‘Giải thưởng VinFuture sinh ra để lắng nghe các nhà khoa học toàn cầu’

17/09/2021

Giải thưởng thúc đẩy đầu tư cho nghiên cứu khoa học

Nhật báo của Ấn Độ dẫn thông tin, trong nhiều năm qua, cộng đồng khoa học đã không ngừng phát triển để đáp lại những thách thức mới của toàn cầu. Trong giai đoạn từ năm 2014 - 2018, theo báo cáo của UNESCO phát hành vào tháng 6/2021, số lượng nhà khoa học trên toàn cầu đã tăng gần 14%. Đáng chú ý, chỉ có 1/3 trong số này là phụ nữ. Báo cáo cũng cho biết, mặc dù ngân sách đầu tư cho các hoạt động nghiên cứu khoa học đã tăng 20% trong giai đoạn này, nhưng phần lớn chi tiêu đang tập trung ở Hoa Kỳ và Trung Quốc.

GS. Novoselov nêu lên thực trạng, nhiều quốc gia lớn trên thế giới đã và đang đầu tư mạnh mẽ vào những “bộ não xuất chúng”, làm “đòn bẩy” để thúc đẩy tiến bộ khoa học trên toàn cầu. Tuy nhiên, dường như “nước chảy chỗ trũng”, nguồn lực dành cho nghiên cứu khoa học ở những nơi có điều kiện kinh tế khó khăn vẫn còn hạn chế.

‘Giải thưởng VinFuture sinh ra để lắng nghe các nhà khoa học toàn cầu’

“Các nhà khoa học ở nhiều quốc gia đang phát triển chưa nhận được sự quan tâm xứng đáng với những nỗ lực và thành tựu của họ. Đơn giản là vì tiếng nói của họ chưa thực sự được lắng nghe. Giải thưởng VinFuture sinh ra để thay đổi điều này. Tôi tin rằng những tài năng lỗi lạc có thể xuất hiện ở bất kỳ quốc gia nào, và tất cả đều xứng đáng được khích lệ”, The Statesman dẫn chia sẻ của GS. Novoselov.

Nhà vật lý học nổi tiếng gốc Nga bày tỏ sự bất ngờ khi ngay trong năm đầu tiên tiếp nhận đề cử, Giải VinFuture đến từ Việt Nam đã thu hút gần 600 đề cử từ 60 quốc gia ở khắp nơi trên thế giới. Theo GS. Novoselov, đây là một kết quả ấn tượng, góp phần thúc đẩy sự đa dạng và bình đẳng trong cộng đồng khoa học trên toàn cầu.

“Sự hưởng ứng rộng rãi của cộng đồng khoa học phản ánh một thực tế là các tài năng ở lĩnh vực khoa học công nghệ đang phát triển đồng đều trên toàn cầu. Tôi nghĩ giải thưởng VinFuture đã góp phần khích lệ, động viên tất cả các nhà khoa học trên thế giới, đồng thời có sự thúc đẩy mạnh mẽ cả ở các quốc gia đang phát triển, tiếp thêm động lực để Chính phủ các quốc gia này đầu tư nhiều hơn cho nghiên cứu khoa học cũng như truyền cảm hứng cho giới trẻ”, ông Novoselov nhấn mạnh.

Không giới hạn độ tuổi, giới tính, quốc gia và lĩnh vực

GS. Novoselov cũng ghi nhận, VinFuture là một trong số ít các giải thưởng khoa học dành sự quan tâm đặc biệt cho nữ giới, vốn là nhóm thiểu số trong khoa học. Theo ông, lẽ ra trong một thế giới lý tưởng, không cần có giải thưởng riêng để vinh danh các nhà khoa học nữ hay ưu tiên một giới tính cụ thể nào. 

“Thật không may, thực tế mà chúng ta đang sống vẫn còn xa với lý tưởng đó. Vấn đề này đã chững lại trong suốt một thời gian dài và vì thế cần những nỗ lực đặc biệt để mọi thứ trở về trạng thái cân bằng. VinFuture tạo ra giá trị bằng cách tôn vinh các nhà khoa học nữ cũng như tạo điều kiện để họ có thể cống hiến và tạo ra những thay đổi tích cực cho nhân loại”, GS. Novoselov nói.

‘Giải thưởng VinFuture sinh ra để lắng nghe các nhà khoa học toàn cầu’

Ngoài GS. Novoselov, The Statesman cũng dẫn lời chia sẻ của TS. Lê Mai Lan - Phó Chủ tịch Tập đoàn Vingroup kiêm Đại diện ủy quyền của Quỹ VinFuture - đơn vị tổ chức giải.

Theo bà Lan, việc không giới hạn độ tuổi, giới tính, quốc gia, lĩnh vực của giải thưởng đã giúp VinFuture thu hút được một lực lượng đông đảo các nhà khoa hoa học và sáng chế. Mỗi đề cử VinFuture đại diện cho một tiếng nói, quan đểm và kinh nghiệm khác nhau, tất cả cùng góp phần cùng thúc đẩy các giải pháp đổi mới và sáng tạo vì lợi ích của nhân loại.

Chủ nhân của giải Nobel Vật lý năm 2010 cũng khẳng định, phải có một cái nhìn bao quát, tổng thể khi nhìn nhận về vai trò của khoa học với những thách thức của toàn cầu.

Ông Novoselov nhấn mạnh: “Nhiệm vụ của khoa học không nên dừng lại ở việc giải quyết các vấn đề. Khoa học nên cung cấp cho chúng ta một bức tranh đầy đủ và chính xác về thế giới mà chúng ta đang sống. Từ đó, chúng ta mới suy nghĩ làm thế nào để tận dụng những tri thức đó để tạo nên một thế giới an toàn và bền vững.

Hiện nay, có thể thấy rằng khoa học đóng vai trò quan trọng trong việc hạn chế tác động của hiện tượng ấm lên toàn cầu cũng như đẩy lùi các bệnh dịch. Tuy nhiên, phải biết nhiều, biết rộng, chúng ta mới có thể hành động hiệu quả. Vẻ đẹp của khoa học đó là đôi khi sẽ mang lại cho chúng ta những kết quả vô cùng bất ngờ, làm tiền đề cho những giải pháp mới mẻ, mang tính đột phá”. 

Theo nhật báo của Ấn Độ, GS. Novoselov là nhà khoa học có ảnh hưởng toàn cầu trong lĩnh vực vật lý vật chất ngưng tụ, vật lý trung mô và công nghệ nano. Ông cùng đồng nghiệp của mình - GS. Andre Geim của ĐH Manchester đã chiến thắng giành giải Nobel Vật lý năm 2010 bằng việc phát minh ra graphene - vật liệu chắc nhất, nhẹ nhất và dẫn điện tốt nhất trên trái đất hiện nay. Ở độ tuổi 36, ông đã trở thành một trong những người trẻ nhất thế giới nhận giải uy tín này.

Ông hiện là một trong 11 thành viên của Hội đồng giải thưởng của VinFuture, quy tụ những nhà khoa học, nhà phát minh uy tín từ các tổ chức giáo dục, nghiên cứu và các tập đoàn công nghệ hàng đầu thế giới. Từ tháng 9/2021, Hội đồng sẽ bắt tay vào đánh giá các đề cử mùa đầu tiên.

(Theo The Statesman)

Tin công nghệ liên quan khác