Nguy cơ thông tin sai lệch trở thành ‘đại dịch’ năm 2022

04/01/2022
Các chuyên gia cho rằng cuộc chiến với thông tin sai sự thật sẽ trở nên cam go hơn trong năm 2022, song không phải không có lối thoát.

Mike Caulfield, nhà nghiên cứu tại Đại học Washington, cho biết thuyết âm mưu và các thông tin sai lệch giống như QAnon, Covid-19 và thao túng bầu cử 2020 sẽ “trở nên lớn hơn và ngày càng xa rời sự thật”.

Một nguyên nhân khiến thông tin sai lệch ngày càng trở nên trầm trọng là do chính phủ và các công ty công nghệ đã không đón đầu vấn đề này. “Chúng ta vẫn phản ứng bị động là chủ yếu, vòng lặp của sự việc sẽ ngày càng tệ hơn nếu chúng ta không đi trước vấn đề một bước”, Caulfield khẳng định.

Nguy cơ thông tin sai lệch trở thành ‘đại dịch’ năm 2022
Tin giả tiếp tục là vấn đề nan giải năm 2022. (Ảnh: Internet)

Trong một nghiên cứu, Chris Conner, trợ giảng giáo sư tại Đại học Missouri lập luận rằng, những người ủng hộ thuyết âm mưu là do họ không còn tin tưởng vào chính phủ khi hệ thống xã hội đã khiến họ thất vọng trong bối cảnh đời sống kinh tế khó khăn và không nhận được sự chăm sóc sức khỏe tinh thần phù hợp.

“Điều nên làm là lắng nghe những người như vậy và xem xét nghiêm túc họ đang phản ứng với điều gì”, Conner nói.

Phản ứng của các mạng xã hội

Những năm qua các công ty truyền thông xã hội vẫn chủ yếu làm theo cách cũ để đối phó với thông tin sai lệch, như xoá nội dung sai trái, chặn tài khoản của các cá nhân có ảnh hưởng đang lan truyền thông tin và cải thiện hệ thống báo cáo đối với các nội dung “bị gắn cờ”. Twitter gần đây đã cấm vĩnh viễn đối với tài khoản cá nhân của một nghị sỹ đảng Cộng hòa tại bang Georgia vì chia sẻ thông tin sai sự thật liên quan Covid, nhưng điều đó vẫn chưa đủ.

Trong khi đó, các chuyên gia liên tục nhấn mạnh mạng xã hội cũng là một yếu tố làm thông tin sai lệch tràn lan.

“Các công ty truyền thông xã hội hoàn toàn có thể tiếp tục đàn áp các phong trào này, và có thể hi sinh một phần nhỏ lợi nhuận để làm điều đúng đắn cho những điều tốt đẹp hơn”, Mike Rothschild, nhà nghiên cứu thuyết âm mưu cho biết, đồng thời khẳng định “phong trào QAnon chưa chắc đã lan rộng nếu Facebook, Twitter, và YouTube quyết tâm ngăn chặn vào năm 2018”.

Trong khí đó, các công ty truyền thông khẳng định họ đã rút kinh nghiệm từ bài học năm 2020 và đang chuẩn bị cho các kỳ bầu cử năm 2022.

“Chúng tôi đang thực thi các chính sách chống lại việc xóa bài có nội dung can thiệp cử tri và công ty sẽ tiếp tục cải tiến các chiến lược trong xử lý nội dung về tính hợp hiến của các phương pháp bỏ phiếu, giống như các tuyên bố gian lận phiếu cử tri”, Monika Bickert, Phó chủ tịch chính sách nội dung của Facebook trả lời phỏng vấn. “Mặc dù mỗi kỳ bầu cử đều đem tới những thách thức riêng, chúng tôi đang tích cực áp dụng các bài học từ các kỳ bầu cử trước vào sự kiện năm 2022 cũng như sau này”.

Về phía Twitter, công ty này đã cập nhật thiết lập báo cáo mới đối với các “tweet” lan truyền thông tin sai lệch về y tế và chính trị. Công ty khẳng định “cam kết phát cải thiện tính toàn vẹn của các hội thoại y tế”.

YouTube đưa ra các chính sách về thông tin sai lệch vào năm 2020 và 2021 với việc cấm các nội dung xấu độc về vắc xin Covid. Trong năm 2021, hơn 1 triệu video đã bị xoá bỏ. Nền tảng của Google khẳng định hướng tới cải thiện hệ thống để xóa bỏ hoàn toàn nội dung gây hại.

TikTok cũng bắt đầu xử lý các thông tin không chính xác về bầu cử và vắc xin Covid trong năm 2020, dẫn tới hàng trăm ngàn video đã bị xoá khỏi nền tảng này trong năm 2021.

Các công ty truyền thông xã hội đã áp dụng nhiều công cụ hỗ trợ người dùng cá nhân nhận diện thông tin sai lệch thông qua biện pháp dán nhãn hay các bài viết xác minh thông tin. Một trong các hành động hiệu quả khác chỉ đơn giản là làm chậm tốc độ của các nội dung nhất định ngay khi nó được đăng tải.

Mặc dù vậy, các đối tượng lan truyền thông tin sai lệch hay thuyết âm mưu cũng tìm thấy nhiều nền tảng khác để sử dụng. Telegram, ứng dụng nhắn tin mã hoá, đã trở thành nơi trú ẩn cho những người ủng hộ QAnon. Rumble và Odyssey là 2 nền tảng chứa các video về thông tin xấu độc và thuyết âm mưu bị xóa trên YouTube.

Trông đợi gì trong năm 2022?

Cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump có thể trở thành tác nhân chính đối với sự lây lan của thông tin sai lệch trong năm 2022. Tháng 10/2021, ông Trump tuyên bố sẽ ra mắt nền tảng xã hội riêng “Truth Social” để đối đầu với Big Tech.

Tuy vậy, từ đó tới nay, cựu Tổng thống Mỹ cũng rất ít khi nhắc tới mạng xã hội của mình. Dù trang web vẫn cho phép tạo tài khoản và đưa vào danh sách chờ nhưng thời gian cụ thể ra mắt của nền tảng vẫn chưa được đưa ra. Những người muốn giữ tên đăng nhập cần đóng góp cho Uỷ ban quốc gia đảng Cộng hoà.

Các nền tảng khác ủng hộ Trump như Gab, Parler, Gettr và Frank dù không có lượng người dùng đông đảo, nhưng cùng với Telegram, gần như chắc chắn sẽ trở nên sôi động vào dịp bầu cử giữa kỳ Mỹ 2022.

Caulfield cho biết: “Nếu họ có thể thuyết phục được phần lớn công chúng rằng cuộc bầu cử năm 2022 là vi hiến thì họ gần như có thể có được những thay đổi về lập pháp mà họ muốn”.

Mặc dù các chuyên gia, cơ quan chính phủ và công ty công nghệ đều nhận thức được mức độ tồi tệ của thông tin sai lệch sẽ trở nên như thế nào, nhưng cuộc chiến ngăn chặn nó vẫn rất khó khăn.

Vinh Ngô (Theo CNet)

Ấn Độ có nhiều thông tin sai lệch nhất trên mạng xã hội về Covid-19

Ấn Độ có nhiều thông tin sai lệch nhất trên mạng xã hội về Covid-19

Theo một nghiên cứu, Ấn Độ (15,94%), Mỹ (9,74%), Brazil (8,57%) và Tây Ban Nha (8,03%) là những nước lần lượt bị ảnh hưởng nhiều nhất bởi thông tin sai lệch liên quan đến đại dịch Covid-19.

Tin công nghệ liên quan khác