Shipper giao đồ online chạy quên ăn giữa trưa nắng "bán mang về"
Trưa Thứ Hai ngày cuối tháng 5, nhiệt độ ngoài trời ở Hà Nội ở mức 40 độ, cái nắng gay gắt như làm oải người đi lại. Chị Thu Hiền dùng ứng dụng Beamin bấm nút vào địa chỉ online của một cửa hàng đồ ăn thì cửa hàng thông báo là không nhận thêm đơn hàng mới. Sau khi thoát ra để tìm cửa hàng khác, thì đến lượt các tài xế thông báo không nhận cuốc nữa do họ đã kín đơn và các hàng ăn cũng từ chối do lượng khách đặt quá đông.
Một shipper của Grab đợi để giao đồ ăn cho khách. (Ảnh: Duy Vũ) |
"Giờ vàng" ngược xuôi
Phạm Tuấn, tài xế GrabBike tại Hà Nội vừa giao xong một đơn hàng cơm gà cho khách. Khách đã thanh toán trên ứng dụng nên anh Tuấn tuân thủ quy định giao hàng không tiếp xúc. Vừa đợi khách lấy hàng, anh vừa bấm điện thoại gọi ngay cho vị khách tiếp theo hẹn giao một đơn ghép ở gần đó.
“Vài ngày nay, đơn đồ ăn “nổ” liên tục, nhất là giờ cao điểm buổi trưa. Khách gọi đông lắm, nhiều quán ăn đông kín anh em đợi hàng”, anh nói.
Ngày 21/5, TP.HCM quyết định các hàng quán quy mô nhỏ không phục vụ khách tại chỗ, chỉ cho bán mang về hoặc bán trực tuyến nhằm hạn chế tập trung đông người trong mùa dịch bùng phát. Sau đó vài ngày, đến 25/5, Hà Nội cũng yêu cầu tạm dừng hoạt động các cơ sở kinh doanh dịch vụ nhà hàng, cơ sở dịch vụ ăn uống tại chỗ và chỉ cho phép bán hàng mang về. Lệnh cấm bán hàng tại chỗ khiến cho nhu cầu đặt đồ ăn online tăng lên, các shipper hoạt động cũng đông đảo hơn.
Không đón khách ăn tại quán, nhưng nhiều cửa hàng không kém phần tấp nập bởi đủ màu áo của shipper Grab, Gojek, Now, Baemin đến nhận đơn đồ ăn.
Chủ một quán mì tại Hà Nội chia sẻ: "Hàng quán không mở nhưng khách vẫn có nhu cầu ăn. Vì thế, lượng đơn hàng trên các ứng dụng và qua điện thoại tăng đáng kể. Ngoài các đơn trên Grab và Gojek, nhà tôi phải huy động cả lực lượng shipper tại chỗ để tránh cho khách phải đợi lâu. Nhờ đó mà vẫn có thể duy trì hoạt động".
Đại diện một số ứng dụng giao nhận đồ ăn như Grab, Now, Gojek cho biết lượng đơn hàng trong vài ngày qua có xu hướng tăng lên so với trước đó.
Ông Phạm Lê Tuấn Kiệt, Giám đốc Phát triển Kinh doanh GoFood (Gojek Việt Nam) cho hay: "Trong những ngày gần đây, lượng đơn hàng đặt trên GoFood tăng đáng kể, tỷ lệ tăng ở mức hai con số”. Theo ông, dù một số nhà hàng đóng cửa do nằm trong khu vực bị ảnh hưởng nhưng nhu cầu của người dùng vẫn cao nên lượng đơn hàng trung bình mỗi tháng trên đà tăng. Ứng dụng này ghi nhận mức tăng trưởng tại TP.HCM cao hơn tại Hà Nội.
Tương tự, với các ứng dụng khác là Grab và Now, dịch vụ giao đồ ăn cũng đắt khách. Đại diện Now cho biết, dù không tăng trưởng đột biến nhưng lượng đơn hàng trên Now có xu hướng tăng trong vài ngày qua.
Nghề ship đồ ăn không “dễ xơi”
Các tài xế cho biết, nhu cầu gọi đồ ăn qua ứng dụng tăng cao nhưng lại chỉ tập trung vào giờ cao điểm, nhất là buổi trưa. Vì thế, đây được xem là giờ chạy “quên ăn” của nhiều shipper.
Anh Phạm Tuấn, một tài xế xe ôm công nghệ cho hay: Lúc cao điểm, có ngày anh chạy được trên chục đơn GrabFood. Vài ngày nay, các cuốc GrabFood liên tục nổ thay vì chở khách nên tần suất có mặt ở các quán ăn đợi lấy hàng thường xuyên hơn. Dù vậy, anh Tuấn chia sẻ rằng đơn hàng “nổ” liên tục nhưng các cuốc xe giao đồ ăn đều “không dễ xơi”.
“Cánh tài xế “oải” nhất là thời gian đợi món”, anh Tuấn nói. Thông thường, tài xế phải chờ 25 – 30 phút cho nhà hàng chuẩn bị món ăn. Nếu khách đông, tài xế phải đợi lâu hơn. Các quán được nhiều người ăn quen hay quán có khuyến mại thường có lượng đơn hàng rất lớn nên thời gian chờ đợi kéo dài hơn. Tài xế phải xếp hàng ở ngoài trời, một số quán có sắp xếp cho shipper khu vực ngồi, nhưng thời gian chờ đợi đều gây áp lực.
“Mấy hôm nay đông, có quán tôi phải đợi tới 1 tiếng nên nếu tính ra trong giờ cao điểm lượng đơn không được nhiều. Phải chạy liên tục không nghỉ mới duy trì được lnhư thế”, anh Tuấn nói.
Nhiều tài xế có chung tâm sự khi cả thời gian chờ và giao hàng đều có những nỗi vất vả riêng để có thể đưa món ăn nhanh nhất đến khách hàng. “Khách đặt đồ ăn lúc nào cũng muốn món ăn đến nhanh nhất, nếu đợi lâu lần sau khách không muốn đặt nữa. Chưa kể, nhiều khách đã đặt đơn nhưng do thời gian nghỉ trưa hạn hẹp nên rất vội. Những lúc đó, tài xế thường gọi cho khách để thông báo hoặc chủ động hủy nếu như không thể đợi”, một tài xế của ứng dụng khác cho hay.
Giao đồ ăn, hàng hóa sẽ là một trong những mảng dịch vụ quan trọng trong bối cảnh dịch bệnh diễn biến phức tạp. Muốn duy trì được dịch vụ này, các ứng dụng gọi xe, giao đồ ăn hiện nay như Grab, Now, Gojek, Baemin đều yêu cầu tài xế tuân thủ biện pháp phòng dịch. Các ứng dụng khuyến cáo tài xế thực hiện nghiêm túc 5K, giao hàng không tiếp xúc, khai báo y tế… hay sát khuẩn sau khi giao hàng cho khách để tránh lây nhiễm.
Theo ông Lê Tuấn Kiệt, khi dịch bệnh có xu hướng chuyển biến phức tạp, Gojek đẩy mạnh hơn nữa việc truyền thông về nguyên tắc 5K, yêu cầu khai báo y tế đối với tất cả khách hàng đặt dịch vụ. Ngoài ra, Gojek cũng tạm ẩn những nhà hàng trong khu vực bị ảnh hưởng trực tiếp để tránh làm ảnh hưởng đến trải nghiệm của khách hàng và phối hợp với cơ quan chức năng khi cần thiết.
Duy Vũ
Bia hơi online cháy hàng, chủ quán thành shipper mùa dịch
Thay vì la cà quán xá, chỉ với vài chục ngàn đồng, các “thượng đế” giờ đây chỉ việc ngồi im và có bia, lạc, nem chua được chở tới tận nhà.
Tin công nghệ liên quan khác
- Lập trình viên Lâm Thế Kiên : Không ngại quay trở về vạch xuất phát để tìm lại đam mê thực sự
- iPhone 14 Pro Max lộ thông số camera và thiết kế mới
- Sau NFT Trịnh Văn Quyết, nở rộ NFT đặt theo tên tỷ phú Việt
- Tiền điện tử: ‘Viên đạn bạc' trong cuộc chiến Nga-Ukraine?
- Ba điều Bill Gates hối tiếc nhất trong cuộc đời mình
- FPT.eSign - Giải pháp ký số từ xa ‘được lòng’ doanh nghiệp
- Công bố các nền tảng số quốc gia về họp trực tuyến trong tháng 6
- Tiết lộ thời điểm ra mắt iPhone màn hình gập
- NFT Trịnh Văn Quyết: Bán 400 triệu không ai mua, chốt giá 120.000 đồng
- Huawei muốn đưa Thái Lan trở thành quốc gia 5G hàng đầu ASEAN
- Smartphone có thực sự cần miếng dán bảo vệ màn hình?
- Sau Axie Infinity của người Việt, thêm một dự án crypto bị hack hàng triệu USD
- Công nghệ thúc đẩy giải quyết nhanh thủ tục hành chính tại tỉnh Quảng Nam
- Galaxy S22 Ultra sẽ ‘bất khả chiến bại’ nếu khắc phục những điều này
- Khoảnh khắc nữ tài xế đối mặt 3 tên cướp nóng nhất mạng xã hội
- “Xin đừng xoáy thêm vào nỗi đau của những người trong cuộc”
- Tối ưu hiệu năng, tăng tốc phát triển với CMC Kubernetes Engine
- Yêu cầu các mạng xã hội, trang tin điện tử gỡ video và thư tuyệt mệnh của nam sinh tự vẫn
- "Tôi mong mọi người ngưng bình luận thư tuyệt mệnh và hãy ôm lấy con mình"
- Đưa 6 triệu đoàn viên thanh niên thành hạt nhân chuyển đổi số