Phòng xét nghiệm giúp sức tâm dịch Bắc Giang từ khoảng cách 140km
Bắc Giang đang trở thành điểm dịch Covid-19 nóng nhất cả nước với trên 900 ca mắc tính đến sáng 24/5. Ổ dịch nguy hiểm, tốc độ lây lan cao liên quan khu công nghiệp khiến số lượng mẫu bệnh phẩm phải lấy ở đây mỗi ngày chạm ngưỡng khổng lồ.
Ngoài CDC Bắc Giang phụ trách công tác xét nghiệm, mẫu được chuyển về nhiều đơn vị tại các tỉnh thành khác để đẩy nhanh tiến độ, giúp việc truy vết, khoanh vùng hiệu quả hơn.
Bệnh viện Việt Nam Thụy Điển Uông Bí (Quảng Ninh) là một trong những đơn vị giúp sức Bắc Giang trong xét nghiệm SARS-CoV-2.
Đêm tại khu vực xét nghiệm, Bệnh viện Việt Nam Thụy Điển Uông Bí, không khí làm việc vẫn tấp nập. Phía ngoài, nhân viên y tế tất bật sắp xếp, phân loại, đánh số mẫu.
Ở gian phòng bên trong, công tác hút, tách chiết mẫu diễn ra không ngừng nghỉ. 6 nhân viên y tế làm việc trong bộ đồ phòng hộ kín mít, sau những chiếc tủ an toàn sinh học. Phòng xét nghiệm diện tích vỏn vẹn 16m2, kê rất nhiều máy móc, khoảng không còn lại cho họ khá ít ỏi.
Phòng không sử dụng điều hòa, thậm chí cũng không có quạt để tránh phát tán virus, giảm tối đa nguy cơ lây nhiễm. Bác sĩ Nguyễn Thị Thu Hà, Trưởng Khoa Hóa Sinh, Bệnh viện Việt Nam Thụy Điển Uông Bí chia sẻ, thời tiết nóng bức những ngày này là khó khăn không nhỏ với chị và các đồng nghiệp.
“8-9 tiếng liên tục như vậy, vừa bí bách, vừa khó thở, mồ hôi lúc nào cũng ướt đẫm cả quần áo. Suốt ca làm việc, chúng tôi không dám uống nước bởi không thể thay đồ bảo hộ giữa chừng. Khổ nhất là khát nước, cổ họng khô khốc, cả cơ thể mệt mỏi. Còn cảm giác muốn đi vệ sinh thì ít hơn vì nước cũng theo mồ hôi ra hết rồi”, chị Hà mỉm cười, nói.
Trong phòng xét nghiệm Covid-19 - Bệnh viện Việt Nam Thụy Điển Uông Bí (Quảng Ninh)
Hơn 11h đêm, bác sĩ Hà cùng các đồng nghiệp mới rời khu vực xét nghiệm, trở về phòng nghỉ ngơi. Ca làm việc đáng ra kết thúc trước đó một tiếng, nhưng do hôm nay số lượng mẫu dồn về nhiều, họ cố gắng hoàn thành nốt để kịp trả kết quả.
Bữa tối cũng chỉ có thể bắt đầu vào đêm muộn, khi đã hoàn thành việc khử khuẩn, tắm rửa sạch sẽ. Chia nhau từng hộp sữa pha sẵn loại cao năng lượng, chị Hà chia sẻ, đây là thức ăn duy nhất họ có thể dùng những ngày này.
“Khát nước và khô miệng cả ngày dài, thành ra khi ăn cũng không còn vị giác. Hơn nữa, hầu như đêm mới xong việc, quá bữa lâu lắm rồi, chúng tôi chỉ muốn ăn nhanh để được đi ngủ, hôm sau còn làm tiếp”, bác sĩ Hà nói.
Nhiều hôm mệt quá, kết thúc ca trực, khử khuẩn xong xuôi, họ bỏ mọi sinh hoạt khác, có khi quên cả ăn để ngủ liền tới ca làm hôm sau.
Từ ngày 15/5 tới 20/5, trung bình mỗi ngày, lượng bệnh phẩm từ Bắc Giang chuyển về Bệnh viện Việt Nam Thụy Điển Uông Bí lên tới hơn 2.000 mẫu. Cùng với mẫu lấy từ khu vực Thị xã Đông Triều, một số khu cách ly trên địa bàn, chị Hà và các đồng nghiệp tiếp nhận tất thảy hơn 3.000 mẫu xét nghiệm/ngày.
“Cường độ công việc tăng gấp 10 lần bình thường, mẫu tính bằng thùng chứ không tính lẻ như trước đây nữa”, bác sĩ Hà tâm sự.
Toàn đội xét nghiệm của chị Hà có 18 người, chia nhau làm việc theo 3 ca, kíp. Thông thường, mỗi ca chỉ có 4 người làm việc, nhân viên vừa sắp mẫu, vừa xét nghiệm, trả kết quả. Tuy nhiên, do lượng mẫu đổ về hiện rất lớn, riêng trong phòng xét nghiệm phải luôn duy trì 6 người/ca.
Phía ngoài, bệnh viện huy động thêm rất nhiều nhân sự ở các đơn vị khác như Phòng kế hoạch tổng hợp, Phòng đào tạo, Phòng quản lý chất lượng… làm công tác nhặt mẫu, xếp mẫu, ghép kết quả.
Bác sĩ Hà chia sẻ, ở các đợt dịch trước, nhân sự từ tất cả khoa phòng đều dồn vào khối xét nghiệm hỗ trợ. Đợt này, 200 y bác sĩ của bệnh viện đã lên đường giúp Bắc Giang lấy mẫu, số nhân lực còn lại không nhiều, bởi vậy mỗi người phải cố gắng gấp nhiều lần bình thường.
Từ ngày tăng cường xét nghiệm hỗ trợ Bắc Giang, cường độ công việc không ngừng nghỉ, bác sĩ Hà và các đồng nghiệp gần như không có thời gian trò chuyện cùng các con. “Trong phòng xét nghiệm thì không thể gọi điện, khi về lại thường quá mệt, phải đi nghỉ ngơi ngay hoặc gọi được thì con đã ngủ rồi”, chị Hà kể.
Đợt dịch lần này, chồng bác sĩ Hà không phải cách ly, có thể ở nhà với 2 con, bé lớn 6 tuổi, bé út 4 tuổi. Các cháu rất tự lập bởi từ các đợt dịch cao điểm trước đó, “mẹ không ở nhà nhiều cũng thành quen”.
Tuy nhiên, không thể tránh được những lúc bé buồn vì nhớ mẹ. “Để an ủi các cháu, tôi thường tự quay trước một video, tự trả lời lần lượt những câu bé hay hỏi như “Mẹ ăn cơm chưa?”, “Mẹ đang làm gì?”… rồi gửi cho chồng. Khi bé nhớ mẹ, bố sẽ bật video lên, các con nghĩ là mẹ gọi về nên rất vui”, chị Hà tâm sự.
Công tác phân loại mẫu, xếp mẫu trước khi đưa vào phòng xét nghiệm |
Với bác sĩ Hà, bản thân chị còn may mắn hơn nhiều đồng nghiệp khác trong kíp xét nghiệm.
Có cặp vợ chồng trong kíp cùng nhận nhiệm vụ ở lại bệnh viện, con mới chưa đầy 2 tuổi phải gửi về quê, nhờ người chăm sóc. Đợt bùng dịch trước đó, hai vợ chồng cũng “bỏ lại” con suốt hơn 1 tháng để tập trung cho công việc ở bệnh viện.
Xa nhà liên tục, lúc được gặp con qua điện thoại, em bé lại chạy đi và không tỏ ra quấn quýt, thân thiết nữa. “Bạn ấy tủi thân lắm. Cứ thỉnh thoảng lại bảo, nếu dịch cứ kéo dài, con em quên hơi em thì sao”, chị Hà kể.
Không ai bảo ai, mọi người trong kíp rất hạn chế hỏi nhau về chuyện gia đình, tránh gợi lên sự tủi thân. Họ động viên nhau cùng cố gắng, hy vọng cuộc sống bình thường sớm trở lại.
Bác sĩ Nguyễn Thị Thu Hà tâm sự, chị và các đồng nghiệp đều rất sẵn sàng chung sức giúp Bắc Giang chống dịch.
“Dịch bệnh ở đâu cũng là dịch bệnh, Bắc Giang hay Quảng Ninh không có quá nhiều khác biệt trong suy nghĩ của tôi. Hơn nữa, Bắc Giang cũng có người thân, bạn bè của chúng tôi. Chỉ khi cả đất nước yên ổn, Quảng Ninh cũng mới có thể yên ổn, gia đình mình mới có thể bình an”, chị Hà chia sẻ.
Mong ước lớn nhất của bác sĩ Hà và toàn bộ kíp xét nghiệm là các đồng nghiệp nơi tâm dịch Bắc Giang có tinh thần tốt nhất, sức khỏe tốt nhất, dịch bệnh sớm qua đi, mọi người đều được quay trở về với gia đình.
Nguyễn Liên
Y bác sĩ điều trị bệnh nhân Covid-19 đeo khẩu trang cả khi ngủ
Để tránh cho nhau nguy cơ lây nhiễm, sau giờ làm việc, y bác sĩ thường ăn riêng, không tiếp xúc gần. Đặc biệt, họ đeo khẩu trang cả khi ngủ dù rất bí bách, khó chịu…
Sức khỏe liên quan khác
- Hà Nội đặt mục tiêu trên 95% trẻ từ 5-11 tuổi tiêm đủ mũi vắc xin Covid-19
- Dấu hiệu hệ miễn dịch suy yếu khiến virus dễ dàng tấn công
- Tình nguyện viên của Bệnh viện Hồi sức lớn nhất nước kêu cứu
- EMA mở rộng đối tượng được tiêm Evusheld dự phòng Covid-19
- Bé mất ngủ, trằn trọc không sâu giấc sau khỏi Covid-19, cha mẹ nên làm gì?
- Người phụ nữ với căn bệnh ‘hóa đá’
- 1 tháng sau khi khỏi Covid-19, người đàn ông ‘tránh vợ’ vì lý do khó nói
- Hàng trăm nhân viên y tế TP.HCM nghỉ việc trong 3 tháng đầu năm
- Cả nước có 48.717 ca Covid-19 mới, riêng Hà Nội thêm gần 6.000 F0
- Bé 8 tháng bị tiêm nhầm vắc xin Covid-19, tạm đình chỉ nhân viên y tế
- Mức độ nguy hiểm của biến thể mới XE
- Phát hiện dị vật dài 5cm trong mũi người đàn ông
- Việt Nam cấp hộ chiếu vắc xin Covid-19 từ 15/4, người dân cần làm gì?
- Vị bác sĩ tận tâm hỗ trợ chống dịch, làm đẹp cho người
- Còn hơn 41 triệu mũi tiêm vắc xin Covid-19 bị sai thông tin
- Tự phá thai 22 tuần tại nhà, người phụ nữ nguy kịch vì vỡ sẹo tử cung
- Điều gì xảy ra khi bạn uống cà phê trước khi ăn sáng?
- Lý do số ca tái nhiễm Covid-19 ở Anh cao khó tin
- Người đàn ông bị cáo buộc tiêm 90 mũi vắc xin Covid-19
- Dấu hiệu nhỏ trên móng tay cảnh báo nhiều nguy cơ tiềm ẩn