Bố tôi hóm hỉnh, chưa bao giờ đánh mắng con
Di chứng từ chiến tranh và những vết thương từ chiến trường khiến sức khỏe của bố suy giảm. Bố tôi là thương bệnh binh, hưởng trợ cấp xã hội. Ngày chúng tôi đi học, được miễn giảm học phí.
Rời chiến trường, trở về với gia đình, bố tôi đi chợ buôn gà nên ngày đi học, chúng tôi được bạn bè đặt biệt danh có thêm chữ "gà". Lũ bạn có thể gọi sau lưng hoặc gọi thẳng trước mặt.
Ngày ấy tôi cũng bực và tự ái, nhưng lâu dần thành quen không nghĩ gì nữa. Bố cùng mẹ làm ruộng, chăn nuôi, tất bật suốt ngày. Sau này khi tôi lên lớp 7, bố mua quán ven sông gần đình Hạ, bán phụ tùng và sửa xe đạp, bán kem túi.
Bố làm mọi việc với tốc độ chậm khiến mẹ tôi rất sốt ruột. Thực ra cũng vì sức khỏe bố sa sút nhiều. Bố ăn ít cơm, bữa cơm lúc nào cũng có chén rượu, quả ớt. Bố thích uống chè mạn, hút thuốc lào phả khói mù mịt.
Đến mùa cấy, bố có nhiệm vụ nhổ mạ cho mấy mẹ con cấy lúa. Mùa gặt, bố cắt lúa, gánh lúa, bốc lúa lên xe công nông chở lúa về nhà. Thời ấy sao mà gian khó, là nỗi niềm chung của cả một thế hệ: Đi làm bạc mặt với đồng ruộng, bữa cơm đơn sơ chút đậu phụ, cá kho, lạc rim mắm, ao ước lắm thì độ nửa tháng được ăn thịt lợn rang đậm với mắm muối.
Ngày ấy lũ chúng tôi chỉ mong đến ngày Rằm tháng Bảy, bố đi chợ mua thịt chân giò về luộc, xương nấu canh bí xanh hoặc khoai tây, sang hơn thì có con gà rang chia ăn mấy bữa.
Ngày Tết, bố tôi đặt bác Cầu giò 2 cân giò lụa ăn Tết. Bố làm gà cúng đêm Giao thừa, gà được ngậm bông hoa hồng rất điệu. Mâm ngũ quả có thêm cành hoa bưởi. Sau này cây bưởi chặt đi, tôi cứ tiếc mãi.
Từ con đường này rẽ xuống cánh đồng Chùa Am (xã Phù Lưu Tế -Mỹ Đức – Hà Nội) là nơi bố tôi yên nghỉ! |
Tôi là đứa con thừa hưởng tính cách của bố: Thích đi chơi, ăn quà bánh, làm các việc từ từ thong thả, chẳng vội vàng hấp tấp gì. Ngày đi làm, lương đường sắt lẹt đẹt mấy trăm nghìn nhưng tôi vẫn ngồi vắt vẻo ăn bánh cuốn hoặc bún chả, vừa ăn sáng vừa ngắm trời đất.
Đại ý là phố ga bán thứ quà sáng gì, tôi phải thưởng thức bằng hết. Lại còn đặt ra chỉ tiêu là phải xuống trung tâm thị trấn để hưởng nốt mấy món ngon khác… Tôi còn phải đến Bờ Hồ ghé Phở Thìn, bún chả Hàng Quạt xem khác phở bún Đông Anh điểm gì?
Bố tôi gói bánh chưng ngày Tết cực ngon. Trước khi gói, bố sai chị em tôi đi hái lá giềng về giã nát, vắt nước trộn vào gạo nếp. Nhân bánh phải có thịt ba chỉ ướp bột canh, nước mắm, tiêu xay đậm đà đúng vị. Những chiếc bánh chưng do bố tôi gói thường vuông vắn và đẹp mắt. Bóc bánh chưng, thấy xanh rờn màu cốm. Bố gói nhiều bánh chưng, ngày Tết các anh nhà bác ở Hồng Sơn lên, bố cho mỗi anh 1-2 cái làm quà.
Ngày ba anh em tôi lập gia đình, bố đưa các con gái về nhà chồng, lo cưới xin cho con trai trong miền Nam. Tính bố hóm hỉnh, hồi tôi dẫn người yêu về quê, bố tôi hỏi: “Thế anh có định lấy nó không, yêu chơi bời thì đi chỗ khác để con gái tôi còn lấy chồng…”.
Thời ấy, làm gì có điện thoại mà chụp ảnh như bây giờ. Ngày tôi cưới, không có bức ảnh nào chụp chung bố mẹ và anh em trong nhà. Ngày chúng tôi nhỏ, gia đình tôi cũng không có thói quen chụp ảnh gia đình. Thế nên tôi không có lấy một bức ảnh nào chụp chung với bố.
Chúng ta có khi rất chu đáo với các mối quan hệ xã giao bên ngoài, nhưng với người thân yêu ruột thịt trong gia đình, đôi khi lại thờ ơ và vô tâm. Chúng ta cứ nghĩ, tình yêu thương gia đình là suối nguồn trong trẻo dạt dào vô biên tắm mát cuộc đời mình mãi mãi. Nên có những điều nhỏ nhoi mà mình chưa kịp làm trong đời như chụp ảnh với bố để rồi sau này cứ tiếc mãi…
Có những thứ bố di truyền lại cho tôi là niềm đam mê trồng cây, trồng hoa phủ xanh hiên nhà. Có những điều tôi không học được từ bố, ấy là việc tôi rất nóng tính khi các con hư hỗn. Khi đó, chúng sẽ bị tôi cho ăn đòn… Mãi sau này, khi dạy con, nghĩ đến bố, tôi mới thuần hậu hơn một chút.
Mỗi người con sẽ đều nhớ về bố với những hồi ức tuổi thơ êm đềm như thế…
Nguyễn Loan (Đông Anh, Hà Nội)
Mời độc giả tham gia gửi bài viết chủ đề "Cha mẹ trong tim tôi" về địa chỉ email: bandoisong@vietnamnet.vn. Các bài viết phù hợp sẽ được đăng trên VietNamNet. Trân trọng! |
Cha tôi, một 'tay chơi' có số
Là một “đại tá điền” chính hiệu nhưng cha tôi là người có con mắt tinh đời trong mua sắm tài sản, thậm chí là một “tay chơi” có tầm nhìn, biết người biết của.
Kinh nghiệm hay liên quan khác
- Chàng trai du lịch vòng quanh thế giới suốt 10 năm
- Cuộc sống bên trong trại tị nạn, nhà container của người Việt rời Ukraine
- 43 tuổi, một lần 'lỡ' cùng bạn thân của vợ, tôi đau đớn tột cùng
- Chú rể đi ô tô đến gần nhà gái, nước ngập phải chèo thuyền hỏi vợ
- Cuộc thử nghiệm làm việc 4 ngày/tuần lớn nhất thế giới
- 'Thầy Công Ninh' tiết lộ cách tán đổ học trò kém 21 tuổi
- 9X đi tìm mặt bằng kinh doanh, gặp bạn trai như ý
- Mẹ đi xe máy 94 ngày, qua 25 quốc gia để thăm con
- Chồng lương thấp đưa 5 triệu/tháng, đọc tin nhắn anh gửi vợ cũ tôi rụng rời
- Khan hiếm người mang thai hộ ở Mỹ
- Người phụ nữ béo nhất thế giới có ngoại hình bất ngờ sau 10 năm
- Con khóc, mẹ luống cuống lái xe lao xuống hồ
- 'Dị nhân' gần nửa thế kỷ không ngủ bây giờ ra sao?
- Hầu hết đàn ông đều có những suy nghĩ này khi ngoại tình
- Những điều nên làm trong Tết Thanh minh
- Những kiêng kỵ trong ngày Tết Thanh minh
- Mâm lễ cúng Tết Thanh minh đầy đủ, chi tiết
- Hàng nghìn con rắn quấn dày đặc trên cây ở miền Tây
- Phát hiện chồng ngoại tình trong căn biệt thự bỏ hoang
- Bài cúng Tết Thanh minh năm 2022