Phụ nữ kiệt sức vì 'trách nhiệm kép'

01/01/1970

Trải qua 3 đợt giãn cách vì Covid-19 tính từ đầu năm 2020, có những lúc chị Trần Thu Hương (32 tuổi, Hà Nội) tưởng chừng như “bốc hoả” vì phải ở nhà trông 2 đứa con không được đến trường.

Thông thường, công việc kế toán của chị Hương khá bận rộn, đặc biệt là vào những ngày cuối tháng. Ba lần Hà Nội yêu cầu các trường học đóng cửa là 3 lần chị xin phép cơ quan cho làm việc tại nhà.

Con chị năm nay một đứa 3 tuổi, một đứa 5 tuổi. Ông bà nội ngoại già yếu, lại ở xa nên hai vợ chồng không thể nhờ vả. Nếu thuê người trông con, tiền phí gần bằng tháng lương nên chị đành chấp nhận khắc phục.

Nhưng cũng chính vì lựa chọn phương án này mà suốt hơn 1 năm qua, không khí gia đình chị luôn trong tình trạng căng thẳng. Ban ngày, vừa phải làm việc cơ quan vừa phải phục vụ 2 đứa trẻ ăn học, chị quát nạt con suốt ngày. Buổi tối, khi chồng về đến nhà cũng là lúc chị rũ rượi vì kiệt sức.

Thỉnh thoảng mệt quá, chị còn dấm dẳng mắng chồng: “Anh vẫn sáng đi tối về, còn em tự dưng làm một lúc 2 việc”. Nhưng khi chồng gợi ý thuê giúp việc, chị lại gạt đi vì tiếc tiền.

Chị bảo mình vẫn còn may mắn hơn nhiều người là được làm việc ở nhà. “Hàng xóm nhà tôi còn phải để 2 đứa con - một đứa 7 tuổi, một đứa 4 tuổi - ở nhà một mình để đi làm vì tính chất công việc không làm từ xa được. Thậm chí, có những người chủ động xin nghỉ việc để ở nhà trông con vì thu nhập thấp, chỉ bằng tiền thuê người trông con nên đợi hết dịch mới đi làm lại”. 

‘Trách nhiệm kép’ của phụ nữ trong đại dịch

Phụ nữ kiệt sức vì trách nhiệm kép-1

Tỷ lệ lao động có việc làm dành thời gian cho việc nhà và số giờ trung bình hàng tuần đã bỏ ra (năm 2019 và các quý có liên quan của năm 2020). Nguồn: ILO Việt Nam

Câu chuyện “trách nhiệm kép” của chị Hương và nhiều phụ nữ khác trong đại dịch cũng được thể hiện trong kết quả nghiên cứu hồi tháng 3 năm nay của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) tại Việt Nam.

Nghiên cứu có tên Giới và thị trường lao động ở Việt Nam khẳng định, đại dịch Covid-19 không chỉ làm hằn sâu những bất bình đẳng hiện hữu mà còn tạo thêm những bất bình đẳng giới mới.

Với tỷ lệ tham gia thị trường lao động cao, phụ nữ Việt Nam đang phải đối mặt với nhiều bất bình đẳng kéo dài dai dẳng trên thị trường lao động - mang trên vai gánh nặng kép vừa đi làm vừa chăm sóc gia đình nặng nề hơn nhiều so với nam giới. Gánh nặng này càng thể hiện rõ rệt hơn khi đại dịch bùng phát.

Kể từ khi Covid-19 tấn công, tỷ lệ tham gia lực lượng lao động giảm mạnh đối với cả phụ nữ và nam giới, nhưng phụ nữ có tỷ lệ giảm mạnh hơn. So sánh tỷ lệ tham gia lực lượng lao động năm 2020 so với quý 4 năm 2019, phụ nữ giảm 4,8 điểm phần trăm trong quý 2, xuống 66,2%, trong khi nam giới giảm 3,9 điểm phần trăm, xuống 77,4%.

Trong năm 2019, hầu như không có sự chênh lệch giữa nam và nữ trong cả nước về tỷ lệ thất nghiệp. Đến cuối quý 3 năm 2020, sự chênh lệch đã xuất hiện theo hướng bất lợi cho phụ nữ, đặc biệt là phụ nữ trẻ.  

Đại dịch cũng làm giảm tổng số thời giờ làm việc đáng kể trong quý 2 năm 2020 và phụ nữ là đối tượng phải chịu tổn thất nặng nề nhất.

Tổng số giờ làm hàng tuần của phụ nữ trong quý 2 năm 2020 chỉ bằng 88,8% tổng số giờ làm của họ trong quý 4 năm 2019. Con số này ở nam giới là 91,2%.

“Trách nhiệm kép” của phụ nữ còn thể hiện ở số giờ làm việc nhà quá nhiều so với nam giới. Cụ thể, phụ nữ dành trung bình mỗi tuần 20,2 giờ để dọn dẹp nhà cửa, giặt quần áo, nấu ăn và đi chợ, chăm sóc gia đình và con cái trong khi nam giới chỉ dành 10,7 giờ cho những công việc này. Gần 20% nam giới thậm chí không hề dành chút thời gian nào cho việc nhà. 

Chất lượng việc làm của phụ nữ thấp hơn nam giới

 Trên thực tế, có hơn 70% phụ nữ Việt Nam trong độ tuổi lao động tham gia lực lượng lao động - cao hơn rất nhiều so với tỷ lệ trung bình thế giới cũng như khu vưc châu Á - Thái Bình Dương. Tuy nhiên, nghiên cứu chỉ ra rằng không nên nhầm lẫn việc phụ nữ Việt Nam tham gia tích cực vào lực lượng lao động là chỉ báo cho thấy nữ giới được hưởng cơ hội bình đẳng.

“Trước khi đại dịch Covid-19 xuất hiện, cả phụ nữ và nam giới đều tiếp cận việc làm khá dễ dàng, nhưng nhìn chung, chất lượng việc làm của phụ nữ thấp hơn của nam giới” - bà Valentina Barcucci, chuyên gia kinh tế lao động của ILO Việt Nam, tác giả chính của nghiên cứu nhận định.

Lao động nữ chiếm đa số trong những việc làm dễ bị tổn thương, đặc biệt là công việc gia đình. Thu nhập của họ thấp hơn của nam giới - tiền lương tháng thấp hơn 13,7% trong năm 2019 - bất luận thời gian làm việc của họ tương đương với nam giới và sự chênh lệch giới về trình độ học vấn đã được thu hẹp đáng kể. Đó chính là những lý do khiến tỷ lệ thất nghiệp, tỷ lệ rời bỏ thị trường việc làm của phụ nữ cao hơn khi đại dịch xuất hiện.

“Bất bình đẳng đối với phụ nữ về chất lượng việc làm và phát triển nghề nghiệp cũng bắt nguồn từ trách nhiệm kép mà họ phải gánh vác,” bà Barcucci cho hay.

Phụ nữ kiệt sức vì trách nhiệm kép-2

Số giờ làm trung bình thực tế mỗi tuần so với quý 4 của năm trước (2019 và 2020). Nguồn: ILO Việt Nam

Thay đổi tư duy và hành vi người Việt

Về mặt pháp luật, Bộ luật Lao động mới có hiệu lực từ ngày 1/1/2021quy định lao động nữ sẽ không còn bị luật pháp loại trừ khỏi một số ngành nghề được coi là có hại cho chức năng chăm sóc và nuôi dạy con cái.

Thay vào đó, họ sẽ có quyền lựa chọn có tham gia vào những ngành nghề đó hay không sau khi được tham mưu đầy đủ về những rủi ro liên quan. Những dấu hiệu tiến bộ này cho thấy sự sẵn sàng nâng cao cơ hội bình đẳng trong thế giới việc làm.

Tuy nhiên, Bộ luật Lao động vẫn cấu trúc các điều khoản hướng tới bình đẳng giới dưới dạng gắn với “lao động nữ”. Vai trò giới truyền thống vẫn còn khắc sâu trong tâm trí của các cá thể và ảnh hưởng đến hành vi kinh tế của họ.
Theo tiến sỹ Chang-Hee Lee, Giám đốc ILO Việt Nam, căn nguyên của bất bình đẳng trên thị trường lao động chính là những vai trò truyền thống mà phụ nữ được kỳ vọng phải đảm nhận, và những kỳ vọng này được củng cố bằng các chuẩn mực xã hội.

“Mặc dù ở cấp độ chính sách, Bộ luật Lao động 2019 đã mở ra những cơ hội để thu hẹp khoảng cách giới, chẳng hạn như thu hẹp khoảng cách trong độ tuổi nghỉ hưu hay xóa bỏ việc hạn chế phụ nữ tham gia một số ngành nghề nhất định, Việt Nam vẫn còn một nhiệm vụ khó khăn hơn nữa cần phải hoàn thành. Đó là việc thay đổi tư duy của nam giới và của cả chính phụ nữ Việt Nam để từ đó thay đổi hành vi của họ trên thị trường lao động”.
Nguyễn Thảo

  • Chủ đề :
  • bất bình đẳng giới
BÌNH LUẬN (0)