Tiền nhiều biết làm gì: Phong trào 'chạy trốn', chôn hết vào đất

20/03/2022
Những ngày nghỉ cuối tuần trong tháng 3 này, không ít người từ nội thành Hà Nội đổ lên huyện Quốc Oai, Ba Vì tìm mua đất. Phong trào mua đất đã sôi động suốt cả năm 2021 tại khu vực này, tiếp tục rầm rộ không hề dứt.

"Chôn" tiền vào đất

Chị Hoa đang làm việc tại một DN nước ngoài ở Hà Nội, kể, có số tiền nhàn rỗi hơn 2 tỷ đồng, chị quyết định tìm mua một mảnh đất thay vì gửi tiết kiệm. Theo chị Hoa, nếu gửi tiết kiệm kỳ hạn 6 tháng với lãi suất cố định khoảng 5,9%/năm, nhưng lạm phát tăng lên thì lãi thực dương được hưởng sẽ giảm, thậm chí không có lãi. Lạm phát tăng thì chuyển tiền nhàn rỗi vào bất động sản vẫn là an toàn nhất.

Khu vực chị Hoa tìm mua đất là huyện Ba Vì. Tuần trước, chị tìm được mảnh đất trồng cây lâu năm diện tích 600m2, giá 1,6 tỷ đồng, chần chừ cân nhắc nên chưa vội mua. Tuần này gọi lên, chủ đất nói đã bán với giá 1,7 tỷ đồng rồi. Theo chị Hoa, do nhiều người đổ lên tìm mua, nên khu vực Ba Vì đất lại đang tăng mỗi tuần một giá.

Tiền nhiều biết làm gì: Phong trào 'chạy trốn', chôn hết vào đất
“Chạy trốn” lạm phát đầu tư tiền nhàn rỗi vào đất.

Anh Ngô Quang Hành, đồng nghiệp của chị Hoa, cho biết, cuối năm ngoái đã mua một mảnh 500m2 đất trồng cây lâu năm ở Ba Vì với giá 1,2 tỷ đồng, vừa rồi có người trả 1,53 tỷ đồng, tính ra lãi 330 triệu đồng, nhưng anh không bán. Theo anh Hành, bán đi thu tiền về để không thì sẽ mất giá bởi lạm phát đang tăng, trong khi tìm mua được mảnh đất khác ưng ý không dễ mà có khi giá lại cao hơn. Trong lúc lạm phát đang có xu hướng tăng, cứ giữ đất sẽ an toàn.

Giá dầu thô trên thị trường thế giới đạt ngưỡng 130 USD/thùng, đẩy giá xăng trong nước vọt lên gần 30.000 đồng/lít, cao nhất từ trước tới nay. Giá xăng dầu tăng, đã làm cho giá nhiều hàng hóa tăng theo, khiến lạm phát giờ không còn là nguy cơ mà đã hiện hữu.

Trong bối cảnh này, nhiều người có tiền nhàn rỗi đang rút khỏi những kênh đầu tư nhiều rủi ro, để trú ẩn vào bất động sản.

Những ngày nghỉ cuối tuần tháng 3 này, có không ít người từ nội thành Hà Nội đổ lên huyện Quốc Oai, Ba Vì tìm mua đất. Không chỉ đất trồng cây lâu năm, cả đất khai hoang không có giấy tờ cũng được nhiều người tìm mua. Thậm chí, có những mảnh đất sâu tít tận chân núi, đường đi còn khó khăn, ô tô không vào được cũng không ít người tìm đến. Phong trào mua đất đã sôi động suốt cả năm 2021 tại khu vực này, tiếp tục rầm rộ không hề dứt.

Theo dữ liệu của trang Batdongsan.com.vn, trong tháng 2/2022, nhu cầu tìm kiếm bất động sản tăng ở hầu hết các loại hình so với tháng 1/2021. Trong đó, loại hình đất, đất nền chứng kiến cả mức độ quan tâm và lượng tin đăng bán, tăng ở nhiều địa phương.

Cụ thể, mức độ quan tâm đến bất động sản bán tăng trung bình 23% so với tháng 1/2022. Nhu cầu tìm kiếm mua đất nền tăng tại hầu hết các tỉnh. Tại Hà Nội, mức độ quan tâm loại hình đất nền tăng 8%, tại TP.HCM tăng 18% và Đà Nẵng tăng 32%. Trong khi đó, những người ít tiền lại có xu hướng tìm về vùng xa mua nhà đất chống trượt giá.

Tiềm ẩn rủi ro

Số liệu từ Bộ Xây Dựng cho thấy, tính đến cuối năm 2021, giá đất nền tăng từ 20-30% so với thời điểm cuối năm 2020. Cá biệt, có thời điểm đất nền tại một số địa phương ở vùng ven Hà Nội như Ba Vì tăng 45%, hay Đà Bắc, tỉnh Hòa Bình tăng 46%... Tuy nhiên, “cơn sốt” đất vẫn chưa dừng lại, tiếp tục tăng trong quý 1/2022, nguyên nhân chính là do lạm phát.

Chuyên gia Ngô Trí Long cho rằng, nếu mua một mảnh đất với giá 1 tỷ đồng, khi lạm phát xảy ra, giá sẽ tăng lên 1,2-1,3 tỷ đồng, như vậy sẽ bảo toàn được vốn, yên tâm không bị thiệt hại. Ngoài ra, đầu tư vào đất, sau đó hạ tầng xung quanh được cải thiện, giá sẽ tăng và mang lại lợi nhuận lớn cho chủ sở hữu.

Tiền nhiều biết làm gì: Phong trào 'chạy trốn', chôn hết vào đất
Lạm phát có thể khoét sâu vào điểm yếu của thị trường bất động sản đó là "mua dễ bán khó".

Giới chuyên môn thì nhận định, không chỉ những nhà đầu tư nhỏ lẻ, có sẵn nguồn tiền nhàn rỗi mà nguy cơ cả giới DN cũng muốn đổ vốn vào bất động sản.

Trong hoàn cảnh hiện nay, những ngành sản xuất kinh doanh có biên lợi nhuận trung bình khoảng 10-15% trên vốn đầu tư, sẽ gặp khó khăn khi giá sản xuất đầu vào tăng nhanh nhưng giá bán không thể bù đắp cho lạm phát. Một kịch bản xấu có thể xảy ra là chính các DN này cũng phải chọn cách đẩy tiền vào việc giữ tài sản hơn là sản xuất. Đầu tư cho sản xuất, kinh doanh sẽ bị lép vế so với đầu cơ tài sản.

Các dự báo cho thấy, với tình hình hiện nay, ai cũng đua sở hữu bất động sản, sẽ dẫn đến hiện tượng giá thị trường liên tục leo thang và các nguồn lực xã hội sẽ bị “chôn” hết vào đất.

Tuy nhiên, thị trường bất động sản vẫn tiềm ẩn những rủi ro. Nếu tham gia vào giai đoạn sớm, tức là mua từ đầu với giá thấp thì rủi ro thấp; nhưng càng mua về cuối thì giá cao, rủi ro sẽ cao.

Về cơ bản, lạm phát và giá bất động sản di chuyển cùng hướng với nhau. Khi lạm phát tăng cao sẽ đẩy giá bất động sản lên theo. Nhưng giá quá cao thì tính thanh khoản sẽ kém. Trong quá khứ, lạm phát cao từng khiến giá bất động sản tăng cao và bị trì trệ. Người bán giữ giá cao nhưng không có người mua.

Các chuyên gia kinh tế cho rằng, lạm phát cao trong năm 2022 có thể khoét sâu vào điểm yếu của thị trường bất động sản là "mua dễ bán khó". Bởi mọi thứ đều bị đẩy lên đỉnh điểm, không có hàng rẻ.

Nếu nguồn lực lớn “chôn” hết vào đất, trong khi tính thanh khoản kém, chắc chắn sẽ tác động tiêu cực tới nền kinh tế. Theo các chuyên gia, để sớm chặn đứng hiện tượng đầu cơ bất động sản, hướng dòng vốn vào hoạt động sản xuất, kinh doanh, các cơ quan chức năng cần phải thay đổi về quản lý bất động sản và sử dụng công cụ thuế để điều tiết.

Trần Thủy

Vay tiền buôn đất: Lời khuyên để không ngập nợ trước ngày ăn lãi

Vay tiền buôn đất: Lời khuyên để không ngập nợ trước ngày ăn lãi

Đòn bẩy tài chính là công cụ đắc lực để đầu tư BĐS. Sự thật là người có ít vay ít; người có nhiều vay càng nhiều, đầu tư càng lớn và lợi nhuận càng cao. 

Tin kinh doanh liên quan khác