui, có thêm vốn sống phong phú. Vậy nên, đừng ép ai đó phải sống tiết kiệm quá, trong khi họ có đủ điều kiện để theo đuổi lối sống họ muốn".

Theo Dân Trí

Giãn cách xã hội rèn lối sống lành mạnh, cân bằng cho giới trẻ

Giãn cách xã hội rèn lối sống lành mạnh, cân bằng cho giới trẻ

Sau khoảng thời gian ở nhà giãn cách xã hội, nhiều bạn trẻ đã thực sự trở thành “đại sứ” cho lối sống “healthy - balance”, chỉ nhau cách thanh nhiệt, chăm sóc sức khỏe hữu ích.