Rót 350 nghìn tỷ: 'Nổ' đúng tọa độ, không chia mỗi ông 1 tý 'cầm hơi'

24/02/2022
Gói 350 nghìn tỷ không phải rót tràn lan, mỗi ông một tý. Không phải cho mỗi ông một hạt vừng, một bát cơm để gượng dậy cầm hơi. Đấy không phải cách để tạo hiệu ứng, phục hồi kinh tế.

Hai kịch bản giải ngân 

Theo TS. Cấn Văn Lực - Thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính - tiền tệ quốc gia, Quốc hội đã ban hành Nghị quyết 43, Chính phủ cũng ban hành Nghị quyết 11 đưa ra hàng loạt chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ DN, người lao động... với tổng trị giá khoảng 350 nghìn tỷ đồng nhằm phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội. Bây giờ là lúc các Bộ, ngành, địa phương cần bắt tay vào việc.

Trong báo cáo gửi Chính phủ, ông Lực cho rằng, gói hỗ trợ là chương trình quan trọng nhưng tác động của nó phụ thuộc nhiều vào hiệu quả thực thi. Nhóm chuyên gia đưa ra hai kịch bản.

Kịch bản 1 hay kịch bản tích cực, trong năm 2022, giải ngân được khoảng 40% chương trình phục hồi, trong năm 2033 giải ngân thêm được 50%. Như vậy, tổng lượng giải ngân trong hai năm là khoảng 90%. Với kịch bản này, Việt Nam hoàn toàn đạt được tốc độ tăng trưởng khoảng 6,5-7% trong năm 2022 và đạt mức tăng trưởng cao hơn vào năm 2023, khoảng 7-7,5%.

Kịch bản 2 hay kịch bản tiêu cực hơn, chúng ta chỉ giải ngân được khoảng 70% trong cả hai năm. Khi đó, tốc độ tăng trưởng GDP của Việt Nam dự kiến ở mức 5-5,5% vào năm 2022 và khoảng 6% vào năm 2023.

Rót 350 nghìn tỷ: 'Nổ' đúng tọa độ, không chia mỗi ông 1 tý 'cầm hơi'
Với kịch bản tích cực, tốc độ tăng trường của Việt Nam năm 2022 là khoảng 6,5% - 7% 

Trong hai năm, bối cảnh lạm phát rõ ràng gia tăng tương đối mạnh với nhiều nguyên nhân đến từ cả bên trong và bên ngoài. Nếu tính cả chương trình phục hồi thì lạm phát năm 2022 có thể tăng ở mức khoảng 3,5-3,8%. Ngoài ra, một số tác động đối với thâm hụt ngân sách; nợ công; nghĩa vụ trả nợ của Chính phủ.

“Về cơ bản, có thể chỉ tiêu nghĩa vụ trả nợ của Chính phủ vượt mức 25% tổng thu ngân sách một chút vào năm 2022-2023. Tuy nhiên, mọi thứ sẽ quay trở lại quỹ đạo xuống dưới mức 25% vào cuối nhiệm kỳ, tức là năm 2025, khi có những biện pháp kiểm soát tốt hơn trong thời gian tới”, TS.Lực phân tích.

Đúng tọa độ, không tràn lan

Nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam - PGS.TS Trần Đình Thiên, hy vọng, không phải chỉ là phục hồi mà ai cũng muốn tiến tới điều xa hơn, tận dụng cơ hội bước lên một trình độ khác.

Chúng ta nguồn lực ít, chắt chiu để có 350.000 tỷ thì quan trọng là làm sao xử lý được gói hỗ trợ trên. Rõ ràng, cần biết chọn đúng tọa độ, điểm ưu tiên mới có thể đạt được mục tiêu.

“Không phải rót tiền tràn lan, mỗi ông một tý. Không phải cho mỗi ông một hạt vừng, một bát cơm để gượng dậy cầm hơi. Đấy không phải cách để tạo hiệu ứng, phục hồi kinh tế trong giai đoạn hiện nay”, vị chuyên gia này nói.

Ngoài ra, ông Thiên còn nêu ví dụ về câu chuyện sân bay Long Thành, khi giữa địa phương, chủ đầu tư, nhà thầu tính đồng bộ chưa cao dẫn đến nỗi lo chậm tiến độ. Nhiều khi do tắc nghẽn các đường dẫn nguồn lực, chính sách. Chương trình đưa ra thì hoành tràng nhưng đường dẫn cụ thể lại bị tắc.

Việc ráo riết của Chính phủ trong cách tổ chức thực thi là vô cùng quan trọng. Chuyến vi hành của Thủ tướng tại khu vực phía Nam tạo sự thúc đẩy mạnh cho khởi động đầu năm. Đó cũng là thông điệp về chịu trách nhiệm cho từng đơn vị, từng người đứng đầu. Nếu không có trách nhiệm cụ thể thì mọi sự đồng bộ không thể có ý nghĩa.

Rót 350 nghìn tỷ: 'Nổ' đúng tọa độ, không chia mỗi ông 1 tý 'cầm hơi'
Thị trường tiêu dùng tại TP.HCM phục hồi tốt trong tháng đầu năm 2022 

Trong khi đó, TS.Cấn Văn Lực nêu 4 kiến nghị liên quan đến chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.

Thứ nhất, Chính phủ cần ban hành chương trình phòng, chống dịch cập nhật Nghị quyết 128. Nhiều địa phương, Bộ, ngành đang chờ chương bài bản hơn, nhất quán hơn.

Thứ hai, Bộ, ngành, địa phương sớm có hướng dẫn triển khai Nghị quyết 43 của Quốc hội, Nghị quyết 11 của Chính phủ.

Thứ ba, đây là cơ hội vàng để đẩy nhanh hơn cải cách thể chế. Nhất là môi trường đầu tư kinh doanh, thu hút đầu tư cả trong nước và ngoài nước. Nhiều nhà đầu tư nước ngoài đang quan tâm hơn đến Việt Nam sau hai năm qua.

Thứ tư, cần sự phối hợp chính sách tài khóa, tiền tệ. Đánh giá rủi ro bên trong lẫn bên ngoài. Trung Quốc đang tăng trưởng chậm lại hay các câu chuyện quốc tế dẫn đến giá dầu tăng. Từ đó, tác động rất lớn đến các kịch bản đặt ra. Khi giá dầu tăng chúng ta ứng xử ra sao, cần giải pháp cả trước mắt và lâu dài đối với câu chuyện an ninh năng lượng.

Bên cạnh đó, kiểm soát rủi ro liên quan đến lạm phát gia tăng. Đẩy mạnh cơ cấu nền kinh tế, tăng khả năng hấp thụ với chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.

TS. Vũ Tiến Lộc - Ủy viên Ủy ban Kinh tế của Quốc hội - khẳng định, gói tài khóa 350.000 tỷ là nguồn lực quý giá, chất kích hoạt cho tăng trưởng, đầu tư tư nhân trong và ngoài nước nên phải có giải pháp thực hiện minh bạch, hiệu quả, khẩn trương.

Ông trích dẫn dự báo, quy mô nền kinh tế Việt Nam về GDP sẽ lớn nhất trong khu vực ASEAN nhưng chất lượng tăng trưởng còn rất nhiều vấn đề. Việt Nam hiện xếp thứ 5 về môi trường kinh doanh, thứ 7 về năng lực cạnh tranh trong khu vực. Do đó, cần thu hẹp khoảng cách này, đấy là những gì chúng ta kỳ vọng.

Trần Chung

Nếu 'dám chơi', có ngay 10 tỷ USD đổ về Việt Nam

Nếu 'dám chơi', có ngay 10 tỷ USD đổ về Việt Nam

Chuyên gia cho rằng, cần dám chơi và biết chơi nếu Việt Nam muốn có một trung tâm tài chính quốc tế thu hút dòng vốn tỷ đô. 

Tin kinh doanh liên quan khác