Nước mắt, tiếng cười bên trong 'gia đình một vú' ở TP.HCM
Các bệnh nhân ăn bữa trưa tại "nhà một vú" sau khi trở về từ bệnh viện. |
Buồn vui “nhà một vú”
11h trưa, căn nhà trọ ọp ẹp sát vệ đường Xa lộ Hà Nội (phường Linh Trung, TP.Thủ Đức, TP.HCM) nóng như lò hơi. Ít phút sau, căn nhà đã chật kín những nữ bệnh nhân trở về sau quá trình vào cơ sở 2 Bệnh viện Ung Bướu TP.HCM thăm khám, hóa, xạ trị ung thư.
Mặt đỏ gay, hai mí mắt sung phù như vừa mới khóc, bà Nguyễn Thị Thấy (SN 1956, quê tỉnh Tiền Giang) cố gắng nhấc cánh tay run lẩy bẩy đón lấy ly nước chanh thơm mát từ người phụ nữ trọc đầu, ngực chằng chịt những vết sẹo to tướng.
Bà tên Nguyễn Thị Phượng (56 tuổi), người đứng ra thuê căn nhà trên để làm chỗ trú thân cho những người đồng bệnh nghèo khổ.
“Chị Thấy vừa xạ trị về nên còn mệt lắm. Chúng tôi vừa mới xoa bóp, vắt nước chanh cho uống để chị mau lại sức. Ở đây ai cũng vậy, người khỏe chăm người yếu hơn như chị em trong gia đình”, bà Phượng nói.
Bà Thấy mỏi mệt, đờ đẫn sau quá trình xạ trị tại bệnh viện. Trở về nhà một vú, chị được những người đồng bệnh tại đây thay nhau chăm sóc. |
Hơn nửa năm nay, căn nhà trọ này không khác gì gia đình thứ 2 của hơn 20 phụ nữ không may đeo mang căn bệnh ung thứ vú. “Đại gia đình” này được hình thành từ những nỗ lực cuối cùng của bà Phượng, người đang ở trong giai đoạn cuối của căn bệnh hiểm nghèo.
Bà Phượng phát hiện mình mắc bệnh ung thư vú vào cuối năm 2019. Không chồng con, khi bị bệnh, bà sống bám hành lang bệnh viện Ung bướu TP.HCM. Tại đây, bà quen biết những bệnh nhân cùng cảnh ngộ. Trong số này có bà Võ Thị Mỹ Duyên (50 tuổi, ngụ quận Bình Tân, TP.HCM).
Thương bà Phượng côi cút, bà Duyên nguyện chăm sóc miễn phí. Cứ thế, bà Phượng, bà Duyên và những người đồng bệnh cùng nhau bám víu hành lang bệnh viện để chờ ngày vào thuốc.
Giữa tháng 5/2021, dịch Covid-19 bùng phát, bệnh viện yêu cầu bệnh nhân không tiếp tục cư ngụ tại hành lang. Bà Duyên, bà Phượng cùng những người còn lại buộc phải ra ngoài, tìm thuê nhà trọ ở tạm.
Quá trình điều trị bệnh kéo dài khiến bà Phượng rụng hết tóc. Thương người đồng bệnh, bà thuê căn nhà trọ cho họ ở chung và gọi vui là nhà một vú. |
Chi phí thuê trọ cao, họ không trụ nổi. Thương những con người đã nghèo khổ còn đeo mang bạo bệnh, bà Phượng quyết định bán căn nhà. Sau khi chia hết cho anh em, bà dành một phần để trị bệnh. Phần còn lại, bà dùng để thuê căn nhà nhỏ làm nơi trú thân, nghỉ ngơi cho người đồng bệnh.
Bà Duyên chia sẻ: “Mấy chị em ở đây, ai cũng chung một bệnh và đều phẫu thuật cắt đi 1 bên ngực nên gọi vui là nhà một vú. Chị em đi khám, trị bệnh cùng một bệnh viện rồi gặp nhau, giới thiệu nhau về nhà trọ này ở chung. Bây giờ, chúng tôi cùng chung sức để đóng tiền nhà”.
“Từ tứ xứ đến ở chung nhưng chúng tôi xem nhau như người một nhà. Chị em cùng cảnh ngộ, cùng chịu sự dày vò của căn bệnh ung thư nên hiểu và thương nhau lắm. Ở chung, chị em có thể chia sẻ buồn vui, khó khăn cho nhau và cùng nhau chiến đấu với bệnh tật”, chị nói thêm.
"Không buồn và không bao giờ sợ chết"
Ngày được về sống chung với mọi người tại "nhà một vú", bà Huỳnh Thị Lệ (65 tuổi) vui mừng đến rơi nước mắt. Bà lệ bị bệnh từ năm 2018.
Số tiền từ việc bán vé số trước cổng bệnh viện chỉ tạm đủ để bà uống thuốc hàng tháng. Không đủ tiền thuê trọ trong những ngày ở lại TP.HCM hóa, xạ trị, bà phải sống bám hành lang bệnh viện.
Bà Duyên (áo xanh) nhẩm tính, "nhà một vú" đã trở thành gia đình thứ 2 của hơn 20 bệnh nhân ung thư vú từ mọi miền đến TP.HCM điều trị bệnh. |
“Ban ngày tôi bán vé số, đêm đến mới xin vào hành lang bệnh viện ngủ. Sức khỏe yếu, lại mắc ung thư, tôi yếu lắm, ngày nắng nóng cứ xỉu hoài. May mà cô Phượng thương, cho tôi về ở chung. Ở đây vui lắm, chị em có nhau nên không sợ gì. Chúng tôi không sợ buồn và cũng không sợ chết nữa”, bà Lệ xúc động nói.
Trước khi đến với nhà một vú, nhiều bệnh nhân ung thư rất bi quan, dễ rơi vào tâm trạng tuyệt vọng khi biết mình sẽ sớm chia tay cõi tạm. Có người đau khổ, suy sụp, tuyệt vọng đến đòi tự tử.
Những lúc ấy, các thành viên cũ của nhà một vú lại xúm lại khuyên can, an ủi. Mọi người cố truyền tải suy nghĩ tiêu cực, quan niệm sống lạc quan để họ vững tâm, vơi bớt nỗi tuyệt vọng.
Chị Nhị phần nào vơi bớt nỗi nhớ nhà, nhớ con nhỏ khi được nhiều người đồng bệnh chia sẻ, an ủi khi vào sống tại nhà một vú. |
Mọi người tự khuyên nhau rằng buồn bã, tuyệt vọng không đem lại ích lợi gì ngoài việc khiến bệnh trầm trọng hơn. Thay vào đó, họ lan tỏa thông điệp phải sống những tháng ngày còn lại thật lạc quan, thật đẹp.
“Thế rồi chị em chăm nhau. Người đến trước chăm người đến sau. Chỉ có chung hoàn cảnh mới hiểu nhau nên chúng tôi chăm nhau từ sức khỏe tinh thần đến thể chất. Chúng tôi tự nấu cho nhau ăn để đảm bảo dinh dưỡng, lắng nghe, chia sẻ buồn vui với nhau”, chị Duyên nói.
Gần một năm qua, cũng nhờ nhà một vú, chị Mai Thị Nhị (36 tuổi, quê tỉnh Phú Yên) vơi bớt nỗi nhớ con nhỏ, nhớ nhà khi phải rời quê vào TP.HCM điều trị bệnh một mình. Mắc căn bệnh hiểm nghèo khi tuổi đời còn rất trẻ, chị Nhị ngày ngày chống chọi với những nỗi buồn riêng.
Sống cùng nhau, bà Lệ và những người đồng bệnh đều không sợ buồn và không sợ chết dẫu đeo mang căn bệnh hiểm nghèo. |
Thế nhưng từ khi về "nhà một vú", nỗi nhớ đứa con mới đầy 3 tuổi của chị được những người đồng bệnh sẻ chia, an ủi. Chị cũng tìm được niềm vui sống khi nhận nhiệm vụ “làm xe ôm” chở bà Duyên đi chợ mỗi ngày để nấu ăn cho cả nhà.
Bây giờ, nỗi buồn duy nhất của nhà một vú là chứng kiến các thành viên của mình lặng lẽ ra đi. Bà Duyên tâm sự: “Năm vừa rồi, chúng tôi chia tay mấy người. Trước cảnh ấy, ai cũng khóc. Nhưng không ai khóc vì sợ chết mà khóc vì thương nhớ người ra đi”.
“Chúng tôi ở với nhau, cùng nhau chiến đấu, chống lại bệnh tật nên thương nhau. Dù biết rằng ai rồi cũng phải ra đi nhưng chứng kiến cảnh ấy chúng tôi như mất đi một người thân. Xót xa lắm nên nước mắt cứ rơi thôi”, bà chia sẻ thêm.
Bài, ảnh:Hà Nguyễn
Bạn gái mắc ung thư giai đoạn cuối, chàng trai thỉnh cầu ghép bức ảnh cưới ở nơi đặc biệt
Lời mong mỏi của bạn trai trước hoàn cảnh người yêu ốm nặng khiến ai cũng rưng rưng.
Kinh nghiệm hay liên quan khác
- Chàng trai du lịch vòng quanh thế giới suốt 10 năm
- Cuộc sống bên trong trại tị nạn, nhà container của người Việt rời Ukraine
- 43 tuổi, một lần 'lỡ' cùng bạn thân của vợ, tôi đau đớn tột cùng
- Chú rể đi ô tô đến gần nhà gái, nước ngập phải chèo thuyền hỏi vợ
- Cuộc thử nghiệm làm việc 4 ngày/tuần lớn nhất thế giới
- 'Thầy Công Ninh' tiết lộ cách tán đổ học trò kém 21 tuổi
- 9X đi tìm mặt bằng kinh doanh, gặp bạn trai như ý
- Mẹ đi xe máy 94 ngày, qua 25 quốc gia để thăm con
- Chồng lương thấp đưa 5 triệu/tháng, đọc tin nhắn anh gửi vợ cũ tôi rụng rời
- Khan hiếm người mang thai hộ ở Mỹ
- Người phụ nữ béo nhất thế giới có ngoại hình bất ngờ sau 10 năm
- Con khóc, mẹ luống cuống lái xe lao xuống hồ
- 'Dị nhân' gần nửa thế kỷ không ngủ bây giờ ra sao?
- Hầu hết đàn ông đều có những suy nghĩ này khi ngoại tình
- Những điều nên làm trong Tết Thanh minh
- Những kiêng kỵ trong ngày Tết Thanh minh
- Mâm lễ cúng Tết Thanh minh đầy đủ, chi tiết
- Hàng nghìn con rắn quấn dày đặc trên cây ở miền Tây
- Phát hiện chồng ngoại tình trong căn biệt thự bỏ hoang
- Bài cúng Tết Thanh minh năm 2022