Giá vàng hôm nay 31/3: Vàng dồn dập tăng trở lại

31/03/2022

Giá vàng trong nước

Kết thúc phiên giao dịch 30/3, giá vàng 9999 trong nước được SJC và Tập đoàn Vàng bạc đá quý Doji niêm yết theo thứ tự mua vào và bán ra như sau:

SJC Hà Nội: 68,00 triệu đồng/lượng - 68,72 triệu đồng/lượng

Doji Hà Nội:  67,90 triệu đồng/lượng -  68,65 triệu đồng/lượng

SJC TP.HCM: 68,00 triệu đồng/lượng - 68,70 triệu đồng/lượng

Doji TP.HCM: 67,90 triệu đồng/lượng -  68,70 triệu đồng/lượng

Giá vàng quốc tế

Đêm 30/3 (giờ Việt Nam), giá vàng thế giới giao ngay đứng quanh ngưỡng 1.933 USD/ounce. Vàng giao tháng 6 trên sàn Comex New York ở mức 1.936 USD/ounce.

Giá vàng thế giới đêm 30/3 cao hơn khoảng 2,0% (38 USD/ounce) so với đầu năm 2021. Vàng thế giới quy đổi theo giá USD ngân hàng có giá 54,1 triệu đồng/lượng, chưa tính thuế và phí, thấp hơn khoảng 14,6 triệu đồng/lượng so với giá vàng trong nước tính tới cuối giờ chiều phiên 30/3.

Giá vàng trên thị trường quốc tế dồn dập tăng trở lại do đồng USD suy giảm và nỗi lo lạm phát chưa hề vơi đi. Tình hình tại Ukraine chưa có đột phá.

Sau vòng đàm phán hòa bình tại thành phố Istanbul của Thổ Nhĩ Kỳ, người phát ngôn Điện Kremlin cho biết, Nga và Ukraine vẫn chưa đạt được đột phá. Hai bên chờ trở lại với những cuộc đàm phán mới.

Trong khi đó, giá cả tiếp tục leo thang ở châu Âu và thế giới.

gia-vang-hom-nay-31-03-2022-don-dap-tang-tro-lai
Giá vàng hôm nay 31/3: Vàng dồn dập tăng trở lại

Cuộc sống người dân châu Âu chao đảo vì chiến sự ở Ukraine. Theo Chủ tịch Ngân hàng Trung ương châu Âu Christine Lagarde, triển vọng kinh tế của Liên minh châu Âu (EU) vào "bất ổn nghiêm trọng". Cuộc chiến đã làm gián đoạn đà phục hồi của nền kinh tế các nước EU hậu Covid-19.

Tại EU, giá khí đốt đã tăng gấp rưỡi so với đầu năm. Giá năng lượng được dự báo sẽ duy trì ở mức cao trong thời gian dài.

Không chỉ năng lượng, thế giới cũng đối mặt với giá thực phẩm lên cao. Ukraine và Nga chiếm 30% sản lượng lúa mỳ xuất khẩu của thế giới.

Tại Đức, tỷ lệ lạm phát tháng 3 đã lên tới mức 7,1% (so với cùng kỳ năm trước), cao hơn nhiều so với con số 5,1% của tháng 2.

Gần đây, căng thẳng Nga-EU lên sau khi Nga yêu cầu các nước “không thân thiện” thanh toán tiền mua khí đốt bằng đồng ruble. Nước Đức đã nâng mức báo động khẩn cấp về khí đốt do ngày càng lo ngại rằng Nga có thể cắt nguồn cung nếu các nước phương Tây cùng từ chối yêu cầu này của Nga.

Tổng thống Vladimir Putin cho biết Nga sẽ chỉ chấp thuận thanh toán bằng đồng ruble cho các hợp đồng chuyển khí đốt tới các nước thuộc EU. Đây là đòn đáp trả các biện pháp trừng phạt chưa từng có từ phương Tây liên quan vấn đề Ukraine.

Dự báo giá vàng

Thị trường vàng được hỗ trợ bởi lợi suất Kho bạc Mỹ giảm và đồng USD yếu hơn.

Dù vậy, đà hồi phục của vàng vẫn có thể bị hạn chế do các cuộc đàm phán hòa bình đã làm giảm sức hút của kim loại quý như một tài sản trú ẩn an toàn. Nhóm đầu cơ giá xuống có thể đang đặt cược vào hy vọng về một thỏa thuận kết thúc cuộc xung đột Ukraine.

Nếu vàng đánh mất ngưỡng hỗ trợ quan trọng 1.908 USD/ounce thì sẽ hướng tới 1.882 USD/ounce. Nếu thủng ngưỡng này đà bán tháo sẽ diễn ra với tốc độ rất nhanh.

Ở chiều ngược lại, nếu trở lại trên mốc 1932,90 USD thì phía mua có động lực quay trở lại. Lực mua đủ lớn sẽ đẩy thị trường lên các mức cản 1958,70 USD/ounce và tiếp theo là 1972,50 USD/ounce.

V. Minh

Tin kinh doanh liên quan khác