Bác sĩ Lê Minh Khôi: 'Tôi vẫn sống với ký ức đại dịch không phải để bi luỵ'

26/02/2022
Cuốn sách “Phía Tây thành phố” là nơi gói ghém một phần đời không thể quên của bác sĩ Lê Minh Khôi trong đại dịch.

Viết để giãi bày

Cuối tháng 4/2021, PGS.TS.BS Lê Minh Khôi (Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM) đã có những dự cảm không lành về tình hình dịch Covid-19 tại TP. Với biến thể Delta, điều xấu nhất có thể sẽ xảy ra.

Trên Facebook cá nhân, anh bắt đầu chia sẻ khuyến cáo đến bạn bè, người quen với cách viết như tâm tình, thay vì vận động, tuyên truyền có phần khô khan.

Đến tháng 7/2021, TP.HCM thực sự bước vào giai đoạn khốc liệt của dịch bệnh. Anh lại viết, như một nhu cầu quen thuộc để giãi bày, giải tỏa những trăn trở của bản thân.

Bác sĩ Lê Minh Khôi: 'Tôi vẫn sống với ký ức đại dịch không phải để bi luỵ'
Tản văn "Phía Tây thành phố" hình thành từ nơi khốc liệt nhất của đại dịch. 

“Tôi vẫn nhớ, trong một lần đi thăm các đồng nghiệp ở bệnh viện dã chiến, đi trên đường Trường Chinh, tôi chỉ thấy toàn xe tải chở hàng và shipper.

Chiều về, nhìn từ chung cư mình sống, không có một bóng người. TP chuyển sang một dạng thức sống khác. Không có bóng dáng của hoạt động vui chơi, của kẹt xe... Tôi sốc thật sự. Đó là sang chấn rất lớn”, anh chia sẻ.

Đầu tháng 8/2021, Trung tâm Hồi sức Covid-19, Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM được thành lập, anh nhận nhiệm vụ phụ trách chuyên môn. Bác sĩ Khôi và đồng đội bước vào nơi khốc liệt suốt nửa năm, không một phút giây ngơi nghỉ.

Ở đây, những đau đớn của chia ly, hạnh phúc của hội ngộ, họ đều chứng kiến. Họ sẻ chia và trở thành điểm tựa của hơn một ngàn người bệnh, thân nhân. Giai đoạn khốc liệt ấy vẫn tồn tại trong ký ức người dân thành phố và cả trong trang sách của người bác sĩ mê cầm bút.

“Gần cuối đợt dịch, tầm cuối tháng 9, tôi nghĩ, mình phải có gì đó để cảm ơn đồng đội, tình nguyện viên, các bác sĩ, học trò đã kiên cường đến cuối cùng.

Một lá thư, một tấm thiệp có thể rồi cũng sẽ trôi qua.

Tôi quyết định tập hợp các bài viết, ghi chép của mình trong thời gian sống và chiến đấu cùng mọi người. Trùng hợp là Nhà xuất bản Trẻ cũng liên hệ tôi vì muốn lưu lại các tản văn trong đại dịch”.

"Phía Tây thành phố" đã ra đời như vậy.

Bác sĩ Lê Minh Khôi: 'Tôi vẫn sống với ký ức đại dịch không phải để bi luỵ'
PGS.TS.BS Lê Minh Khôi, Phó giám đốc Trung tâm ICU Covid-19, Bệnh viện Đại học Y dược TP.HCM. 

Anh tâm sự, đó không phải là nhật ký. Nếu là nhật ký thì thực sự rất kinh khủng, mất mát và đau thương. Những cung bậc cảm xúc ấy người đọc có thể không chịu đựng nổi. Vì ở thành phố này, ai ai cũng đã tổn thương sâu sắc bởi dịch bệnh.

“Mình nhắc lại, đào sâu thêm nỗi đau làm gì. Nếu viết lại chỉ để thỏa mãn mình mà không có ích lợi gì cho xã hội, thì không để làm gì”.

Và những trang sách dần thành hình trong không gian của tiếng máy thở, máy ECMO, của những chuyến bay đêm…

Anh chia sẻ, một cuộc chiến thật sự đã diễn ra, nhưng vẫn có những câu chuyện bình dị, đời thường của áo blouse trắng giữa mắt bão.

Chúng tôi đã sống như vậy!

Ngày 2/8, bác sĩ Khôi cùng đồng nghiệp chính thức xuất quân xuống Trung tâm Hồi sức, bước thẳng vào tâm dịch. “Chúng tôi đi với không ít lo âu nhưng cũng rất hào hùng. Tôi tin mình đang làm những gì ý nghĩa nhất của một người làm nghề y”.

Có rất nhiều điều mà người bác sĩ mang sự nhạy cảm của văn sỹ này chiêm nghiệm sau quãng đời ở phía Tây thành phố. Anh khẳng định, khốc liệt đấy, đau đớn đấy nhưng không bi lụy. Thiếu thốn, khó khăn, nhưng trách nhiệm người thầy thuốc vẫn là tìm mọi cơ hội cứu sống người bệnh.

Bác sĩ Khôi nhớ về một sản phụ mắc Covid-19 được chuyển đến Trung tâm ICU điều trị. Bệnh diễn tiến rất nặng và nhanh, yêu cầu phải chạy ECMO. Thế nhưng máy đã được sử dụng cho một bệnh nhân khác.

Anh ngay lập tức liên hệ với các Trung tâm ICU còn lại của thành phố, hy vọng mong manh đâu đó có người vừa cai máy. Cuối cùng, anh cũng nhận được hồi âm.

Bác sĩ Trần Thanh Linh (Bệnh viện Hồi sức Covid-19) nhắn: “Anh ráng giữ, em về Bệnh viện Chợ Rẫy lấy chiếc ECMO cuối cùng mang sang”.  

Bác sĩ Lê Minh Khôi: 'Tôi vẫn sống với ký ức đại dịch không phải để bi luỵ'
Những tháng ngày không quên của nhân viên y tế tại TP.HCM.

Bác sĩ Linh khi đó phụ trách Bệnh viện Hồi sức Covid-19 ở phía Đông (TP Thủ Đức), bác sĩ Khôi phụ trách Trung tâm ICU Covid-19 ở phía Tây (quận Bình Tân). Từ đó, người trong ngành gọi đùa các anh là 2 “chiến tướng” ở 2 đầu thành phố.

“Lúc ấy, tầm hơn nửa đêm, mưa lâm thâm càng làm cho cảnh dã chiến nhuốm màu u buồn. Hai chàng thanh niên không còn trẻ nữa đứng dưới hàng hiên. Họ nhìn mấy chiếc xe cấp cứu lép nhép chạy ra chạy vào trong ánh đèn vàng vọt. Lặng lẽ.

- Kinh khủng ngoài mức tưởng tượng. Tôi buột miệng.

- Em cũng không nghĩ là cuộc đời mình lại có thể đối diện với một biến cố như thế này. Bác sĩ Linh trầm ngâm.

- Không biết bao giờ mới qua đỉnh dịch...

Không nhớ rõ là tôi hay Linh đã thả vào đêm mưa buồn ấy dấu chấm lửng này”.

(Trích Facebook bác sĩ Lê Minh Khôi)

Dấu chấm lửng trong đêm mưa ấy, giờ đây đã có câu trả lời, khi thành phố đang hồi sinh. Các Trung tâm Hồi sức Covid-19 dần giải thể vì không còn ca bệnh nặng. Các bệnh viện dã chiến tạm ngưng hoạt động. Biến thể Omicron xuất hiện khiến số ca tăng nhưng số tử vong luôn rất thấp, có những ngày không ghi nhận trường hợp nào.

Bác sĩ Lê Minh Khôi: 'Tôi vẫn sống với ký ức đại dịch không phải để bi luỵ'
Bác sĩ Lê Minh Khôi trong buổi ra mắt sách diễn ra tại kho thiết bị của Trung tâm ICU.

Trải qua nửa năm đồng hành, nhiều đồng nghiệp trẻ gọi bác sĩ Khôi là người truyền lửa. Anh hơi ngơ ngác, không hiểu rằng mình đã làm việc ấy như thế nào.

“Tôi chỉ nghĩ rằng, cây muốn tỏa bóng mát thì phải vững vàng. Dù tôi không thể xắn tay áo vào làm tất cả mọi việc, nhưng tôi luôn có mặt, luôn trả lời để các em hiểu rằng có một người anh để dựa vào. Có lẽ chính niềm tin ở tôi đã khiến các em tin tưởng.

Thực sự thì từ ngày Trung tâm ICU thành lập (2/8) đến cuối năm 2021, tôi sống trọn vẹn ở đó. Khó khăn gì, buồn lo gì, các em đều có thể tìm mình mọi lúc để chia sẻ và sau đó, tiếp tục chiến đấu vì người bệnh”.

Những ngày gần kề 27/2, lời tri ân của anh với đồng nghiệp, đàn em và tình nguyện viên cũng đã có một cái kết đẹp. Sau khi tác phẩm “Phía Tây thành phố” đến với độc giả, bác sĩ Lê Minh Khôi đã chuyển 116,5 triệu đồng từ sự ủng hộ, nhuận bút và chiết khấu bán sách cho quỹ “Cùng con đi tiếp cuộc đời”.

Đây là quỹ đồng hành với trẻ nhỏ mồ côi trong dịch Covid-19 vừa qua.

Anh tâm sự, “Cơn bão đi qua. Những cây lớn ngã xuống. Thương tiếc đấy nhưng chúng ta không thể ngồi đó khóc than quá khứ. Việc cần làm là chăm chút những mầm xanh”.

Linh Giao

Ảnh: FBNV

Chúng tôi đã chứng kiến bao chia ly, sống chết của cuộc đời

Chúng tôi đã chứng kiến bao chia ly, sống chết của cuộc đời

Hơn 5 tháng lăn lộn ở những tâm dịch khốc liệt nhất, người bác sĩ trẻ nếm trải những cảm xúc đắt giá của đời người. Sự sống, cái chết, hội ngộ, chia ly, hiển hiện theo cách xót xa nhất.

Sức khỏe liên quan khác