Thực hư hiệu quả của các phương pháp giảm cân kiêng tinh bột

21/05/2021
Chế độ ăn kiêng cắt giảm tinh bột (phương pháp low carb, keto) đang ngày càng được nhiều người áp dụng với mong muốn giảm cân nhanh chóng. Tuy nhiên, các phương pháp này có thực sự hiệu quả?

Theo Tiến sĩ, bác sĩ Trương Hồng Sơn, Viện trưởng Viện Y học ứng dụng Việt Nam, trong dinh dưỡng, từ "carb" (carbohydrate) của “low carb” dùng để chỉ chất đường bột, một trong ba loại dinh dưỡng đa lượng (cùng với chất đạm và chất béo).

Trên lý thuyết, tinh bột một phần chuyển hóa thành năng lượng cho tế bào hoạt động, phần còn lại được lưu trữ, biến đổi thành glycogen trong gan để dự trữ năng lượng. Nếu vẫn còn thừa, tinh bột sẽ được chuyển thành mỡ.

Khi cơ thể cần năng lượng cho hoạt động, chúng sẽ lấy tinh bột đã được chuyển hóa thành glucose để tạo ra năng lượng trước. Sau đó, nếu nguồn tinh bột đã hết (kể cả nguồn dự trữ dưới dạng glycogen), cơ thể sẽ sử dụng đến protein và cuối cùng là lipid (hay mỡ).

Bởi vậy, bản chất của việc cắt giảm tinh bột nhằm hai mục đích: cắt giảm việc hình thành mỡ từ tinh bột và buộc cơ thể phải sử dụng mỡ là nguyên liệu cho tế bào hoạt động, từ đó giúp giảm cân.

Thực hư hiệu quả của các phương pháp giảm cân kiêng tinh bột
Tiến sĩ, bác sĩ Trương Hồng Sơn khám và tư vấn phương pháp giảm cân cho một bệnh nhân - Ảnh: N.Liên

Thông thường, tinh bột chiếm 60% tổng năng lượng nạp vào cơ thể. Tuy nhiên, với chế độ ăn low carb, năng lượng từ tinh bột chỉ chiếm dưới 20%. Với chế độ ăn keto, tinh bột chỉ chiếm khoảng 4% tổng năng lượng nạp vào cơ thể, lượng chất béo và đạm cũng ở mức trung bình hoặc thấp.

“Các phương pháp này có thể giúp giảm cân rất nhanh, giảm nguy cơ về các bệnh tiểu đường, rối loạn chuyển hóa, giảm các bệnh tăng huyết áp và tim mạch. Tuy nhiên, nguy cơ để lại cho việc lạm dụng cắt giảm tinh bột cũng rất lớn”, Tiến sĩ Sơn nhấn mạnh.

Viện trưởng Viện Y học ứng dụng Việt Nam phân tích, tinh bột là nguồn chính về năng lượng cho cơ thể, cung cấp năng lượng cho não. Nếu cắt giảm quá nhiều nguồn dinh dưỡng này, cơ thể sẽ rơi vào tình trạng suy nhược, mệt mỏi, đau đầu, khó thở. Thậm chí, các chức năng của nội tạng có thể bị suy giảm.

“Phương pháp này khó áp dụng lâu dài. Và khi dừng lại, chắc chắn cân nặng sẽ lại tăng rất nhanh”, Tiến sĩ Sơn nói.

Bên cạnh đó, các nghiên cứu trên thế giới còn chỉ ra rằng, những người lạm dụng chế độ ăn low carb có tuổi thọ ngắn hơn so với những người duy trì carbohydrate ở mức vừa phải.

Theo Tiến sĩ Sơn, khi giảm cân, không nên áp dụng các phương pháp low carb, keto một cách triệt để, theo nghĩa quá cực đoan. Cần giảm tinh bột với quy trình khoa học, giảm từ từ và duy trì lâu dài thành thói quen.

“Ví dụ, nếu đang ăn trung bình 3 bát cơm trong một bữa, bạn hãy giảm dần còn 2 bát, sau đó là 1 bát, 1/2 bát và duy trì chế độ từ 1/2 bát - 1 bát này. Ngoài ra, nên giảm đồ ngọt, giảm ăn các loại hoa quả quá ngọt. Đường hoa quả ít gây no, một số người dù cắt giảm tinh bột nhưng vẫn ăn rất nhiều hoa quả khiến việc giảm cân không như mong muốn”, Tiến sĩ Sơn chia sẻ.

Tiến sĩ, bác sĩ Trương Hồng Sơn thông tin, hiện nay, có rất nhiều phương pháp, trào lưu giảm cân khác nhau. Trong đó, một số phương pháp được chuyên gia dinh dưỡng đánh giá rất tốt. Cụ thể:

Carb "tốt" và "xấu":Carb "tốt" là những thực phẩm có lượng kcal trung bình tới thấp, không đường và ngũ cốc tinh chế, nhiều chất dinh dưỡng, chất xơ tự nhiên cao, chất béo bão hòa ít, natri ít,...

Một số thực phẩm đại diện như rau, trái cây (táo, chuối, dâu tây,…), các loại đậu, các loại hạt, ngũ cốc nguyên hạt, củ (khoai lang, khoai tây),…

Carb "xấu" là thực phẩm chứa nhiều tinh bột tinh chế (trong đó có cả đường tinh luyện), ít chất dinh dưỡng, ít chất xơ, natri cao, nhiều chất béo bão hòa, nhiều cholesterol,… Các thực phẩm đại diện như đồ uống có đường, bánh mì trắng, nước ép trái cây, bánh ngọt, kẹo,…

Theo TS. Sơn, có thể áp dụng giảm cân bằng việc cắt giảm nhiều carb “xấu” và một phần carb “tốt”.

“Thông thường, chúng tôi khuyên người có nhu cầu giảm cân cắt giảm 1/3 carb “tốt” và tối thiểu 2/3 carb “xấu” trong bữa ăn hàng ngày”, ông Sơn nói.

Chế độ ăn Địa trung hải: Là chế độ ăn người vùng Địa trung hải hay áp dụng: không ngại chất béo, nhưng chỉ chọn chất béo có lợi. Theo đó, nên ăn nhiều cá, các loại dầu ô liu, dầu hoa quả, ít ăn thịt đỏ, không ăn quá nhiều chế phẩm từ gia súc. Ngoài ra, nên ăn các tinh bột nguyên cám như yến mạch, gạo lứt,….

Chế độ ăn chay linh hoạt: Vẫn ăn thức ăn động vật nhưng ưa chuộng protein (chất đạm) từ thực vật hơn động vật. Theo Tiến sĩ Sơn, khi áp dụng phương pháp này, chỉ nên ăn đạm động vật trong 2 ngày trên tuần.

Bên cạnh đó, hạn chế ăn đường và đồ chế biến sẵn. Các bữa ăn nên áp dụng năng lượng thấp, mỗi bữa chính chỉ từ 350-500kcal (thấp hơn 1 bát phở thông thường), bữa phụ chỉ khoảng 150kcal (tương đương 1 hộp sữa chua).

Chế độ ăn WW hay chế độ ăn “nghe ngóng” về mặt cân nặng:Mỗi thực phẩm đưa vào cơ thể sẽ được chấm điểm. Phương pháp này không hạn chế các loại đồ ăn, tuy nhiên trong vòng 1 ngày, bạn không được ăn quá số điểm quy định. Người áp dụng phương pháp này cần hiểu biết rất rõ về các loại thực phẩm để chia nhóm, tính điểm chính xác.

Theo Viện trưởng Viện Y học ứng dụng Việt Nam, để có chế độ giảm cân tốt nhất, phù hợp với bản thân nhất, người dân nên tới gặp bác sĩ chuyên khoa dinh dưỡng để được tư vấn.

Khi thăm khám, bác sĩ sẽ kiểm tra các vấn đề về sức khỏe và phân tích kiểu ăn hiện tại của bạn, xác định các chất dinh dưỡng thừa – thiếu.

Sau đó, bác sĩ sẽ cân nhắc, đưa ra tư vấn bỏ thực phẩm nào, giảm hay giữ thực phẩm nào trong khẩu phần ăn thông thường của từng người, từ đó đưa ra chế độ ăn áp dụng lâu dài với mỗi cá thể. Việc giảm cân phải đảm bảo không làm tăng nặng các bệnh sẵn có.

“Thực tế, nếu đưa ra một chế độ ăn mới hoàn toàn mà không có sự tư vấn, điều chỉnh hợp lý, rất ít người áp dụng  được lâu dài. Vì vậy, việc xây dựng một chế độ ăn “cá thể” cho mỗi người sẽ đảm bảo hiệu quả điều trị, đồng thời dễ được chấp nhận do chế độ ăn này được xây dựng và hiệu chỉnh dựa trên chính nền tảng chế độ ăn cũ của bệnh nhân", Tiến sĩ Sơn nói.

Nguyễn Liên

Công bố kết quả tổng điều tra dinh dưỡng toàn quốc

Công bố kết quả tổng điều tra dinh dưỡng toàn quốc

Sau 10 năm, Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu về dinh dưỡng. Tuy nhiên, chúng ta vẫn còn đối mặt với một số thách thức như vấn đề thừa cân, béo phì ở trẻ hay tăng tiêu thụ thịt…

Sức khỏe liên quan khác