Món gỏi 'chân dài' lạ miệng, khách vượt trăm km về thưởng thức ở Hải Phòng
Nhắc tới ẩm thực Hải Phòng, ngoài những cái tên quen thuộc như bánh đa cua, nem cua bể, bánh mì que, cá mòi kho,... thì không thể không nhắc đến món gỏi giá bể "trứ danh". Đây là món ăn dân dã gắn bó với bao thế hệ người dân địa phương, dần trở thành đặc sản nức tiếng "níu chân" du khách.
Đúng như tên gọi, món gỏi này được làm từ nguyên liệu chính là giá bể. Loài nhuyễn thể này thường xuất hiện nhiều ở những vùng bãi bồi ven biển thuộc các tỉnh phía Bắc như Nam Định, Thái Bình. Riêng ở Hải Phòng, loài hải sản này thường sống vùi mình dưới các bãi cát của vùng biển Đồ Sơn, Cát Hải và Cát Bà.
Thoạt nhìn, giá bể khá giống con trai nhưng kích thước nhỏ hơn, chỉ chừng ngón tay cái. Chúng được chia thành hai loại: vỏ xanh và vỏ đỏ nhưng loại xanh được nhận xét ngon, ngọt hơn, có giá thành cao, khoảng 150.000 đồng/kg. Giá bể có quanh năm nhưng ngon và cho "bội thu" nhất là từ khoảng tháng 6 đến tháng 8.
Ở Hải Phòng, người địa phương thường chế biến món giá bể xào, thích hợp để thưởng thức lúc thời tiết se lạnh. Ngoài ra còn có món gỏi giá bể giòn sần sật được ưa chuộng quanh năm, có tác dụng "giải ngán", đặc biệt sau những ngày tiệc tùng đón Tết.
Ở Thái Bình, món ăn này được gọi là gỏi día. Tuy nhiên, cách làm và hương vị có sự khác biệt so với gỏi giá bể của người Hải Phòng (Ảnh: Thu Duyen Pham). |
Theo chị Phương Thảo (ở chợ Cát Bi, Hải Phòng) cho biết, giá bể muốn ngon phải chọn lựa những con còn tươi, có kích thước đồng đều. Đặc biệt, quá trình chế biến giá bể cũng đòi hỏi sự kỳ công mới có thể loại bỏ được phần cát và chất bẩn bên trong chúng.
Giá bể mua về được đem ngâm trong nước khoảng 5-6 tiếng. Có thể cho thêm chút muối hoặc ớt thái miếng để chúng há miệng, đào thải chất bẩn từ trong cơ thể ra ngoài. Sau đó, mang giá bể đi hấp sơ rồi tách vỏ, gỡ lấy thịt.
Chị Thảo tiết lộ, không nên luộc giá bể mà chỉ hấp sơ 5-10 phút sau khi nước sôi, vừa giúp việc tách thịt và vỏ thuận tiện, vừa không làm chúng bị ngậm nước mà vẫn giữ được độ ngọt tự nhiên.
Ruột giá bể sau khi hấp tiếp tục được tách làm đôi, chia thành phần thân mềm và chân giòn. Phía đầu chân thường có xúc tu chứa nhiều cát nên thường được cắt bỏ đi cho sạch, tránh làm giảm chất lượng món ăn.
Sau đó, đem chần phần chân của giá bể qua nước sôi một lần nữa rồi vớt ra, ngâm trong nước đá. Công đoạn này giúp chân giá trắng và có độ giòn sần sật dễ ăn. Tuy nhiên, cần cân đối thời gian phù hợp vì chần nước sôi quá lâu khiến chân bị dai, còn chần chưa tới thì nguyên liệu lại không đạt được độ giòn như mong muốn.
"Thịt giá bể có nhiều lông, tuy trông hơi kỳ dị nhưng rất mềm và ngọt. Sau khi tách, đem rửa lại cho sạch cát và chất bẩn. Muốn thịt giá bể vẫn giữ được độ ngọt tự nhiên thì nên dùng luôn nước luộc ban đầu để rửa sạch rồi xả lại lần nữa với nước thường, vắt nhẹ tay cho ráo nước, sau đó đem chế biến món ăn tùy thích", chị Thảo nói.
Để làm gỏi giá bể, người ta dùng phần thịt mềm và chân giòn đã sơ chế sạch tẩm ướp với bột canh, mì chính, tiêu xay,... sao cho có độ đậm đà vừa ăn. Chờ giá bể ngấm gia vị thì cho tiếp sả băm nhỏ, riềng giã nhuyễn, thính gạo, lạc rang và lá chanh thái sợi rồi trộn đều tay.
Cắn một miếng gỏi, thực khách có thể cảm nhận trọn vẹn tinh hoa của món ăn nổi danh ở thành phố Cảng. Gỏi có vị bùi, ngọt thanh của thịt, kết hợp thân giá dai giòn sần sật với chút cay nồng của riềng, chua chua của khế và hơi chan chát từ chuối xanh. Ngoài ra, các loại rau thơm ăn kèm cũng giúp món gỏi này có độ thanh mát, giúp giải nhiệt và giải ngán hiệu quả.
Anh Nguyễn Thành Nam (sống ở quận Hà Đông, Hà Nội) cho biết, gỏi giá bể có thể thưởng thức quanh năm nhưng được ưa chuộng nhất vào dịp sau Tết nhờ công dụng "giải ngấy". Thỉnh thoảng cuối tuần, anh lại lái xe vượt hơn trăm cây số đưa gia đình từ Hà Nội về Hải Phòng để thưởng thức đặc sản nức tiếng này.
"Tôi từng được ăn gỏi giá bể ở Thái Bình và Hà Nội nhưng thấy hương vị ở Hải Phòng vẫn ngon và đậm đà hơn. Món này được bán ở nhiều nơi, tại một số khu chợ truyền thống hay các quán ăn trong nội thành với mức giá bình dân, chỉ khoảng 70.000 - 100.000 đồng/suất cho 2 người. Sau Tết, tôi cũng thường đặt mua gỏi giá bể từ người quen ở Hải Phòng để chiêu đãi khách quý", anh Nam chia sẻ.
Theo Dân trí
Quả nhót nấu nhiều món ăn ngon, nhưng những người này lại không nên ăn
Quả nhót tương đối an toàn, chứa rất nhiều hợp chất có lợi cho cơ thể. Nhưng ăn nhiều thì có thể ảnh hưởng đến sức khỏe.
Kinh nghiệm hay liên quan khác
- Chàng trai du lịch vòng quanh thế giới suốt 10 năm
- Cuộc sống bên trong trại tị nạn, nhà container của người Việt rời Ukraine
- 43 tuổi, một lần 'lỡ' cùng bạn thân của vợ, tôi đau đớn tột cùng
- Chú rể đi ô tô đến gần nhà gái, nước ngập phải chèo thuyền hỏi vợ
- Cuộc thử nghiệm làm việc 4 ngày/tuần lớn nhất thế giới
- 'Thầy Công Ninh' tiết lộ cách tán đổ học trò kém 21 tuổi
- 9X đi tìm mặt bằng kinh doanh, gặp bạn trai như ý
- Mẹ đi xe máy 94 ngày, qua 25 quốc gia để thăm con
- Chồng lương thấp đưa 5 triệu/tháng, đọc tin nhắn anh gửi vợ cũ tôi rụng rời
- Khan hiếm người mang thai hộ ở Mỹ
- Người phụ nữ béo nhất thế giới có ngoại hình bất ngờ sau 10 năm
- Con khóc, mẹ luống cuống lái xe lao xuống hồ
- 'Dị nhân' gần nửa thế kỷ không ngủ bây giờ ra sao?
- Hầu hết đàn ông đều có những suy nghĩ này khi ngoại tình
- Những điều nên làm trong Tết Thanh minh
- Những kiêng kỵ trong ngày Tết Thanh minh
- Mâm lễ cúng Tết Thanh minh đầy đủ, chi tiết
- Hàng nghìn con rắn quấn dày đặc trên cây ở miền Tây
- Phát hiện chồng ngoại tình trong căn biệt thự bỏ hoang
- Bài cúng Tết Thanh minh năm 2022