Thương mại điện tử “cứu" nông dân Trung Quốc như thế nào?

14/01/2022
Thương mại điện tử là một trong những kênh quan trọng đóng góp to lớn vào công cuộc xóa đói giảm nghèo ở các vùng nông thôn của Trung Quốc.

Những quyết định thay đổi cuộc đời

Vào năm 2018, Chen Jiubei - một nông dân sống tại Badagong - thị trấn hẻo lánh ở tỉnh Hồ Nam, miền trung Trung Quốc đã đưa ra một quyết định táo bạo có thể sẽ thay đổi cuộc đời của chính bản thân và cả những người dân trong thị trấn của cô, đó là livestream bán hàng qua sàn thương mại điện tử Taobao.

Các buổi livestream của Chen chủ yếu xoay quanh nội dung về công việc đồng áng, nấu ăn và nói về các sản phẩm mình bán và nó nhanh chóng trở nên phổ biến. Chen đã thu hút được 40.000 người theo dõi chỉ trong hơn một năm và bắt đầu thường xuyên bán trực tuyến các vụ thu hoạch ngô và gạo theo mùa của mình.

Thương mại điện tử “cứu' nông dân Trung Quốc như thế nào?
Thương mại điện tử “cứu" nông dân Trung Quốc

Những người dân ở Badagong thấy Chen bước đầu gặt hái được nhiều thành công và họ tìm đến sự giúp đỡ của cô để bán trái cây. Nhiều người trong số những nông dân này thuộc diện “dưới mức hộ nghèo”, thu nhập ròng bình quân đầu người hàng năm là 2.300 nhân dân tệ (NDT), nhưng Chen cho biết giờ đây họ kiếm được tới 3.000 NDT lợi nhuận hàng tháng thông qua các buổi livestream của cô, rất nhiều người dân trong làng đã thoát khỏi đói nghèo.

Chen cho biết hoạt động kinh doanh thương mại điện tử đã cải thiện rõ rệt cuộc sống của mình. Thịt, cá trước đây được xem là món ăn xa xỉ chỉ ăn trong các dịp lễ Tết thì giờ đây gia đình cô đã có thể có trong mỗi bữa ăn hàng ăn. Đến mùa thu hoạch vụ mùa, cô đã có thể thuê nhân công thay vì tự làm như trước đây. “Mẹ tôi từng làm việc rất vất vả, nhưng giờ đây với số tiền tôi kiếm được, bà ấy đã có thể nghỉ ngơi”, Chen chia sẻ.

Những “ngôi làng Taobao”

Làng Badagong không phải là ngôi làng duy nhất được hưởng lợi từ việc bán hàng trên các sàn thương mại điện tử. Những “ngôi làng Taobao” ngày càng xuất hiện nhiều ở Trung Quốc, giúp đời sống của người nông dân ở nơi đây được cải thiện đáng kể.

“Làng Taobao” (Taobao Village) là cụm từ để chỉ những ngôi làng có ít nhất 100 hộ kinh doanh trực tuyến trên một trong những sàn thương mại điện tử lớn nhất Trung Quốc - Taobao, tạo ra doanh thu 100 triệu nhân dân tệ (NDT) trở lên.

Theo dữ liệu từ AliResearch, sau 10 năm, mô hình làng Taobao đã mang lại lợi nhuận cho khoảng một nửa tổng dân số nông thôn ở Trung Quốc. Tính đến tháng 8/2019, có tổng cộng 4.310 ngôi làng Taobao ở 25 tỉnh thành.

Tổng doanh thu do các làng Taobao tạo ra lên tới 700 tỷ NDT trong một năm. Tổng số cửa hàng trực tuyến của nông dân đang hoạt động trên Taobao đã tăng gần 10 lần lên 660.000 vào năm 2018, từ 70.000 vào năm 2014. Vào năm 2019, 63 ngôi làng Taobao nằm ở những khu vực nghèo khó nhất của Trung Quốc đã tạo ra khoảng 2 tỷ đồng NDT doanh số thương mại điện tử.

Nghiên cứu của Ngân hàng Thế giới và AliResearch cho thấy thu nhập trung bình hộ gia đình ở làng Taobao gấp ba lần thu nhập của những hộ gia đình nông thôn bình thường, tương đương với thu nhập hộ gia đình thành thị. Báo cáo cũng cho biết thương mại điện tử ở các vùng nông thôn góp phần giảm bất bình đẳng thu nhập và tạo cơ hội làm việc tốt hơn cho phụ nữ và thanh niên, tạo ra 6,8 triệu công việc trong một năm cho người dân nông thôn.

Tại sao các sàn thương mại điện tử vào cuộc?

Các công ty đã chỉ ra rằng họ ngoài mục đích sẽ giúp xóa đói giảm nghèo ở các vùng nông thôn, còn hướng tới mục tiêu “đưa nông sản quê lên phố” giúp người tiêu dùng có thể mua trực tiếp các sản phẩm tươi sống, chuẩn nông mà không cần thông qua bên trung gian như trước đây.

Nhu cầu đối với các sản phẩm nông nghiệp trên khắp Trung Quốc đã bắt đầu xuất hiện những năm gần đây. Từ năm 2014 đến năm 2017, thương mại điện tử ở nông thôn đã tăng gần 7 lần, từ 180 tỷ NDT lên 1,24 nghìn tỷ NDT.

Theo Bộ Thương mại, trong lễ hội mua sắm Ngày Độc thân của Alibaba được tổ chức vào tháng 11 năm 2019, doanh thu nông sản mang lại đạt 7,4 tỷ NDT, tăng 64% so với năm trước.

Thứ trưởng Bộ Thương mại Wang Bingnan cho biết, thương mại điện tử của Trung Quốc đã phát triển nhanh chóng ở các vùng nông thôn và đã bao phủ tất cả 832 quận nghèo trên toàn quốc, tạo điều kiện cho các khu vực nghèo phát triển các mô hình kinh doanh mới.

Doanh số bán lẻ trực tuyến ở các khu vực nông thôn đã tăng từ 180 tỷ NDT năm 2014 lên 1,7 nghìn tỷ NDT vào năm 2019. Tổng doanh thu bán lẻ trực tuyến các sản phẩm nông nghiệp đạt 397,5 tỷ NDT vào năm 2019, tăng 27% so với cùng kỳ năm trước, giúp hơn ba triệu nông dân tăng thêm thu nhập.

“Mục tiêu của chúng tôi là xây dựng một công cụ kỹ thuật số để phục hồi nông thôn và một cơ sở hạ tầng nông thôn mới được thúc đẩy bởi công nghệ”, Li Shaohua, Phó chủ tịch Alibaba chia sẻ.

Cũng theo ông Li, các chiến lược bao gồm liên kết các khu vực thành thị và nông thôn ở Trung Quốc, giúp người tiêu dùng thành thị tiếp cận với nhiều sản phẩm nông nghiệp hơn, đồng thời giới thiệu các sản phẩm thành thị đến các làng quê nông thôn để giúp cải thiện chất lượng cuộc sống của họ. Đến năm 2022, Alibaba hy vọng rằng doanh số bán các sản phẩm nông nghiệp trên nền tảng của mình có thể vượt 400 tỷ NDT mỗi năm.

Những “cuộc đua” trong tương lai 

Alibaba không phải là nền tảng duy nhất chú ý đến thương mại điện tử nông thôn. Pinduoduo, nền tảng thương mại điện tử lớn thứ ba về bán hàng ở Trung Quốc, cũng đã đưa ra các sáng kiến ​​xóa đói giảm nghèo ở nông thôn như Duo Duo Farms, sử dụng trí tuệ nhân tạo (AI) để giúp tổng hợp nhu cầu đối với các sản phẩm nông nghiệp và kết nối trực tiếp nông dân với các thương gia và người tiêu dùng muốn mua hàng của họ. Trong khi đó, nhà bán lẻ thương mại điện tử JD.com cũng đã thúc đẩy nông nghiệp, tung ra các sáng kiến ​​như JD Farm sử dụng công nghệ như kết nối vạn vật (IoT), AI và blockchain để các trang trại có thể áp dụng cách tiếp cận dựa trên dữ liệu nhờ đó cải thiện hiệu quả năng suất. 

Chính quyền các địa phương tại Trung Quốc cũng đang “háo hức” tham gia vào cuộc đua này, với việc chung tay cùng những người có tầm ảnh hưởng (KOL) để quảng bá sản phẩm địa phương, điển hình như chính quyền Vũ Hán phát trực tiếp chương trình bán mì khô, tôm càng, lá trà và cam vào tháng 4 năm 2020 sau khi thành phố ngừng hoạt động do dịch Covid-19. 

Bán hàng trực tiếp (livestream) sẽ là một công cụ quan trọng cho người nông dân giới thiệu sản phẩm của mình đến tay người tiêu dùng. Theo "Báo cáo phát triển thị trường tiêu dùng Trung Quốc năm 2020" do Viện Nghiên cứu Bộ Thương mại phát hành, trong nửa đầu năm 2020, đã có hơn 10 triệu chương trình phát sóng thương mại điện tử trực tiếp, với hơn 50 tỷ người xem và hơn 20 triệu sản phẩm được bày bán. Xu hướng này đã lan rộng đến cả các vùng nông thôn và có một sự phát triển nhanh chóng. Doanh thu của mạng lưới sản phẩm nông nghiệp quốc gia trong ba quý đầu năm 2020 đạt 288,41 tỷ NDT, tăng 4,3% so với cùng kỳ năm trước.

Hương Dung (Tổng hợp)

Startup TMĐT Việt gọi vốn triệu USD, cách mạng hóa việc bán hàng trực tuyến

Startup TMĐT Việt gọi vốn triệu USD, cách mạng hóa việc bán hàng trực tuyến

Đây là nền tảng thương mại điện tử được phát triển với mục đích kết nối các cá nhân tự kinh doanh với các nhãn hàng, từ đó mở rộng mạng lưới phân phối sản phẩm trực tuyến.   

Tin công nghệ liên quan khác