Vườn nho 'siêu quả' giữa lòng Hà Nội thu hút nhiều du khách
Những ngày này, vườn nho "siêu quả" của gia đình chị Hạnh luôn tấp nập khách mua, khách vào tham quan, chụp hình, ai cũng phấn khởi, đứng ngắm vườn nho mà không thấy chán.
Trang trại nho của gia đình chị Hạnh đang vào mùa thu hoạch nho chín, thu hút lượng khách lớn tới tham quan, trải nghiệm (Ảnh: Hoài Trang). |
Chị Nguyễn Hồng Hạnh (26 tuổi, huyện Đan Phượng, Hà Nội) cho biết, nho hạ đen có xuất xứ từ Trung Quốc. Giống nho này có độ sinh trưởng khỏe, ngọt, quả tròn, sai quả, thịt quả dày và nhanh được thu hoạch.
Chị Hồng Hạnh đang cắt nho cho khách (Ảnh: Hoài Trang). |
Chị Hạnh nói, trước đây, phần đất này gia đình chị dành để trồng đào, trồng quất hay mùa nào trồng thức đó, tuy nhiên thu nhập thấp. Bởi, đào quất cả năm chỉ có một vụ vào dịp Tết trong khi chi phí thuê người làm cao.
Trăn trở tìm giống mới để canh tác, cuối cùng gia đình chị đã quyết định thử đặt giống nho hạ đen về trồng. May mắn, giống nho mới phù hợp khí hậu miền Bắc, phát triển nhanh và cho ra quả nhiều.
Giống nho trồng ở đây quả không quá to nhưng ngọt và không có hạt (Ảnh: Hồng Hạnh). |
"Sau thời gian dài canh tác từ lúa cho đến cây ăn trái nhưng không hiệu quả thế nên gia đình tôi quyết định cải tạo đất sang trồng nho", chị Hạnh cho hay.
Nói về vườn nho đang cho quả chị Hạnh chia sẻ, nho trồng 6 tháng đã bắt đầu cho quả nhưng để cây già hơn chị Hạnh dưỡng cây đến 8 tháng mới để quả. Giống nho hạ đen là cây dây leo nên tốc độ phát triển rất nhanh, đến thời điểm ngắt ngọn, không nhanh tay bấm tỉa ngọn cây sẽ mọc rất nhanh. Vì vậy, gia đình chị luôn cẩn thận và kỹ lưỡng trong các khâu chăm sóc, cũng như cắt tỉa.
Không cần phải vào Ninh Thuận các bạn trẻ có thể tự tay cắt những chùm nho sai trĩu quả ngay tại Thủ đô. |
Chỉ tay về luống nho, chị Hạnh nói thêm, khi nho bắt đầu lên giàn thì cần chọn hai cành khỏe nhất để rẽ sang hai bên, sau đó tiếp tục nuôi và giữ lại mỗi bên từ 3 đến 4 cành. Khi thân cây ra đủ 5 lá thì cần ngắt ngọn mới có quả, nếu không nho sẽ leo như dây rừng. Khi thấy cây đủ già, đảm bảo đầy đủ dinh dưỡng mới cho đậu quả, nếu cây còn yếu mà đã cho ra quả thì chất lượng sẽ rất thấp.
Các bạn nhỏ cũng hào hứng thu hoạch những chùm nho trĩu quả, chín mọng (Ảnh: Hoài Trang). |
Thông thường, một năm có hai vụ nho: Vụ đầu từ tháng 5 đến cuối tháng 7 và vụ sau từ cuối tháng 10 đến tháng 12. Nếu để tự nhiên, một số loại nho sẽ cho quả quanh năm, tuy nhiên bằng các biện pháp kỹ thuật như xử lý cắt tỉa, phun chất điều tiết sinh trưởng kết hợp với việc áp dụng các gói quy trình kỹ thuật từ làm mái che, chăm sóc, bón phân đầy đủ mới cho hiệu quả như mong muốn.
"Loại nho này khó ra hoa đậu quả một cách tự nhiên phải có biện pháp xử lý nên yêu cầu kỹ thuật rất nghiêm ngặt. Bên cạnh đó, cây tương đối mẫn cảm, thu hút nhiều loại sâu bệnh nên phải phòng trừ đúng thời điểm, đúng liều lượng...", chị Hạnh nói.
Khách tham quan tự tay hái nho và chụp ảnh lưu lại khoảnh khắc tuyệt đẹp trong khu vườn (Ảnh: Hoài Trang). |
Thời gian đầu thử nghiệm trồng nho, gia đình chị Hạnh gặp không ít khó khăn vì thời tiết không ủng hộ, chưa có mái che cây bị dính mưa, dính sương, lá xoăn. Tưởng chừng không có duyên với giống cây này, nhưng chị Hạnh và gia đình vẫn kiên định, chờ đợi cây qua giai đoạn ngủ đông.
Chia sẻ với PV Dân trí chị Hạnh nói, giống nho hạ đen ưa nắng, khi đến mùa đông lạnh và sương cần có hệ thống mái che. Để tránh tình trạng cây bị hư hại do thời tiết, gia đình chị sử dụng màng nilon có độ bền cao, ánh sáng tốt và chịu được gió giật để che. Đồng thời, kết hợp hệ thống tưới tiêu tự động có kết nối với điện thoại thông minh để tiện chăm sóc cho cây.
Các chùm nho đều sai trĩu quả có vị ngọt và thơm như rượu vang (Ảnh: Hoài Trang). |
"Khi quyết định trồng nho, gia đình tôi luôn muốn mang đến cho khách hàng những sản phẩm nông sản sạch, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của thị trường hiện nay. Thế nên, gia đình tôi sử dụng hoàn toàn phân bón hữu cơ cho cây trồng", chị Hạnh bày tỏ.
Để đảm bảo cây phát triển, gia đình chị Hạnh chia diện tích đất thành các luống, trồng gốc cách gốc một mét. Bên trên làm mái che bằng nilon để hạn chế mưa, sương, ngăn sâu bọ phát triển, sử dụng dây thép cố định khung vòm mái che và căng các hàng dây cho nho leo, các loại dây thép sử dụng để căng giàn đều là thép không gỉ.
Những ngày cuối tuần, vườn nho đón rất nhiều khách ở các địa phương về tham quan và trải nghiệm hái nho chín ăn ngay tại gốc (Ảnh: Hồng Hạnh). |
Theo chị Hạnh mái che nilon là điều kiện tiên quyết khi trồng nho hạ đen ở miền Bắc để phòng ngừa mưa gió gây ra rách lá, cây phát sinh nấm bệnh. Đất trồng nho thích ứng khá rộng, từ đất ruộng, đất bãi đến đất đồi núi thậm chí cả đất bạc màu nhưng cần phải tuyệt đối không để cây ngập nước. Sau gần một năm chăm bón, đến nay vườn nho của gia đình chị Hạnh đang trong thời điểm thu hoạch.
Thời điểm này, vườn nho đang thu hút nhiều du khách đến tham quan, trải nghiệm (Ảnh: Hoài Trang). |
"Ngày nay, nông nghiệp xanh hiện đang là xu hướng. Nông dân chúng tôi mong muốn mang đến cho thực khách, đặc biệt là giới trẻ những trải nghiệm mới ngay giữa lòng Thủ đô. Hiện tại, gia đình tôi đang mở cửa vườn nho cho người dân và du khách vào tham quan trải nghiệm miễn phí. Khách hàng có nhu cầu có thể tự tay cắt nho và cân tại vườn với giá 150.000/kg", chị Hạnh nói.
Nhiều người vô cùng thích thú khi tận tay được hái nho tại vườn (Ảnh: Hoài Trang). |
Bên cạnh hiệu quả về kinh tế, vườn nho hạ đen ở Đan Phượng còn là điểm đến tham quan của nhiều người dân và du khách vào những dịp cuối tuần.
Chị Doãn Thị Thanh, một khách tham quan tại vườn cho biết: "Được trực tiếp hái nho là một trải nghiệm mới mẻ và khá thú vị. Bạn bè và người thân của tôi đều thích thú khi đến tham quan, chụp ảnh lưu niệm tại đây. Đặc biệt, nho hạ đen ăn ngọt, thơm, không hạt, vì vậy sau khi tham quan xong, chúng tôi còn mua về làm quà".
Chị Ngà vui vẻ chụp hình lưu niệm bên những chùm nho trĩu quả (Ảnh: Hoài Trang). |
Tương tự, chị Nguyễn Thị Ngà (53 tuổi, xã Tân Lập, huyện Đan Phượng) cho biết: "Bây giờ những ai yêu thích vườn nho đẹp như tôi thì không cần đến tận Ninh Thuận, hay Đà Lạt để tham quan nữa, mà ngay tại Hà Nội cũng có. Tôi sẽ giới thiệu nhiều bạn bè, người thân đến đây tham quan và tự tay hái nho".
Theo Dân Trí
Những chuyến lang thang du lịch không đẹp đẽ như ảnh mạng
Nhiều cặp lãng mạn hóa chuyện sống du mục trên xe van, song không lên kế hoạch trước và cuối cùng bị mắc kẹt trong tình huống nguy hiểm, thậm chí ảnh hưởng tính mạng.
Kinh nghiệm hay liên quan khác
- Chàng trai du lịch vòng quanh thế giới suốt 10 năm
- Cuộc sống bên trong trại tị nạn, nhà container của người Việt rời Ukraine
- 43 tuổi, một lần 'lỡ' cùng bạn thân của vợ, tôi đau đớn tột cùng
- Chú rể đi ô tô đến gần nhà gái, nước ngập phải chèo thuyền hỏi vợ
- Cuộc thử nghiệm làm việc 4 ngày/tuần lớn nhất thế giới
- 'Thầy Công Ninh' tiết lộ cách tán đổ học trò kém 21 tuổi
- 9X đi tìm mặt bằng kinh doanh, gặp bạn trai như ý
- Mẹ đi xe máy 94 ngày, qua 25 quốc gia để thăm con
- Chồng lương thấp đưa 5 triệu/tháng, đọc tin nhắn anh gửi vợ cũ tôi rụng rời
- Khan hiếm người mang thai hộ ở Mỹ
- Người phụ nữ béo nhất thế giới có ngoại hình bất ngờ sau 10 năm
- Con khóc, mẹ luống cuống lái xe lao xuống hồ
- 'Dị nhân' gần nửa thế kỷ không ngủ bây giờ ra sao?
- Hầu hết đàn ông đều có những suy nghĩ này khi ngoại tình
- Những điều nên làm trong Tết Thanh minh
- Những kiêng kỵ trong ngày Tết Thanh minh
- Mâm lễ cúng Tết Thanh minh đầy đủ, chi tiết
- Hàng nghìn con rắn quấn dày đặc trên cây ở miền Tây
- Phát hiện chồng ngoại tình trong căn biệt thự bỏ hoang
- Bài cúng Tết Thanh minh năm 2022