Người ‘bao vây’ Nga bằng mạng xã hội và công nghệ

19/03/2022
Mykhailo Fedorov, Phó Thủ tướng Ukraine, đã biến công nghệ, tiền mã hóa và mạng xã hội thành những vũ khí chiến đấu thời hiện đại.

Sau khi Nga tiến hành chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine vào tháng trước, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky đã giao trọng trách đặc biệt cho Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Bộ chuyển đổi số Mykhailo Fedorov.

Ông Fedorov, 31 tuổi, là thành viên trẻ nhất trong nội các của ông Zelensky. Ngay lập tức, ông bắt tay vào chiến dịch kêu gọi sự ủng hộ của các doanh nghiệp đa quốc gia và kêu gọi cô lập Nga khỏi Internet toàn cầu, chặn tiếp cận mọi sản phẩm từ iPhone, PlayStation đến PayPal, dịch vụ chuyển tiền Western Union.

"Vòng vây kỹ thuật số"

Để đạt được mục tiêu của mình, ông Fedorov – cựu doanh nhân công nghệ - sử dụng kết hợp mạng xã hội, tiền ảo và các công cụ kỹ thuật số khác. Trên Twitter và các mạng xã hội, ông gây sức ép cho Apple, Google, Netflix Intel, PayPal… để ngừng kinh doanh tại Nga. Ông hỗ trợ thành lập một nhóm hacker tình nguyện viên. Bộ của ông còn mở quỹ tiền mã hóa và huy động hơn 60 triệu USD cho quân đội trong nước.

Những việc làm này đã biến ông Fedorov thành một trong những cánh tay đắc lực nhất của Tổng thống Zelensky, triển khai công nghệ và tài chính như các vũ khí chiến tranh hiện đại. Ông đã tạo ra một cuốn cẩm nang mới cho các xung đột chính trị, cho thấy một quốc gia có thể sử dụng Internet, tiền mã hóa, hoạt động kỹ thuật số và các bài viết Twitter sẽ giúp ngăn chặn kẻ địch như thế nào.

Người ‘bao vây’ Nga bằng mạng xã hội và công nghệ
Ông Mykhailo Fedorov

Trong một cuộc phỏng vấn qua Zoom với Thời báo New York, ông Fedorov chia sẻ mục tiêu của ông là tạo ra một “vòng vây kỹ thuật số”, khiến mọi người đặt câu hỏi về cuộc chiến giữa Nga – Ukraine. Ông khen ngợi những công ty đã rút khỏi Nga song khẳng định Apple, Google và các hãng khác có thể đi xa hơn nữa bằng cách chặn hoàn toàn kho ứng dụng tại Nga.

Theo ông, vòng vây công nghệ và kinh doanh là yếu tố không thể thiếu để ngăn chặn sự tiến công của Nga.

Tất nhiên, nỗ lực của ông Fedorov không phải nguyên nhân duy nhất mà các tập đoàn như Meta, Apple ngừng kinh doanh ở Nga. Còn phải kể đến các lệnh cấm vận kinh tế từ Mỹ, EU và các nước khác. Dù vậy, Giáo sư Peter Singer đến từ Trung tâm Tương lai chiến tranh của Đại học Arizona (Mỹ) đánh giá ông Fedorov đặc biệt hiệu quả trong việc kêu gọi các công ty nghĩ lại về quan hệ với Nga, hơn mọi ngôi sao hay quốc gia nào khác.

Chiến thuật của cựu doanh nhân công nghệ

Phó Thủ tướng Ukraine tiết lộ ông ngủ khoảng 3 – 4 tiếng mỗi đêm và thường bị tỉnh dậy mỗi 30 phút vì chuông báo trên iPhone bên giường. Ông khá lo lắng về cha mình, người đang nằm trong phòng chăm sóc tích cực sau khi một quả tên lửa tấn công nhà hàng xóm.

Ông Fedorov lớn lên trong thị trấn nhỏ miền Nam Ukraine. Trước khi làm chính trị, ông mở một công ty tiếp thị kỹ thuật số, chuyên thiết kế các chiến dịch quảng cáo trực tuyến. Nó giúp ông quen biết với ông Zelensky vào năm 2018, người khi ấy là một diễn viên đang tranh cử Tổng thống. Ông Fedorov trở thành Giám đốc kỹ thuật số của chiến dịch, sử dụng mạng xã hội để khắc họa chân dung ông Zelensky như một biểu tượng thay đổi trẻ trung.

Sau khi đắc cử Tổng thống Ukraine năm 2019, ông Zelensky bổ nhiệm ông Fedorov làm Bộ trưởng Bộ chuyển đổi số, phụ trách các nỗ lực số hóa dịch vụ công của Ukraine. Thông qua một ứng dụng, người dân có thể trả vé tàu, đóng thuế. Năm 2021, ông Fedorov ghé thăm Silicon Valley để gặp gỡ các thủ lĩnh công nghệ, bao gồm CEO Apple Tim Cook.

Nếu nhìn thoáng qua những công việc của ông Fedorov và Bộ chuyển đổi số Ukraine, nhiều người có lẽ nghĩ rằng chúng chẳng tốn bao nhiêu sức lực. Họ chỉ đơn giản là chống lại các chiến dịch tuyên truyền của Nga, tranh thủ sự ủng hộ của thế giới qua mạng xã hội hay công khai điểm mặt các hãng công nghệ lớn. Song, ẩn sâu dưới bề mặt lại là những kế hoạch tham vọng nhằm biến Ukraine thành một trung tâm công nghệ phát triển. 

Trong quá trình ấy, ông Fedorov và giai cấp doanh nhân trẻ đã tìm ra một cách hoàn toàn mới để chiến đấu. Những chiến dịch mạng xã hội không ngừng nghỉ "nhấn chìm" Internet bằng cập nhật liên tục về thắng lợi ngoại giao và quân sự, giúp họ tuyển được một "đội quân CNTT". Chính phủ Ukraine thu hút sự chú ý về cuộc chiến với Nga thông qua các tài khoản chính thức và ứng dụng nhắn tin, bao gồm cả những video cá nhân, xuề xòa của Tổng thống Zelensky.

Khi gây áp lực lên các hãng công nghệ rút khỏi Nga, ông Fedorov có sự ủng hộ của Tổng thống. Cả hai nói chuyện với nhau hàng ngày. Ngày 25/2, ông gửi thư cho Apple, Google và Netflix, đề nghị họ hạn chế truy cập dịch vụ tại Nga. Chưa đầy một tuần sau, Apple dừng bán iPhone và sản phẩm ở đây. Ngày tiếp theo, ông Fedorov gửi tin nhắn tới Elon Musk trên Twitter, xin giúp đỡ bằng hệ thống vệ tinh Internet. Công nghệ sẽ giúp người Ukraine online ngay cả khi Nga phá hủy hạ tầng viễn thông quan trọng. Hai ngày sau đó, một lô hàng thiết bị Starlink đã được chuyển đến Ukraine.

Ông cũng gọi điện cho Karan Bhatia, Phó Chủ tịch Google. Google đã thực hiện một số thay đổi, trong đó có hạn chế truy cập một số tính năng Google Maps mà ông Fedorov cho là nguy cơ an ninh vì chúng có thể giúp binh lính Nga phát hiện đám đông. Google còn tạm dừng bán sản phẩm, dịch vụ tại Nga và chặn truy cập truyền thông nhà nước Nga trên toàn cầu (trừ Nga).

Ông Fedorov cho biết “làm nhục công khai” (public shaming) hiệu quả do các doanh nghiệp “ra quyết định dựa trên cảm xúc và lý trí”.

Người ‘bao vây’ Nga bằng mạng xã hội và công nghệ
Ông Mykhailo Fedorov (trái) và CEO Apple Tim Cook

Cũng có những người đặt câu hỏi về hậu quả không lường trước từ chiến thuật của ông Fedorov. Internet Protection Society, một tổ chức tại Nga, lên tiếng: “Việc đóng cửa chỉ có thể sử dụng trong nền chuyên chế, không phải dân chủ”.

Về phần mình, ông Fedorov tin đó là cách duy nhất để kêu gọi người dân Nga hành động. “Sau khi tên lửa hành trình bay qua nhà tôi cũng như nhiều người Ukraine khác và mọi thứ bắt đầu phát nổ, chúng tôi quyết định phải phản công”, ông nói.

“Sự thật đang đứng về phía chúng tôi. Tôi chắc chắn chúng tôi sẽ thắng”, Bộ trưởng trẻ nhất Ukraine quả quyết.

Trong một cuộc phỏng vấn khác với tạp chí Time, ông Fedorov tin tương lai sẽ đi cùng công nghệ, đó là lý do họ sẽ thắng. "Lãnh đạo Nga vẫn đang sống trong thế kỷ 20. Họ không nhận ra các chính phủ phải tiến về phía trước, dần trở nên giống với các doanh nghiệp công nghệ hơn thay vì cứng nhắc như một chiếc xe tăng, một cỗ máy chiến tranh", Bộ trưởng 31 tuổi nói.

Du Lam (Theo NYT)

Chiến tranh mạng Nga – Ukraine: Nga “lãnh đủ” từ đội quân hacker tình nguyện

Chiến tranh mạng Nga – Ukraine: Nga “lãnh đủ” từ đội quân hacker tình nguyện

Với gần 300.000 hacker được huy động, đội quân đông đảo này của Ukraine đã liên tục tấn công vào các tổ chức chính phủ, cũng như dịch vụ web của Nga.  

Tin công nghệ liên quan khác