Tăng không thấy đỉnh, triệu hộ dân Việt còng lưng gánh lỗ tiền tỷ

13/03/2022
Hàng triệu hộ chăn nuôi lại tiếp tục quay cuồng trong “bão giá” khi những ngày gần đây doanh nghiệp dồn dập báo tin xấu, trong đó giá mặt hàng thức ăn chăn nuôi tăng không thấy đỉnh.

Còng lưng gánh lỗ tiền tỷ

Vừa xuất bán 6.000 con gà lông trắng, ông Lê Phương Hải (Long Thành, Đồng Nai) than thở, giá thức ăn chăn nuôi tăng (TĂCN) tăng mạnh chưa từng có; thêm giá thuốc thú y, cước vận chuyển cũng ồ ạt tăng, nhưng giá gà thịt bán ra lại giảm mạnh.

Với giá gà lông trắng 25.000-26.000 đồng/kg, ông Hải lỗ 12.000-13.000 đồng/con. Cân bán xong 6.000 con gà, ông lỗ khoảng 72-78 triệu đồng.

Ông Hải tâm sự, đàn gà trong trang trại luôn duy trì từ 180.000-200.000 con. Mỗi ngày, ông xuất bán trung bình vài nghìn con gà thịt lông trắng ra thị trường. Giá gà trong suốt năm 2021 lên xuống bấp bênh, có lúc “chạm đáy" chỉ còn chưa đầy 10.000 đồng/kg bán không ai mua, khiến ông thua lỗ nặng.

Trái ngược với giá gà thịt, giá mọi nguyên liệu đầu vào đều tăng phi mã. Năm 2021, giá TĂCN tăng 40-50%; từ đầu năm đến nay, đã tăng thêm 1.000 đồng/kg. “Ngày 9/3, DN báo giá tăng thêm 600 đồng/kg và áp ngay lập tức”, ông buồn rầu nói.

Tăng không thấy đỉnh, triệu hộ dân Việt còng lưng gánh lỗ tiền tỷ
Giá TĂCN tăng lên mức cao nhất trong lịch sử, giá gà thịt giảm khiến người chăn nuôi thua lỗ nặng (ảnh: NNVN)

Thế nhưng, không chỉ giá TĂCN tăng mà giá cước vận chuyển từ nhà máy về đến trang trại cũng tăng mạnh, từ 240 đồng/kg lên 340 đồng/kg. Giá thuốc thú y tăng từ 3.500 đồng/đầu gà (lượng thuốc dùng từ lúc bắt đầu vào đàn cho đến lúc xuất chuồng) lên 4.500 đồng.

Cộng tất cả các khoản chi phí, giá thành sản xuất 1kg gà lông trắng giờ tăng lên 30.000-31.000 đồng.

Điều khiến ông Hải bất an hơn là giá nguyên liệu đầu vào vẫn tăng chưa thấy đỉnh, còn giá gà lại có xu hướng giảm dần đều. Nhiều hộ chăn nuôi tại Đồng Nai không gồng nổi lỗ đành treo chuồng. Ông đang phân vân, bởi đã đầu tư lớn vào chuồng trại giờ bỏ trống không ổn, nợ ngân hàng vẫn còn, nuôi tiếp thì không biết còn lỗ tới khi nào.

Ông Nguyễn Công Bắc - chủ trang trại nuôi lợn ở Sơn La - cũng cho hay vừa nhận được thông báo tăng giá TĂCN thêm 300-400 đồng/kg. Cuối tháng 2, DN đã điều chỉnh tăng 300 đồng/kg.

“Tôi nuôi lợn đến ngay đã 20 năm, chưa bao giờ thấy giá TĂCN cao như hiện nay”, ông chia sẻ. Là chủ trang trại lợn quy mô 1.400 lợn nái, 9.000 lợn thịt thương phẩm, con giống tự sản xuất được song những ngày này, khi xuất bán lợn ông phải chịu lỗ nặng.

Ông Bắc tính toán, giá TĂCN chiếm khoảng 70% giá thành sản xuất lợn hơi. Đợt tăng giá này tiếp tục đẩy giá thành lợn hơi tăng thêm 2.000-3.000 đồng/kg, lên 57.000-58.000 đồng (đối với hộ chăn nuôi phải mua con giống).

Nhưng lợn hơi xuất chuồng không những ế ẩm mà giá còn giảm mạnh, xuống còn 50.000-53.000 đồng/kg. Tính ra, xuất bán một con lợn hơi, người chăn nuôi lỗ trên dưới 1 triệu đồng.

Từ năm 2017 đến nay, người nuôi lợn vẫn chưa thoát ra khỏi khủng hoảng. Hết thừa cung đến dịch bệnh, nay là khủng hoảng cả giá đầu vào lẫn đầu ra. Trong suốt 5 năm, duy nhất năm 2020 lợn được giá, nhưng phần lớn thời điểm ấy chuồng trại đều trống không, lợn chết nhiều vì dịch tả châu Phi.

Trang trại của ông Bắc giữ đàn tốt, vây mà lãi thu về cũng không thể bù nổi khoản lỗ của những năm trước đó. Năm 2021, đợt giá lợn chạm đáy, ông xuất bán lợn hơi lỗ gần chục tỷ đồng. Còn hiện tại, ông lỗ hàng trăm triệu đồng mỗi tháng.

“Giá cám vẫn có xu hướng tăng, tôi thì gồng lỗ mãi cũng thấy kiệt sức”, ông nói. Ông Bắc dự tính trong trường hợp xấu không thể cầm cự được đành phải giảm đàn nái đi.

Tăng không thấy đỉnh, triệu hộ dân Việt còng lưng gánh lỗ tiền tỷ
Giá thức ăn chăn nuôi tăng lên mức cao chưa từng có (ảnh: TL)

Giá TĂCN còn tăng mạnh

Ghi nhận của PV. VietNamNet, ngày 9/3, Công ty THHH Austfeed Bình Đình thông báo điều chỉnh tăng giá các sản phẩm TĂCN gia súc gia cầm và thuỷ sản, mức tăng 4.000 đồng/kg với sản phẩm đậm đặc và heo con; 3.000 đồng/kg với các sản phẩm hỗn hợp gia súc gia cầm còn lại và cám cá. Thời điểm tính áp dụng từ 15/3

Lý do điều chỉnh giá TĂCN là bởi giá nguyên liệu đầu vào tăng.

Tương tự, De Heus cũng điều chỉnh tăng 300-400 đồng/kg TĂCN tuỳ loại. DN này cũng thông báo tăng 5% trên mức giá cước hiện tại đối với những trang trại sử dụng dịch vụ vận chuyển hàng của DN.

Ngoài ra, thương hiệu TĂCN khác như Anco, Vina,Hapy hay Japfa... cũng đồng loạt thông báo điều chỉnh giá tăng 200-400 đồng/kg cám tuỳ loại.

Tại hội nghị giao ban khối chăn nuôi mới đây, ông Dương Tất Thắng, Cục trưởng Cục Chăn Nuôi (Bộ NN-PTNT) thông tin, hai tháng đầu năm nay, giá nguyên liệu sản xuất TĂCN thế giới tiếp tục tăng cao so với tháng 12/2021. Trong đó, giá dầu đậu tương tăng 22%, đậu tương tăng khoảng 21%, khô đậu tương tăng 16%, ngô tăng 9%.

Giá tăng chủ yếu do ảnh hưởng của thời tiết bất lợi từ các khu vực trồng chính, nhất là các nước Nam Mỹ. Đồng thời, xung đột giữa Nga và Ukraine tác động mạnh đến giá ngô và lúa mỳ thế giới và Việt Nam. Đáng nói, Việt Nam nhập khẩu lượng lớn lúa mỳ, ngô từ hai quốc gia này. 

Ông Thắng dự báo, thời gian tới, giá ngô và một số nguyên liệu thức ăn công nghiệp chính tiếp tục tăng do hạn chế về nguồn cung; tác động xấu đến ngành chăn nuôi Việt Nam.

Tâm An

Chiến tranh Nga - Ukraine, hàng triệu nông dân Việt đối mặt khủng hoảng

Chiến tranh Nga - Ukraine, hàng triệu nông dân Việt đối mặt khủng hoảng

Xung đột Nga-Ukraine tác động mạnh tới nguồn cung, đẩy giá phân bón trên thế giới tăng 8-12%. Nông dân lại đối diện với khủng hoảng khi Việt Nam nhập khẩu tới hơn 5 triệu tấn mặt hàng này mỗi năm.

Tin kinh doanh liên quan khác