Bộ TT&TT lên kế hoạch đưa các hộ sản xuất nông nghiệp cả nước lên sàn TMĐT

22/07/2021
Vietnam Post và Viettel Post, 2 doanh nghiệp sở hữu các sàn Postmart, Vỏ Sò được Bộ TT&TT giao chủ trì triển khai kế hoạch “Hỗ trợ đưa hộ sản xuất nông dân lên sàn thương mại điện tử, thúc đẩy phát triển kinh tế số nông nghiệp, nông thôn”.

Thúc đẩy phát triển kinh tế số nông nghiệp, nông thôn

Kế hoạch “Hỗ trợ đưa hộ sản xuất nông dân lên sàn thương mại điện tử (TMĐT), thúc đẩy phát triển kinh tế số nông nghiệp, nông thôn” vừa được Bộ TT&TT ra quyết định phê duyệt.

Kế hoạch hướng tới mục tiêu đưa các hộ sản xuất nông nghiệp, hộ kinh doanh cá thể, hợp tác xã, tổ hợp tác (gọi chung là hộ sản xuất nông nghiệp) đăng ký tham gia các sàn TMĐT để kết nối, quảng bá, giới thiệu sản phẩm, thêm các kênh phân phối mới, mở rộng thị trường trong nước và quốc tế. 

Đồng thời, hỗ trợ hộ sản xuất nông nghiệp đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp trên các sàn TMĐT; thúc đẩy tiêu thụ nhanh, tránh ùn ứ nông sản khi cao điểm thu hoạch, giúp người dân giữ giá nông sản, không phụ thuộc vào thương lái, trung gian. 

Bộ TT&TT lên kế hoạch đưa các hộ sản xuất nông nghiệp cả nước lên sàn TMĐT

Thông qua các sàn TMĐT và nền tảng số, cung cấp thông tin hữu ích cho các hộ sản xuất nông nghiệp như thông tin thị trường nông sản, dự báo nhu cầu và năng lực sản xuất nông sản, thông tin thời tiết, mùa vụ, giống, phân ... Lựa chọn đưa lên sàn TMĐT các sản phẩm, nguyên liệu, vật tư đầu vào, công cụ phục vụ sản xuất nông nghiệp thương hiệu uy tín, chất lượng tốt, giá cả phù hợp để giới thiệu, cung cấp cho các hộ sản xuất nông nghiệp.

“Việc đẩy mạnh kết nối tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp của các địa phương cả nước thông qua các sàn TMĐT là giải pháp quan trọng để phát triển kinh tế số nông nghiệp, nông thôn”, Bộ TT&TT nhấn mạnh.

Bộ TT&TT giao nhiệm vụ cho 2 doanh nghiệp bưu chính sở hữu các sàn TMĐT Postmart, Vỏ Sò là Tổng công ty Bưu điện Việt Nam (Vietnam Post) và Tổng công ty Bưu chính Viettel (Viettel Post) chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị thuộc Bộ và các sở, ban, ngành đầu mối liên quan của địa phương thực hiện kế hoạch.

Bộ TT&TT vừa đề nghị UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương tạo điều kiện cho Vietnam Post, Viettel Post triển khai kế hoạch tại địa phương. Đồng thời, Bộ cũng đề nghị UBND các tỉnh, thành phố giao đầu mối chịu trách nhiệm cho Sở TT&TT chủ trì, phối hợp với các Sở: NN&PTNT, Công Thương, UBND các huyện, xã và các cơ quan, đơn vị liên quan cùng các doanh nghiệp bưu chính thực hiện kế hoạch.

Ba nhóm hoạt động chính

Hỗ trợ đưa hộ sản xuất nông nghiệp lên sàn TMĐT, hỗ trợ đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp và hỗ trợ cung cấp thông tin, nguyên liệu đầu vào phục vụ sản xuất, kinh doanh là 3 nhóm nội dung chính của kế hoạch mới được Bộ TT&TT phê duyệt.

Trong đó, để hỗ trợ đưa hộ sản xuất nông nghiệp lên sàn TMĐT, sẽ hướng dẫn, đào tạo kỹ năng số, kỹ năng tham gia hoạt động trên môi trường số; hướng dẫn đăng ký tài khoản để đưa sản phẩm lên sàn; hướng dẫn đăng ký tài khoản thanh toán trực tuyến và thực hiện quy trình đóng gói – kết nối – giao nhận để hộ sản xuất nông nghiệp tác nghiệp trong quá trình kết nối mua bán trên sàn TMĐT.

Kết quả được đánh giá bằng các chỉ tiêu cụ thể về số hộ sản xuất nông nghiệp được đào tạo, tập huấn; số hộ có tài khoản bán hàng/gian hàng trên sàn TMĐT; số hộ có tài khoản thanh toán điện tử.

Bộ TT&TT lên kế hoạch đưa các hộ sản xuất nông nghiệp cả nước lên sàn TMĐT
Mô hình hướng dẫn triển khai kế hoạch “Hỗ trợ đưa hộ sản xuất nông dân lên sàn TMĐT, thúc đẩy phát triển kinh tế số nông nghiệp, nông thôn”.

Việc hỗ trợ đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp sẽ được triển khai thông qua các hoạt động như: quảng bá, giới thiệu sản phẩm nông nghiệp trên kênh phân phối hiện đại và bền vững thông qua nền tảng số, mở rộng thị trường trong nước và quốc tế; thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp nhanh, tránh ùn ứ nông sản khi cao điểm thu hoạch, giúp người dân giữ giá nông sản, không bị thương lái ép giá.

Cùng với đó, giúp người dân các địa phương khác trong nước và quốc tế có thể mua sản phẩm một cách nhanh chóng kể cả trong bối cảnh hạn chế đi lại do dịch bệnh. Đặc biệt là hỗ trợ gắn sản phẩm với thương hiệu cụ thể của từng hộ sản xuất nông nghiệp, đảm bảo chất lượng sản phẩm nông nghiệp cung cấp tới người tiêu dùng thông qua sàn TMĐT.

Đối với nội dung về hỗ trợ cung cấp thông tin, nguyên liệu đầu vào phục vụ sản xuất kinh doanh, kế hoạch nêu rõ, sẽ cung cấp thông tin hữu ích cho các hộ sản xuất nông nghiệp như thông tin thị trường nông sản, dự báo nhu cầu và năng lực sản xuất nông sản, thông tin thời tiết, mùa vụ…

Cung cấp các sản phẩm, nguyên liệu, vật tư đầu vào có thương hiệu, đảm bảo chất lượng và phù hợp với nhu cầu của hộ sản xuất nông nghiệp để phục vụ hoạt động sản xuất, kinh doanh. Đồng thời, có chính sách ưu đãi cho hộ sản xuất nông nghiệp khi mua sắm sản phẩm, nguyên liệu, vật tư đầu vào phục vụ sản xuất kinh doanh trên sàn TMĐT. 

Lần đầu tiên có sự vào cuộc đồng bộ của các bộ, ngành, địa phương thông qua việc Bộ TT&TT thúc đẩy các doanh nghiệp bưu chính hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm nông sản qua các TMĐT. Trong 6 tháng đầu năm 2021, tổng số hộ nông dân lên sàn TMĐT là 7.987 hộ, tăng 191% so với cùng kỳ năm 2020; số lượng sản phẩm nông sản đưa lên sàn TMĐT là 14.594 sản phẩm, tăng 268%; tổng giá trị sản phẩm nông sản giao dịch trên sàn TMĐT là 944 tỷ đồng, tăng 293% so với cùng kỳ năm ngoái.

Đây cũng là lần đầu Việt Nam có nông sản, cụ thể là vải thiều Bắc Giang được xuất khẩu sang thị trường Châu Âu theo mô hình "Thương mại điện tử xuyên biên giới" trên nền tảng TMĐT “Make in Viet Nam”. Lần đầu tiên tại Việt Nam, chỉ riêng với sản phẩm Vải thiều Bắc Giang, có gần 10 triệu lượt truy cập vào 2 sàn Postmart, Vỏ Sò đã tiêu thụ 8.280 tấn vải, đạt giá trị giao dịch gần 250 tỷ đồng; xuất khẩu được gần 140 tấn vải đi châu Âu, Nhật, Úc...

Vân Anh

Chuyển đổi số nông nghiệp Việt Nam: Lấy nông thôn bao vây thành thị

Chuyển đổi số nông nghiệp Việt Nam: Lấy nông thôn bao vây thành thị

Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho rằng, với 60-70% dân số Việt Nam là nông dân thì chính họ mới là người quyết định thắng lợi của công cuộc chuyển đổi số Việt Nam.

Tin công nghệ liên quan khác