Lối thoát nào cho hàng không Việt Nam trụ vững trong đại dịch Covid-19?

02/09/2021

Theo Hiệp hội Doanh nghiệp hàng không Việt Nam, những tác động tiêu cực của dịch Covid-19, đặc biệt là làn sóng thứ 4 cùng biển thể Delta hoành hành đang ngày càng ngấm sâu tới hoạt động của các hãng bay.

Thực hiện các lệnh giãn cách xã hội, các hãng hàng không của Việt Nam buộc phải dừng bay, gần như 100% các đường bay trong nước và quốc tế đóng băng. Hoạt động bay thường xuyên duy nhất còn lại chỉ là vận tải hàng hoá.

Trong khi đó, mỗi tháng, các hãng vẫn phải chi hàng trăm tỷ đồng để trả tiền thuê máy bay, trả vay ngân hàng, trả cho đối tác cung cấp dịch vụ đầu vào, duy tu bảo dưỡng và trả lương cho nhân viên.

Tình hình này đã khiến nguồn thu sụt giảm trầm trọng, đẩy các hãng hàng không vào tình thế khó khăn, kiệt quệ về tài chính. Nguồn vốn hoạt động của các hãng hàng không trong nước bị thiếu hụt ngày càng trầm trọng, lên tới trên 40.000 tỷ đồng. Các khoản nợ đến hạn của hãng hàng không liên tục tăng khi không còn doanh thu để chi trả.

Lối thoát nào cho hàng không Việt Nam trụ vững trong đại dịch Covid-19?
Ngành hàng không Việt Nam đang gặp khó khăn do dịch Covid-19

Bức tranh tài chính của các doanh nghiệp đang rất bi đát. Tính đến 30/6, Vietnam Airlines (VNA) nợ vay đến hạn tại 7 tổ chức tín dụng là 2.053 tỷ đồng. Nợ quá hạn của hãng bay này với các đối tác, nhà cung cấp lên đến 13.337 tỷ đồng.  

Ước tính số lỗ hợp nhất trong nửa đầu năm nay của VNA là 17.000 tỷ đồng, vốn chủ sợ hữu bị âm 2.750 tỷ đồng.

Mặc dù trong năm 2020 và 6 tháng đầu năm nay, Vietjet báo có lãi gộp nhưng đó là do bán tài sản, bán cổ phiếu quỹ và kinh doanh tài chính. Thực chất, Vietjet cũng bị lỗ lớn ở trong ngành nghề kinh doanh chính của hãng là vận tải hàng không. Bamboo cũng tương tự.

Bối cảnh trên thế giới cũng tương tự, năm 2020, ngành hàng không toàn cầu bị lỗ 126 tỷ USD. Tháng 4 năm nay, Hiệp hội Vận tải hàng không IATA ước tính, năm 2021 có khoảng 2,4 tỷ người trên thế giới đi du lịch bằng đường hàng không, giảm 2,1 tỷ người người so với năm 2019. Điều này khiến các hãng hàng không sẽ lỗ ròng 47,7 tỷ đô la vào năm 2021 với tỷ suất lợi nhuận ròng là âm 10,4%. Tuy nhiên, với đợt bùng phát dịch này, ngành du lịch và hàng không sẽ còn thiệt hại nặng nề hơn.

Hiệp hội Doanh nghiệp Hàng không Việt Nam cho hay, trong bối cảnh này, ngành hàng không cần thiết nhận được sự quan tâm, hỗ trợ hơn nữa từ Chính phủ.

Hàng không là con đường lớn nhất, rút ngắn khoảng cách nhanh nhất giữa Việt Nam với thế giới. Theo thời gian, ngành này dần trở thành dịch vụ thiết yếu và là huyết mạch của nền kinh tế, của hội nhập kinh tế.

Đây cũng là ngành có tính lan tỏa rộng, là động lực phát triển của nền kinh tế đất nước. Theo tính toán của các chuyên gia quốc tế, hàng không tăng trưởng 2,5% sẽ góp phần kích thích tăng trưởng 1% GDP. Ngành hàng không có vai trò quan trọng trong sự phát triển ngành du lịch, thương mại, đầu tư, văn hóa, giáo dục và đóng góp vào ngân sách nhà nước...v.v.

Theo nghiên cứu của IATA, 1 việc làm trong ngành hàng không sẽ tạo ra 24 việc làm trong các ngành có liên quan (dịch vụ lữ hành, xăng dầu, dịch vụ, nhà hàng, khách sạn, xuất nhập khẩu, đầu tư trong và ngoài nước, kích cầu tiêu dùng...). Hàng không phát triển sẽ duy trì sức lan toả kinh tế tới các ngành khác; kết nối các chuỗi cung cấp, chuỗi hàng hóa, chuỗi giá trị; và góp phần tích cực trong việc phục hồi, phát triển kinh tế nước ta sau dịch.

Trong thời gian qua, Chính phủ đã có một số giải pháp hỗ trợ hàng không. Tuy nhiên, nhiều khó khăn, vướng mắc chưa được giải quyết, vốn hỗ trợ cho hàng không trong nước còn rất khiêm tốn so với nguồn hỗ trợ cho hàng không của các chính phủ trên thế giới (các chính phủ, kể cả quốc gia nợ công lớn hơn Việt Nam rất nhiều, hỗ trợ cho hàng không bình quân bằng 30% thiệt hại của ngành này).

Các chuyên gia kinh tế, tài chính cảnh báo nếu không được Nhà nước quan tâm hỗ trợ, VNA sẽ có thể bị phá sản. Vietjet, Bamboo sẽ gặp rất nhiều khó khăn. Điều đó sẽ gây hệ luỵ cho nền kinh tế, ảnh hưởng xấu đến tương lai phục hồi kinh tế nước ta...

Lối thoát nào cho hàng không Việt Nam trụ vững trong đại dịch Covid-19?
Chương trình bàn tròn trực tuyến Tháo gỡ khó khăn cho các hãng hàng không Việt Nam diễn ra lúc 9h ngày 3/9/2021 với 4 khách mời

Trước thực trạng này, báo VietNamNet tổ chức chương trình Bàn tròn trực tuyến với chủ đề: Tháo gỡ khó khăn cho các hãng hàng không Việt Nam vào sáng mai, 9h ngày 3/9/2021.

Chương trình có sự tham gia của 4 khách mời gồm:

-       Ông Võ Huy Cường, Phó Cục trưởng Cục Hàng không, Bộ Giao thông vận tải

-       Tiến sĩ Nguyễn Sĩ Dũng, Nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội

-       Tiến sĩ Cấn Văn Lực, Chuyên gia Kinh tế trưởng BIDV kiêm Giám đốc Viện Đào tạo và Nghiên cứu BIDV; Thành viên Hội đồng Tư vấn Chính sách Tài chính-tiền tệ Quốc gia và Ủy viên Ủy ban Quốc gia về Hợp tác Kinh tế Thái Bình Dương (VNCPEC).

-       Tiến sĩ Lương Hoài Nam, Phó Chủ tịch Công ty Cổ phần Công nghệ Du lịch Gotadi, Thành viên Hội đồng tư vấn du lịch (TAB)

Chương trình được phát trực tiếp trên báo VietNamNet.

Trân trọng mời quý bạn đọc đón xem!

Đóng góp ngân sách hàng năm của ngành hàng không ngày càng quan trọng. Chỉ tính riêng VNA, Vietjet, Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam; Tổng công ty Quản lý Bay Việt Nam đã đóng góp trên 22.000 tỷ đồng thuế và phí/năm (năm 2019), tương đương đứng trong top 10 tỉnh, thành phố nộp ngân sách lớn nhất nước.

Trong đó riêng Vietjet nộp ngân sách tăng hàng năm, từ 4.200 tỷ đồng năm 2016 lên 9.000 tỷ đồng năm 2019. Năm 2020, dù thiệt hại nặng vì dịch nhưng Vietjet vẫn nộp ngân sách 2.800 tỷ đồng. 

Phạm Huyền

Tin kinh doanh liên quan khác