Gen Z nghĩ gì về mối quan hệ 'trên tình bạn, dưới tình yêu'

02/12/2021
"Bạn là bạn, yêu là yêu. Nếu đã theo đuổi đối phương thì phải theo đuổi đến cùng. Nếu không thấy có chút hi vọng nào để mình nghiêm túc với mối quan hệ đó thì tốt nhất nên tìm người khác".

Situationship hay còn được gọi là mối quan hệ mập mờ, "trên tình bạn, dưới tình yêu", đây là khái niệm dùng để chỉ những mối quan hệ lãng mạn, mập mờ, không có sự cam kết, không "dán nhãn" tình yêu. Situationship cho phép họ ở trong một mối quan hệ lãng mạn mà không phải bận tâm đến thời gian hay dành sự cam kết cho nó.

Gen Z nghĩ gì về mối quan hệ trên tình bạn, dưới tình yêu? - 1

Định nghĩa về mối quan hệ Situationship theo Urban Dictionary (Ảnh: Urban Dictionary).

Đó là khi hai người quan tâm, lo lắng cho nhau trong từng cử chỉ, hành động nhỏ nhặt hàng ngày nhưng lại chẳng thể lên tiếng dưới bất kì danh nghĩa gì. Một mối quan hệ khiến người ta lúc nào cũng mông lung, vô định. "Nhìn nhau giống như người yêu, dù không phải là tình yêu, nhưng chắc chắn không phải tình bạn."

Không thể lùi một bước làm bạn, nhưng cũng chẳng thể tiến thêm bước nữa để làm người yêu. Đó là cảm giác khi một người "sa chân" vào mối quan hệ kiểu "biết là mình thích nhau, còn chuyện xa hơn thôi để tính sau" ấy.

Nhiều người thường ví, mối quan hệ mập mờ giống như đóa hoa quỳnh, tối nở nhưng sáng tàn. Lúc nào cũng chỉ phô diễn trong bóng tối, nhưng lại không có danh phận, càng không có bất cứ vị trí nào.

Gen Z nghĩ gì về mối quan hệ trên tình bạn, dưới tình yêu? - 2

(Ảnh: Ảnh chụp màn hình).

Để tìm hiểu về mối quan hệ này, phóng viên Dân trí đã phỏng vấn một số bạn trẻ Gen Z.

Tình yêu hay tình bạn đều cần được phân định rạch ròi

Đã từng có khoảng thời gian trải qua mối quan hệ "trên tình bạn, dưới tình yêu", N.H.T (22 tuổi, TPHCM) chia sẻ, bản thân anh là người theo "chủ nghĩa" tình yêu đích thực, các mối quan hệ xung quanh hay yêu đương đều phải được phân định rõ ràng, rạch ròi.

Gen Z nghĩ gì về mối quan hệ trên tình bạn, dưới tình yêu? - 3

(Ảnh: Ảnh chụp màn hình).

"Để đúc kết được nhiều điều trong cuộc sống thì mình cũng trải qua khá nhiều chuyện; dĩ nhiên, mình cũng đã từng có một mối quan hệ mập mờ. Trước đây, sau khi chia tay người yêu cũ, mình đã có một mối quan hệ khá mập mờ với một bạn nữ. Nhưng sau cùng, vẫn là cảm giác không phải tình yêu, có lẽ cả hai đứa chỉ là đang tìm kiếm thứ gì đó để khỏa lấp chăng?", N.H.T bộc bạch.

Đồng quan điểm với N.H.T, bạn V.T.T (20 tuổi, TPHCM) cũng cho rằng, bạn là bạn, yêu là yêu. Nếu đã theo đuổi đối phương thì phải theo đuổi đến cùng. Nếu không thấy có chút hy vọng nào để mình cố gắng nghiêm túc với mối quan hệ đó thì tốt nhất nên tìm đối tượng khác. Không nên tự đánh lừa cảm xúc của bản thân hay khiến đối phương cảm thấy khó chịu.

Nói về việc hiện nay, vẫn có một số bạn trẻ "yêu thích" sự mập mờ hơn sự rõ ràng, dẫu biết rằng mối quan hệ mập mờ như vậy sẽ chẳng đi đến đâu, N.B.T (19 tuổi, Hà Nội) thẳng thắn: "Mình nghĩ do giới trẻ có một vấn đề gì đó với sự ràng buộc. Hồi xưa thì ai cũng chỉ muốn có một người để chia sẻ hay yêu thương thôi, nhưng hiện tại thì nó giống như một sợi dây xích mà các bạn trẻ quá sợ để buộc mình vào vậy."

Mối quan hệ lâu dài, tin tưởng lẫn nhau mới là thứ cần được hướng tới

Một số bạn trẻ Gen Z có quan điểm: "Khi không có sự ràng buộc trong mối quan hệ, mình sẽ được tìm hiểu thêm nhiều người, có nhiều đối tượng để chọn lựa hơn. Cảm giác đó thú vị hơn so với việc phải có một mối quan hệ xác định rõ và lâu dài với một người."

Trước quan điểm này, N.B.T (19 tuổi, Hà Nội) cho hay, anh vừa đồng tình, vừa không đồng tình với quan điểm này.

"Đồng ý là việc được tìm hiểu nhiều người cũng là một cái tốt khi mà mình có thể chọn được người tốt nhất cho mình. Tuy nhiên, đó cũng chính là vấn đề, mình sẽ phải chọn. Nếu không chọn mà cứ để sự mập mờ tiếp diễn, thì đến cuối cùng mình sẽ làm tổn thương cảm xúc của người khác, thậm chí là cảm xúc của chính mình", N.B.T giải thích.

Khác với N.B.T, hai bạn N.H.T và V.T.T đều không đồng tình trước quan điểm trên. N.H.T cho rằng giới trẻ bây giờ có lẽ cảm thấy thú vị hơn khi được nhiều người tìm hiểu và quan tâm. Nhưng với anh, khi muốn yêu ai thì nên dành thời gian nghiêm túc tìm hiểu và bên cạnh người mình yêu.

Gen Z nghĩ gì về mối quan hệ trên tình bạn, dưới tình yêu? - 4

(Ảnh: Ảnh chụp màn hình).

"Cái nhìn này mình thấy cũng thực tế. Nhưng giả dụ người ấy cũng có tình cảm với bạn, cũng muốn tìm hiểu bạn một cách nghiêm túc thì việc bạn đẩy họ vào trong một mối quan hệ mập mờ thực sự là điều rất tệ. Bạn có thể mập mờ với những người có cùng suy nghĩ trong quan điểm về chuyện tình cảm với bạn. Đừng gieo hy vọng cho một ai", V.T.T nói.

Theo Dân Trí

Gen Z: Tỉ lệ rối loạn tâm lý stress, trầm cảm... ngày càng tăng

Gen Z: Tỉ lệ rối loạn tâm lý stress, trầm cảm... ngày càng tăng

Cuộc sống hiện đại khiến Gen Z phải đối mặt với vô vàn áp lực; họ phải "chạy đua" với tốc độ phát triển của thời đại, nên tỉ lệ rối loạn tâm lý ở lứa tuổi này ngày càng gia tăng.