Bị phản đối, vì sao văn hóa 996 vẫn tồn tại ở Trung Quốc?

10/06/2021
996 là cách sống, cách làm việc cực đoan đã dẫn đến cái chết của nhiều người lao động tại Trung Quốc.

Theo SCMP, hai nhân viên tại Pinduoduo, một nền tảng công nghệ lớn ở Trung Quốc đã tử vong do làm việc quá sức vào đầu tháng 1 năm nay. Không chỉ riêng Pinduoduo, nhiều công ty ở quốc gia này yêu cầu nhân viên phải làm thêm vài ngày trong một tháng.

"Quy luật cá lớn nuốt cá bé đã khiến nhiều người lao động phải trả giá đắt về mặt thể chất lẫn tinh thần", Yang Guoqing, một giảng viên tại Trung tâm Thẩm định Nhân sự Hiện đại Trung Quốc chia sẻ.

Van hoa lao dong lao luc 996 anh 1

Pinduoduo ép buộc nhân viên làm việc quá sức. Ảnh: SCMP.

Ý nghĩa của văn hóa làm việc 996

Thuật ngữ 996 phổ biến nhất ở các công ty công nghệ của Trung Quốc có nghĩa lao động từ 9 giờ sáng đến 9 giờ tối, 6 ngày một tuần. Theo thời gian, 996 đã ngầm trở thành một tiêu chuẩn ở nhiều công ty lớn. Ai không đáp ứng được cường độ làm việc 12 tiếng một ngày này nhiều khả năng sẽ bị đào thải.

Nhiều người cho rằng 996 là một cách để thể hiện sự tận tụy và chú tâm vào công việc. Họ tin nỗ lực vượt bậc của bản thân sẽ góp phần đem lại thành công cho doanh nghiệp.

Một công ty công nghệ tại Bắc Kinh cho biết nhiều giám đốc sẽ "tuần tra" tại các văn phòng vào buổi tối để xem những nhân viên nào còn ở lại làm việc và đánh giá tốt cho họ. Nhân viên tan làm lúc 6 giờ tối cũng bị xem là về sớm.

Van hoa lao dong lao luc 996 anh 2

Huawei là một trong những công ty trả thêm tiền cho nhân viên làm quá giờ. Ảnh: AP.

Tình trạng tử vong do làm việc quá sức của người lao động Trung Quốc đang là vấn đề đáng lo ngại. Năm 2015, một lập trình viên của công ty Tencent đã đột tử khi đang đi bộ với vợ. Một năm sau đó, biên tập viên của diễn đàn trực tuyến Tianya cũng đã tử vong ngay trong bến xe điện ngầm Bắc Kinh. Năm 2018, nhân viên 25 tuổi của DJI, một nhà sản xuất drone tử vong đột ngột. Cả ba người đều qua đời do vấn đề có liên quan đến việc lao động quá sức.

Phản ứng dữ dội trước áp lực 996

Năm 2019, một lập trình viên ẩn danh với tên gọi "996icu" đã dẫn đầu làn sóng phản đối phong trào này trên nền tảng trực tuyến GitHub của Microsoft. Anh cho rằng 996 là một mối nguy hại cho sức khỏe người lao động. Làn sóng này đã nhận được sự đồng cảm từ nhiều nhân viên trên khắp các mạng xã hội Trung Quốc.

Họ còn lập một danh sách đen liệt kê những công ty với số giờ lao động nhiều quá mức, đa số là các ông lớn công nghệ tại nước này.

Van hoa lao dong lao luc 996 anh 3

Jack Ma yêu cầu nhân viên thực hiện văn hóa 996. Ảnh: Xinhua.

Giữa làn sóng dư luận, Jack Ma, người sáng lập Alibaba đã lên tiếng ủng hộ phong trào 996.

"Đây là một diễm phúc mà nhiều doanh nghiệp hay nhân viên không có", ông nói. Jack Ma cho rằng 996 là yếu tố giúp nền khoa học kỹ thuật Trung Quốc phát triển vượt bậc được như ngày hôm nay.

Ngoài ra, vị CEO cũng đã thẳng thừng yêu cầu nhân viên của Alibaba phải thực hiện phương châm làm việc này. "Nếu đã làm việc tại Alibaba, bạn phải sẵn sàng lao động 12 tiếng một ngày. Ở đây chúng tôi không chấp nhận người an phận với mức 8 tiếng làm việc", Jack Ma chia sẻ. Nhiều nhân vật có tiếng khác trong lĩnh vực công nghệ Trung Quốc cũng đã ủng hộ quan điểm của ông.

Các chuyên gia cho rằng hiện tượng này bắt nguồn từ tốc độ tăng trưởng giảm dần của nền kinh tế Trung Quốc. Nhiều công ty đã phải cắt giảm nhân sự, khiến những nhân viên còn trụ lại phải nhận khối công việc lớn hơn. Bối cảnh dịch bệnh phức tạp (COVID-19) càng làm thị trường cạnh tranh ngày càng khắc nghiệt.

Liệu 996 có thay đổi trong tương lai?

Theo một nghiên cứu của Tạp chí Dịch tễ học Mỹ (American Journal of Epidemiology), làm việc nhiều chưa chắc đã đem lại năng suất tốt. Họ nhận thấy người lao động làm việc hơn 55 tiếng một tuần sẽ có trí nhớ và sức tập trung kém hơn người làm ít hơn 41 tiếng.

Hiện nay, nhiều công ty khởi nghiệp đã áp dụng phương châm trái ngược hoàn toàn với 996. Họ hoạt động với một nhịp làm việc chậm và chú trọng vào đời sống tinh thần của nhân viên hơn. Những công ty này còn được ví như "doanh nghiệp phật thủ".

Một khảo sát trên diễn đàn tuyển dụng Zhilian Zhaopin vào năm 2019 cho thấy hơn 70% trong số 10.000 người được khảo sát phải làm thêm giờ không công. Nhiều người vẫn chấp nhận cường độ làm việc này nếu họ được trả công đủ.

"Nếu mức lương xứng đáng với công sức bỏ ra, tôi nghĩ văn hóa 996 cũng không phải tệ", một nhân viên tại Thẩm Quyến nói với SCMP.

Theo Zing/SCMP

Từ chối lương 3,2 tỷ đồng mỗi năm vì văn hoá "996"

Từ chối lương 3,2 tỷ đồng mỗi năm vì văn hoá "996"

Một số người sống tại Anh từ chối về làm việc tại TikTok vì lo ngại văn hóa làm việc “996” khắc nghiệt.  

Tin công nghệ liên quan khác