Bé 9 tuổi tự sắp xếp đám tang, khi mất để lại thư cứu sống 7 người

02/04/2022
"Bố, con đến từ mùa thu, con muốn chết vào mùa thu, lúc đó lúa mì và ngô nhà ta đã chín, hoa màu rất đẹp. Con muốn bố chôn con ở sau nhà chúng ta, vì như vậy con mới được ở gần bố”.

Năm 2020, một bộ phim có tên “Nhìn lên thiên đàng” được công chiếu tại Trung Quốc đã lấy đi nước mắt của rất nhiều người. Ít ai biết rằng, bộ phim được sản xuất dựa trên một câu chuyện có thật ở Tứ Xuyên.

Bé gái bị bỏ rơi bên đường

Ngày 2/12/1996 trên đường đi làm, Sĩ Hữu phát hiện một bé gái bị bỏ rơi bên đường. Đứa trẻ nằm trong thùng carton, khuôn mặt đỏ bừng vì lạnh. Trong thùng có một mảnh giấy ghi "0:00 ngày 22 tháng 10".

Sĩ Hữu sống trong một ngôi làng nhỏ ở thị trấn Vĩnh Hưng, Thành Đô, Tứ Xuyên, Trung Quốc.

Xuất thân nghèo khó, đã 30 tuổi và vẫn chưa lập gia đình nên khi nhìn thấy đứa trẻ, Sĩ Hữu rất băn khoăn: “Nếu nhận nuôi thì việc kiếm vợ sẽ khó hơn, nhưng nếu bỏ mặc, đứa trẻ sẽ ra sao?”.

Nghĩ vậy, Sĩ Hữu cứ bế đứa trẻ lên rồi lại đặt xuống lưỡng lự. Cuối cùng, anh quyết định mang đứa trẻ về nhà: "Tôi không có nhiều tiền, sau này tôi ăn gì thì con ăn nấy nhé".

Vì đứa trẻ được sinh ra vào mùa thu nên Sĩ Hữu đặt tên cho con là Xà Diễm. Kể từ đó, chàng trai chưa vợ chính thức trở thành cha của một đứa trẻ.

Bé 9 tuổi tự sắp xếp đám tang, khi mất để lại thư cứu sống 7 người
Ảnh chụp từ bộ phim Nhìn lên thiên đàng.

Sĩ Hữu không đủ khả năng mua sữa bột nên anh phải cho Xà Diễm ăn súp kê. Sợ Xà Diễm thiếu dinh dưỡng, cứ thấy ai trong làng sinh em bé, anh lại bế con qua và xin một ít sữa mẹ để uống.

Xà Diễm càng lớn càng ngoan. Mới 5 tuổi, cô bé đã giúp bố giặt giũ, dọn dẹp nhà cửa. Khi bố đi làm, cô bé lại cần mẫn chuẩn bị đồ và đứng lên chiếc ghế nhỏ nấu ăn.

Xà Diễm lớn hơn một chút, Sĩ Hữu gửi con đến trường. Cô bé luôn thể hiện mình là người lạc quan, thông minh và luôn đứng đầu lớp về thành tích học tập. Các giáo viên trong trường rất thích cô bé. Những người hàng xóm cũng quý Xà Diễm. Họ thường nói với Sĩ Hữu rằng, “cuộc đời này, anh đã rất may mắn khi có một cô con gái tốt như vậy”.

Những ngày tháng đó, cuộc sống của hai cha con tuy không giàu sang nhưng rất hạnh phúc. Không ngờ năm 2005, tai họa lại ập xuống gia đình Sĩ Hữu.

Hôm đó, Xà Diễm rửa mặt, máu mũi chảy xuống, đỏ lòm cả chậu nước. Sĩ Hữu nhận ra điều bất thường nên ngay lập tức đưa con gái đến nhà bác sĩ ở trong làng.

Bác sĩ tiêm thuốc cầm máu cho cô bé, nhưng điều không ngờ là ngay cả vết tiêm cũng bắt đầu chảy máu không kiểm soát được. Những nốt đỏ với nhiều kích cỡ thi nhau xuất hiện trên cánh tay và chân của Xà Diễm. Thấy vậy, bác sĩ hốt hoảng nói: “Đứa trẻ có bệnh rồi, hãy đưa ngay đến bệnh viện lớn”.

Sĩ Hữu không dám chậm trễ, liền đưa con gái đến bệnh viện ở Thành Đô. Đến nơi, sợ máu chảy ra làm bẩn sàn, Xà Diễm phải cầm chiếc xô để hứng. Một y tá đi ngang qua, nhìn thấy Xà Diễm với chiếc xô đựng máu và khuôn mặt tái mét liền hô to: "Đây là con của ai, đến bác sĩ với tôi ngay lập tức".

Sau đó, với sự giúp đỡ của các bác sĩ, tình trạng chảy máu cam của Xà Diễm đã ngừng. Nhưng Sĩ Hữu lại nhận được tin xấu hơn: Đứa trẻ bị bệnh bạch cầu cấp tính, cần phải phẫu thuật gấp với chi phí khoảng 300.000 tệ (gần 1,1 tỷ đồng theo tỷ giá hiện tại).

Điều này chẳng khác gì sét đánh bên tai Sĩ Hữu, nhưng vì sức khỏe của con, anh lập tức làm thủ tục nhập viện. Sau đó, Sĩ Hữu giao trách nhiệm chăm sóc Xà Diễm cho em gái Phó Diễm, còn mình về nhà tìm cách kiếm tiền.

Tối hôm đó, Sĩ Hữu đi hết nhà này đến nhà khác trong làng để vay tiền. Nghe tin, ai cũng chung tay giúp đỡ, một số người già còn lấy tiền trợ cấp để đưa cho Sĩ Hữu, hy vọng sẽ cứu được Xà Diễm.

Nhưng dù vậy, Sĩ Hữu cũng chỉ thu được 10.000 tệ, một con số rất nhỏ so với 300.000 tệ phí điều trị.

Trong cơn tuyệt vọng, Sĩ Hữu - người đàn ông nghèo khó nhưng luôn có lòng tự trọng đã quỳ gối trước một gia đình giàu có và van xin họ giúp đỡ con gái đang bị đe dọa mạng sống của mình. Nhưng 300.000 tệ là một con số không dễ gì chia sẻ.

Thấy anh trai khổ sở đi vay tiền mà không được, em gái của Sĩ Hữu đề nghị: "Hay cứ bỏ đứa trẻ lại bệnh viện, họ sẽ không để con bé chết đâu”.

Sĩ Hữu rất tức giận khi nghe điều này. Anh nghiến răng: "Con bé đã bị bỏ rơi một lần rồi. Nếu chúng ta bỏ con bé một lần nữa, đứa trẻ sẽ rất buồn!".

Bé 9 tuổi tự sắp xếp đám tang, khi mất để lại thư cứu sống 7 người
Ảnh chụp từ bộ phim Nhìn lên thiên đàng.

Xà Diễm là một đứa trẻ nhạy cảm, biết mình bệnh nặng và cũng biết cha không có tiền, cô nghĩ mọi cách để giảm áp lực cho cha. Cuối cùng, Xà Diễm nhớ đến lời chú hàng xóm từng nói, vẽ tranh cũng có thể kiếm tiền nên quyết định cầm bút vẽ.

Đến khi nhìn thấy người cha mệt mỏi và thất thểu trở về, cô bé mới dừng chiếc bút lông trên tay và viết lên tờ giấy: "Con tự nguyện từ bỏ điều trị". Sau đó, Xà Diễm ôm lấy cổ cha thủ thỉ: "Bố, về nhà thôi. Con còn sống đến bây giờ đã là một điều may mắn rồi".

Sĩ Hữu ôm chặt con gái mình, trên đời này không ai yêu Xà Diễm hơn anh, nhưng anh không thể cứu con bé.

Sau khi trở về nhà, Xà Diễm lại nói với cha: "Bố ơi, con muốn mua một chiếc váy mới và chụp một bộ ảnh thật đẹp". Sĩ Hữu lập tức đưa con gái đi dạo phố mua váy mới, đến studio chụp ảnh.

Đây là bức ảnh đầu tiên của Xà Diễm kể từ khi cô xuất hiện trong cuộc đời. Trong ảnh, cô bé trông gầy yếu nhưng ánh mắt và nụ cười lại ngọt ngào lạ thường.

"Bố, con đến từ mùa thu, con muốn chết vào mùa thu, lúc đó lúa mì và ngô nhà ta đã chín, hoa màu rất đẹp. Con muốn bố chôn con ở sau nhà chúng ta, vì như vậy, con mới được ở gần bố”, Xà Diễm nhìn bố nói.

Sĩ Hữu cố gắng hết sức để kìm nén tiếng nghẹn ngào. Anh cầm chặt tấm ảnh của con gái, nước mắt không ngừng rơi…

Lá thư cứu sống 7 người

Câu chuyện về hai bố con khi đó được một phóng viên viết và đăng tải trên tờ Tin tức buổi tối Thành Đô với tựa đề: “Bé gái 8 tuổi tự sắp xếp tang lễ cho chính mình”.

Bài báo ngay lập tức gây gây xôn xao dư luận. Nhiều người đã hào phóng quyên góp để Xà Diễm có tiền chữa bệnh. Số tiền quyên góp lên tới 560.000 tệ chỉ sau 10 ngày.

Có tiền từ các mạnh thường quân, Xà Diễm được gửi đến Bệnh viện Nhi đồng Thành Đô để tiếp tục điều trị.

Bé 9 tuổi tự sắp xếp đám tang, khi mất để lại thư cứu sống 7 người

Khi bác sĩ đưa một cây kim dài chọc vào cơ thể, Xà Diễm không hề khóc. Sự kiên cường của Xà Diễm khiến tất cả nhân viên y tế, đặc biệt là bác sĩ Từ Minh cảm động.

Một hôm, bà nhẹ nhàng bước đến bên Xà Diễm và nói: "Cô gái bé bỏng, con có phiền không nếu ta muốn làm mẹ của con?”. Xà Diễm đang nằm trên giường bệnh lập tức bị cảm động bởi sự ấm áp này. Cô bé ôm chầm lấy bác sĩ Từ và thốt lên một tiếng: "Mẹ Từ".

Xà Diễm chưa bao giờ được gọi tiếng “Mẹ”. Cô bé chỉ biết mẹ của những đứa trẻ khác rất tốt, nhưng bản thân thì không biết cảm giác có mẹ sẽ như thế nào? Bây giờ cuối cùng cô bé cũng cảm nhận được tình yêu ấy từ bác sĩ Từ. “Hóa ra đây là cảm giác được gọi mẹ”.

Một ngày nọ, Xà Diễm đang chạy chân trần trên hành lang, bác sĩ Từ nhìn thấy liền bế cô bé vào giường bệnh: "Sao con không đi tất?". "Con không có tất, mẹ Từ". Theo nhận thức của Xà Diễm, chỉ những người giàu có mới có thể đi tất.

Bác sĩ Từ mua cho Xà Diễm hai đôi tất trắng khiến cô bé rất vui. "Mẹ Từ, mẹ có thể ban cho con một điều ước nữa được không? Con muốn một đôi giày đỏ để đi với tất trắng. Đó là thứ mà Bạch Tuyết đã mang", Xà Diễm ghé vào tai mẹ nói nhỏ.

Thực ra, Xà Diễm chưa bao giờ xin ai bất cứ điều gì, nhưng lúc đó, trong đầu cô bé đã nghĩ đến chuyện sẽ rời đi một cách đẹp đẽ.

Khi nhận được đôi giày đỏ, Xà Diễm ôm chặt vào lòng, không dám để xuống đất. Đó là đôi giày mới đầu tiên mà cô bé được sở hữu.

Thấy con gái vui như vậy, Sĩ Hữu cũng nở một nụ cười nhẹ nhõm. Anh ước, khoảnh khắc vui vẻ ấy sẽ kéo dài mãi mãi. Nhưng ngày tháng trôi qua, Xà Diễm ngày càng trở nên phờ phạc. Mặc dù bệnh bạch cầu đã được cải thiện nhưng tác dụng phụ của hóa trị đã khiến cô bé trải qua một loạt bệnh như sốc nhiễm trùng, sốt xuất huyết, sốt cao và ớn lạnh…

Có những lúc, Xà Diễm rơi vào tình trạng nguy hiểm. Cô bé bị hôn mê nhưng rồi lại tỉnh lại. Khi đó, Xà Diễm lại lau nước mắt, không quên an ủi bố và mẹ Từ bên cạnh.

Nhưng ngày 22/08/2005, Xà Diễm đã ra không thể qua khỏi. Cô mang đôi giày đỏ, mặc bộ quần áo mới mà cha cô mua cho và ngủ như một nàng Bạch Tuyết… mãi mãi không tỉnh dậy.

Bé 9 tuổi tự sắp xếp đám tang, khi mất để lại thư cứu sống 7 người

Sau khi Xà Diễm qua đời, gia đình tìm thấy một lá thư dưới gối của cô bé.

"Dì Phó Diễm, mẹ Từ, hãy chăm sóc cha con sau khi con đi, đừng để ông ấy buồn, con sẽ lo lắng. Con cảm ơn những người tốt bụng đã quyên góp tiền cho con. Số tiền con chưa dùng hết, hãy dành cho những đứa trẻ bị ung thư máu khác. Ngoài ra, người anh nằm cạnh giường con không thể nhìn thấy ánh sáng, con muốn hiến giác mạc của mình cho anh ấy".

Bức thư dặn dò với những nét chữ run rẩy nhưng thể hiện tấm lòng nhân hậu của cô bé đã được gia đình làm theo. Số tiền 540.000 tệ còn lại được chia thành 7 phần để chữa trị cho 7 trẻ em mắc bệnh ung thư máu.

Người anh nằm giường bên cạnh Xà Diễm nhận được giác mạc nên cũng đã nhìn thấy ánh sáng trở lại. Hôm đến thăm mộ của Xà Diễm, nhìn vào bức ảnh cô bé đang cười trên tấm bia, cậu hứa: “Sẽ đưa em cùng đi ngắm thế giới".

Linh Giang (Theo 163)

Ông lão nhặt rác được tạc tượng ở thư viện, phía sau là chuyện cảm động

Ông lão nhặt rác được tạc tượng ở thư viện, phía sau là chuyện cảm động

Suốt 21 năm, trong mắt mọi người, Vi Tư Hạo là một ông lão nghèo khổ, phải nhặt rác kiếm ăn. Nhưng khi ông qua đời, người ta mới biết và cảm động vì những việc ông đã làm.