Hà Nội sẽ xử lý nghiêm tình trạng “báo hóa” mạng xã hội

20/05/2021
Theo UBND thành phố Hà Nội, giai đoạn 2021 - 2022 thành phố sẽ quản lý chặt việc cung cấp thông tin trên các trang thông tin điện tử tổng hợp, mạng xã hội; xử lý nghiêm tình trạng “báo hóa” trang thông tin điện tử tổng hợp, mạng xã hội.

Giao Sở TT&TT Hà Nội triển khai các giải pháp kỹ thuật rà quét thông tin

Triển khai các giải pháp tăng cường quản lý thông tin, đẩy mạnh tuyên truyền các thông tin tích cực trên hệ thống báo, tạp chí điện tử, trang thông tin điện tử, mạng xã hội là một trong những mục đích của “Kế hoạch quản lý thông tin trên hệ thống báo, tạp chí điện tử, trang thông tin điện tử, mạng xã hội đảm bảo an ninh thông tin mạng giai đoạn 2021 – 2022” được UBND thành phố Hà Nội ban hành ngày 19/5.

UBND thành phố cũng xác định rõ, một nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm của kế hoạch là quản lý thông tin trên các báo, tạp chí điện tử theo hướng chuyên nghiệp, hiện đại, chất lượng, hiệu quả.

Mục tiêu đặt ra là đáp ứng nhu cầu thông tin của nhân dân, tuyên truyền đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, chủ trương, cơ chế, chính sách, chỉ đạo, điều hành của thành phố để định hướng dư luận, tạo đồng thuận trong xã hội, góp phần nâng cao dân trí, phát triển văn hóa và con người Việt Nam nói chung, Hà Nội nói riêng.

Thời gian tới, thành phố cũng sẽ rà soát, phát hiện, ngăn chặn hiệu quả thông tin xấu, độc, nhận diện, xử lý tin giả, tin sai sự thật trên môi trường mạng, kịp thời thông tin các nội dung cần thiết để người dân hiểu rõ bản chất vấn đề, không để tác động xấu đến dư luận.

Đẩy mạnh tuyên truyền thông tin tích cực trên môi trường mạng, góp phần phát huy được thế mạnh của báo, tạp chí điện tử, trang thông tin điện tử tổng hợp, mạng xã hội nhất là các mạng xã hội trong nước, các trang/cổng thông tin điện tử của cơ quan nhà nước trong việc tuyên truyền các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, thành phố trên các lĩnh vực của đời sống xã hội, góp phần giữ vững ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội.

Hà Nội sẽ xử lý nghiêm tình trạng “báo hóa” mạng xã hội
UBND thành phố yêu cầu Sở TT&TT tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát nội dung thông tin trên báo, tạp chí điện tử, trang thông tin điện tử, mạng xã hội (Ảnh minh họa: Internet)

Cùng với đó, Hà Nội cũng tăng cường thanh tra, kiểm tra, phát hiện vi phạm về cung cấp thông tin trên báo, tạp chí điện tử, trang thông tin điện tử, mạng xã hội và có biện pháp xử lý theo quy định.

Bên cạnh trách nhiệm chủ trì triển khai kế hoạch, Sở TT&TT Hà Nội cũng được UBND thành phố giao triển khai các giải pháp kỹ thuật rà quét thông tin trên báo, tạp chí điện tử, trang thông tin điện tử, mạng xã hội. Tổng hợp, phát hiện thông tin vi phạm pháp luật, đề xuất các biện pháp quản lý thông tin trên môi trường mạng.

Sở TT&TT cũng được yêu cầu phải tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát nội dung thông tin trên báo, tạp chí điện tử, trang thông tin điện tử, mạng xã hội, phát hiện vi phạm pháp luật trên môi trường mạng, có biện pháp xử lý theo quy định.

Siết chặt quản lý trang thông tin điện tử tổng hợp, mạng xã hội

Trước đó, như ICTnews đã đưa tin, tại hội nghị giao ban công tác quản lý nhà nước về thông tin điện tử quý I/2021 vào ngày 8/4, nhận định vẫn còn nhiều trang thông tin điện tử và mạng xã hội để xảy ra sai phạm, dẫn đến phải xử phạt, Giám đốc Sở TT&TT Nguyễn Thanh Liêm đã cho biết: “TT&TT sẽ siết chặt quản lý, ứng dụng công nghệ tự động nhận diện các trang thông tin điện tử tổng hợp, mạng xã hội hoạt động không đúng giấy phép được cấp, nếu phát hiện sai phạm sẽ xử lý nghiêm”.

Đại diện Sở TT&TT Hà Nội cũng cho rằng, các trang thông tin điện tử tổng hợp, mạng xã hội cần rà soát lại thông tin của mình, bám sát giấy phép được cấp và các quy định về hoạt động, khẩn trương khắc phục những lỗi đã được cơ quan quản lý nhà nước chỉ ra để tránh mắc sai phạm.

Theo thống kê, tính đến hết quý I/2021, Hà Nội có 443 doanh nghiệp hoạt động trang thông tin điện tử tổng hợp, với 658 giấy phép thiết lập trang thông tin điện tử tổng hợp do Sở TT&TT Hà Nội cấp. Bộ TT&TT đã cấp 487 giấy phép thiết lập mạng xã hội của 349 doanh nghiệp có trụ sở chính trên địa bàn thành phố.

Liên quan đến vấn đề “báo hóa” mạng xã hội, tại hội thảo “Đánh giá hoạt động thông tin điện tử năm 2020 và định hướng năm 2021” được tổ chức tại TP.HCM vào cuối tháng 11/2020, Cục Phát thanh, truyền hình và thông tin điện tử (PTTH&TTĐT) đã đưa ra nhận định, đang có sự dịch chuyển mạnh từ “báo hoá” trang tin sang “báo hoá” mạng xã hội, các hồ sơ xin phép mạng xã hội gửi đến Bộ TT&TT có tên miền “na ná” với tên miền cơ quan báo chí tăng cao.

Cũng trong năm 2020, các đơn vị chức năng của Bộ TT&TT đã nhận được đơn thư, thông tin phản ánh qua đường dây nóng về tình trạng mạng xã hội cử nhân sự đi thu thập thông tin, tài liệu, viết bài để đăng tải mạng xã hội, hoạt động như cơ quan báo chí. Giao diện các mạng xã hội giống báo điện tử, gồm các chuyên mục, nội dung, bài viết giống với sản phẩm báo chí, nhiều bài thể hiện dưới dạng phóng sự, điều tra….

Đồng thời, đã xuất hiện tình trạng nhà báo thành lập nhiều mạng xã hội cùng với nhiều trang tin điện tử tổng hợp để khi một nội dung được đưa lên thì đồng loạt mạng xã hội, cùng các trang thông tin điện tử tổng hợp do nhà báo này quản trị đều đăng tải nhằm tạo thêm áp lực với đối tượng bị ảnh hưởng.

Vân Anh

'Báo hóa' trang tin đang biến tướng thành 'báo hoá' mạng xã hội

'Báo hóa' trang tin đang biến tướng thành 'báo hoá' mạng xã hội

Theo Cục Phát thanh Truyền hình và Thông tin Điện tử (PTTH&TTĐT), đang có sự dịch chuyển mạnh từ “báo hoá” trang tin sang “báo hoá” mạng xã hội.

Tin công nghệ liên quan khác