Hậu trường cuộc đối đầu giữa Nhà Trắng với Facebook

12/08/2021
Trong lúc đại dịch Covid-19 bùng phát trở lại tại Mỹ, các quan chức cấp cao ở Nhà Trắng và Facebook đổ lỗi qua lại trước tình trạng tin giả về dịch bệnh tràn lan trên nền tảng này.
Facebook, Nha Trang, vaccine anh 1

Vào tháng 3, ông Andy Slavitt, khi đó là cố vấn cấp cao về Covid-19 của chính quyền Tổng thống Biden, đã cảnh báo Nick Clegg, Phó chủ tịch phụ trách vấn đề toàn cầu của Facebook, trong một cuộc gọi điện thoại.

Suốt nhiều tuần, ông Slavitt và các quan chức khác của Nhà Trắng đã họp với Facebook, hối thúc công ty có giải pháp ngăn chặn việc thông tin sai lệch về vắc xin Covid-19 bị phát tán trên nền tảng mạng xã hội này.

Không ít người Mỹ từ chối tiêm vắc xin do tin mù quáng vào những tin giả đọc được trên Facebook. Điều này khiến ông Slavitt cùng nhiều người ở Nhà Trắng cảm thấy ban lãnh đạo Facebook né tránh trách nhiệm và không hợp tác.

Facebook, Nha Trang, vaccine anh 2

Ông Nick Clegg, Phó chủ tịch phụ trách vấn đề toàn cầu của Facebook. Ảnh: Lino Mirgeler.

Gần ba tháng sau, khi số ca mắc Covid-19 do biến chủng Delta tăng vọt, Tổng thống Biden thẳng thắn tuyên bố Facebook đang "giết chết người dân". Phát biểu mạnh mẽ này của ông nhanh chóng thu hút sự chú ý của dư luận.

Phát biểu đó cũng khiến các lãnh đạo Facebook ngày càng tỏ ra bất hợp tác trong các buổi họp với Nhà Trắng, khi thảo luận về trách nhiệm của mạng xã hội này trong việc thông tin sai sự thật được lan truyền tràn lan.

Căng thẳng do thông tin sai sự thật

Theo các nguồn tin, Nhà Trắng chán nản với câu trả lời quen thuộc của Facebook tại các cuộc họp. Họ từng yêu cầu được nghe phản hồi từ các kỹ sư dữ liệu của Facebook, chứ không phải là ban quản trị.

Nhà Trắng còn đưa ra nhiều câu chuyện từ các bác sĩ và y tá - những người thực sự tương tác với bệnh nhân Covid-19 từng tin vào hoang tin.

Dù Nhà Trắng và Facebook vẫn đối thoại, mối quan hệ vốn dĩ không tốt đẹp giữa hai bên nay càng phức tạp hơn.

Chính quyền Tổng thống Biden đang nỗ lực xử lý những thách thức mới do biến chủng Delta mang tới. Mỹ không đạt mục tiêu tiêm ít nhất một liều vắc xin Covid-19 cho 70% người trưởng thành trước ngày 4/7. Bên cạnh đó, biến chủng còn khiến số ca mắc Covid-19 tăng mạnh.

Trong tuần qua, Mỹ ghi nhận bình quân hơn 110.000 ca mắc mới mỗi ngày, tăng 13.000 ca so với tháng trước. Để ứng phó với dịch, chính phủ Mỹ áp đặt trở lại các quy định như đeo khẩu trang.

Phần lớn số ca nhiễm virus corona mới thuộc nhóm người chưa tiêm vắc xin. Vào ngày 5/8, Nhà Trắng hối thúc các bác sĩ khoa nhi thêm vắc xin vào bài kiểm tra sức khỏe đầu năm học, cũng như khuyến khích các trường tổ chức tiêm vắc xin.

Facebook, Nha Trang, vaccine anh 3

Tổng thống Joe Biden từng gay gắt tuyên bố Facebook gây tổn hại đến người dân. Ảnh: AP.

Tuy vậy, việc hợp tác với Facebook, mạng xã hội lớn nhất nước, có thể đóng vai trò quan trọng trong việc khuyến khích mọi người tiêm vắc xin, từ đó chấm dứt đại dịch Covid-19.

"Kể từ giai đoạn chuyển giao, chúng tôi đã trao đổi với Facebook về vấn đề này", ông Mike Gwin, phát ngôn viên của Nhà Trắng, cho biết. "Chúng tôi đã nói rõ với họ rằng họ vẫn chưa đạt được tiêu chuẩn của chính mình hay của chúng tôi. Bên cạnh đó, họ còn chủ động để thông tin sai lệch tiếp cận người Mỹ (thông qua các thuật toán)".

Facebook phản bác mạnh mẽ trước lời chỉ trích từ Nhà Trắng. Công ty này cho rằng Nhà Trắng đang đổ lỗi cho họ sau khi không đạt được mục tiêu tiêm vắc xin.

Ông Andy Stone, phát ngôn viên từ Facebook, cho biết Nhà Trắng không ghi nhận xứng đáng việc mạng xã hội này quảng bá cho nỗ lực tiêm chủng.

"Chúng tôi đã xóa các nội dung sai trái về Covid-19, và tiếp tục cung cấp cho người dùng thông tin từ các cơ quan y tế", ông Stone cho biết.

Trước thời ông Biden hiện nay, các chính quyền tiền nhiệm cũng không ít lần than phiền tương tự về cách Facebook xử lý tin giả. Tổng thống Joe Biden đặc biệt không hài lòng với Facebook ngay từ trước khi đại dịch Covid-19 diễn ra.

Trong cuộc bầu cử tổng thống năm 2020, những nhóm ủng hộ cựu Tổng thống Donald Trump đã chạy quảng cáo chứa thông tin sai sự thật về ông Biden trên Facebook.

Tuy nhiên, Facebook lại quyết định không xác minh dữ kiện của các quảng cáo chính trị.

Sau khi đắc cử, đội ngũ chuyển giao của ông Biden đã tổ chức các cuộc họp với các công ty như Facebook, Twitter, Youtube và Pinterest, cũng như đài Fox News và CNN. Nội dung của các cuộc họp là về cách ứng phó với tin giả.

Facebook, Nha Trang, vaccine anh 4

Facebook hiện là trang mạng xã hội được nhiều người sử dụng nhất tại Mỹ. Ảnh: Reuters.

Áp lực từ Nhà Trắng

Các cuộc họp bắt đầu từ tháng 12/2020 có sự tham dự của Tổng y sĩ Vivek Murthy, ông DJ Patil - Trưởng phòng Công nghệ thuộc đội ngũ chuyển giao của ông Biden, Rob Flaherty - Giám đốc Kỹ thuật số của chính quyền Biden.

Nhà Trắng cho biết họ muốn những người đang phân vân về việc tiêm vắc xin Covid-19 phải nhận được thông tin chính xác.

Khi được yêu cầu cung cấp dữ liệu về mức độ lan truyền của các thông tin sai lệch, Facebook nói họ không thể làm thế. Theo Facebook, có những bài đăng không vi phạm quy định về thông tin sai lệch của công ty mạng xã hội này, nếu đó chỉ là các bài viết hoài nghi về vắc xin.

Mạng xã hội này cho phép người dùng bày tỏ trải nghiệm của mình khi tiêm vắc xin, miễn là họ không phát tán các thông tin sai sự thật. Vấn đề này được ông Flaherty nhấn mạnh trong các cuộc họp.

Vào cuối giai đoạn chuyển giao, ông Patil yêu cầu gặp các thành viên trong đội kỹ sư khoa học dữ liệu của Facebook. Ông hy vọng có thể tìm hiểu sâu hơn từ họ về nguồn gốc của các thông tin sai lệch, và chúng đã được chia sẻ rộng thế nào.

Sau cuộc gọi giữa ông Slavitt và ông Clegg hồi tháng 3, Nhà Trắng gây áp lực lên Facebook bằng cách mời thêm Tổng Y sĩ Murthy tham dự các cuộc họp.

Cho đến tháng 7, Tổng y sĩ Murthy phát biểu trước toàn quốc rằng thông tin sai sự thật là "một mối nguy hiểm khẩn cấp đối với sức khỏe cộng đồng".

Facebook, Nha Trang, vaccine anh 5

Tổng y sĩ Murthy cho rằng thông tin sai sự thật là "mối nguy hiểm khẩn cấp đối với sức khỏe cộng đồng". Ảnh: AFP.

Sau phát biểu của ông Biden, ông Slavitt đứng ra giải hòa giữa hai bên. Ông khuyến khích Facebook xoa dịu tình hình. Về phía Nhà Trắng, ông khuyên họ nói rõ phương án để các nền tảng mạng xã hội có thể ứng phó với nạn tin giả.

Các cuộc họp giữa 2 bên sau đó đã bình thường trở lại, khi các bên đều đồng ý sẽ tránh tranh luận gay gắt.

Trong một cuộc họp gần đây, đội ngũ của Tổng thống Biden nhấn mạnh rằng nỗ lực tiêm vắc xin bị trì trệ, các nhân viên y tế đang có nguy cơ mắc bệnh cao, và số ca tử vong có thể tăng nếu Facebook không hỗ trợ lan truyền thông tin chính xác.

Vào cuối cuộc họp, cả hai phía cảm ơn nhau và đồng ý tiếp tục gặp mặt. Cuộc họp không đưa ra một phương án cụ thể nào trong việc chống Covid-19, theo New York Times.

Theo Zing

Facebook tiếp tục gây 'bão' dư luận

Facebook tiếp tục gây 'bão' dư luận

Facebook lại gây “bão” dư luận khi ngày 4/8 khóa tài khoản của các nhà nghiên cứu thuộc Dự án Theo dõi quảng cáo của Đại học New York (NYU, Mỹ) với lý do quan ngại về quyền riêng tư.

Tin công nghệ liên quan khác