Shipper tự do tắt app, doanh nghiệp bưu chính cam kết bảo vệ chuỗi cung ứng tại vùng dịch
Càng vùng dịch nặng, càng cần duy trì hoạt động của bưu tá và shipper
Trong bối cảnh dịch bệnh diễn biến rất phức tạp, để ngăn ngừa lây lan dịch, TP.HCM, Hà Nội và nhiều tỉnh thành khu vực phía Nam đang giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16.
Với TP.HCM, một “điểm nóng” về dịch Covid-19, giảm mật độ phương tiện lưu thông trên đường là giải pháp được chính quyền thành phố áp dụng mạnh mẽ. Từ ngày 26/7, ngoài yêu cầu các doanh nghiệp phải giảm 10% số shipper, lãnh đạo TP.HCM cũng yêu cầu bổ sung các đặc điểm nhận diện shipper. Đồng thời, quy định mỗi shipper chỉ được hoạt động trên địa bàn 1 quận, huyện, thành phố Thủ Đức.
Quy định địa bàn hoạt động của bưu tá, shipper từ ngày 29/7 đã được “nới” hơn khi cho phép những người vận chuyển hàng thiết yếu cho người dân được di chuyển liên quận, huyện và thành phố Thủ Đức.
Tại Hà Nội, từ ngày đầu áp dụng giãn cách xã hội, UBND thành phố đã yêu cầu dừng hoạt động vận chuyển hàng hóa bằng xe mô tô, xe 2 bánh với shipper hoạt động tự do. Bưu tá và shipper thuộc quản lý của các doanh nghiệp phải đăng ký danh sách để được Sở Giao thông vận tải cấp mã xác nhận hoạt động.
Hơn 4.000 bưu tá Vietnam Post và Viettel Post đã được cấp mã hoạt động trong thời gian giãn cách tại Hà Nội. |
Đến ngày 30/7, đã có 15.255 bưu tá và shipper được cấp mã hoạt động trong thời gian giãn cách. Trong đó, có 13.668 bưu tá của 20 doanh nghiệp bưu chính được cấp mã, chiếm hơn 89,5%.
Những ngày qua, theo phản ánh từ các doanh nghiệp cùng đội ngũ bưu tá và shipper, hoạt động giao nhận bưu gửi, hàng hóa ở một số địa phương đang giãn cách vẫn gặp khó khăn nhất định. Tại Hà Nội, trong 2 ngày đầu, một số bưu tá bị chốt kiểm soát dịch lập biên bản do bị xác định là chuyển “hàng hóa không thiết yếu”. Vướng mắc này sau đó được tháo gỡ, các bưu tá, shipper có mã xác nhận đã có thể yên tâm thực hiện nhiệm vụ.
Với TP.HCM, không chỉ shipper tự do mà có cả shipper của các đơn vị, doanh nghiệp cũng nghỉ việc, tắt app giao hàng do điều kiện làm việc bị hạn chế và lo lắng bị lây nhiễm dịch, bị phạt khi đi qua các chốt kiểm dịch. Đại diện Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam cho rằng: "Nếu nhiều shipper nghỉ việc sẽ dẫn đến khủng hoảng, đứt gãy chuỗi cung ứng phục vụ người dân các địa phương đang giãn cách".
Trong cuộc họp ngày 30/7 của Bộ TT&TT với Vietnam Post, Viettel Post và 19 Sở TT&TT các tỉnh phía Nam đang giãn cách để thúc đẩy tiêu thụ nông sản trên các sàn TMĐT, Thứ trưởng Phạm Anh Tuấn một lần nữa nhấn mạnh vai trò của các bưu tá, shipper trong duy trì chuỗi cung ứng tại các địa phương.
Tại “Diễn đàn trực tuyến kết nối cung cầu sản phẩm trồng trọt trong điều kiện Covid-19” vào chiều 29/7, Thứ trưởng Phạm Anh Tuấn cũng đề nghị 19 tỉnh phía Nam tạo điều kiện cho bưu tá, shipper hoạt động. Theo Thứ trưởng, tình hình dịch càng căng, càng thắt chặt thì càng phải cho phép hoạt động với bưu tá, shipper của các doanh nghiệp có thể kiểm soát được.
Lực lượng bưu tá nhận trách nhiệm chính đảm bảo chuỗi cung ứng hàng hóa
Đánh giá về tình trạng các shipper tự do phải ngừng hoạt động, nhiều shipper của các doanh nghiệp tại một số địa phương đang giãn cách chọn nghỉ việc, tắt app giao hàng, đại diện Vietnam Post cho rằng điều này có thể khiến lưu thông hàng hóa bị đình trệ, thậm chí chuỗi cung ứng bị đứt gãy.
Cho rằng việc các shipper chọn nghỉ việc, tắt app giao hàng cũng là điều dễ hiểu trong giai đoạn dịch căng thẳng hiện nay, đại diện Viettel Post phân tích: nguyên nhân do hoạt động khó khăn hơn và nguy cơ bị lây nhiễm dịch bệnh cũng cao hơn nếu không có các biện pháp phòng dịch hiệu quả, toàn diện. “Dù với nguyên nhân gì, tình trạng này xét cho cùng vẫn để lại một lỗ hổng trên luồng vận chuyển hàng hóa tại các địa phương đang giãn cách”, đại diện Viettel Post nhận định.
Vietnam Post và Viettel Post đã làm việc với hơn 50 siêu thị, cửa hàng thực phẩm để phối hợp chuyển hàng đến người dân tại các địa phương giãn cách. |
Với khoảng 8.000 bưu tá đã được cấp mã hoạt động tại Hà Nội và TP.HCM, 2 doanh nghiệp bưu chính lớn Vietnam Post và Viettel Post đang có đóng góp quan trọng vào việc đảm bảo cung ứng hàng hóa thiết yếu đáp ứng nhu cầu của người dân 2 thành phố.
“Công tác tại Bưu điện Hà Nội đã gần 20 năm nhưng chưa bao giờ tôi cảm nhận trọng trách, trách nhiệm phục vụ người dân lại lớn lao đến vậy. Bưu tá giờ không đơn thuần là làm công việc thường nhật mà là đang phục vụ xã hội. Đi làm mùa dịch dù gặp một số khó khăn nhưng chúng tôi sẽ vượt qua để góp một phần nhỏ công sức cho cuộc chiến này”, bưu tá Nguyễn Quang Huy, phường Hoàng Mai chia sẻ.
Tổng giám đốc Viettel Post Trần Trung Hưng nhấn mạnh: “Với doanh nghiệp bưu chính, lúc này giao nhận hàng không còn là công việc mưu sinh mà là sứ mệnh, trách nhiệm bảo vệ chuỗi cung ứng hàng hóa. Chúng tôi đang sống và làm việc với tinh thần của người lính trong cuộc chiến chống dịch bệnh. Vì thế, dù có phải làm thêm 200% sức lực, chúng tôi cũng sẽ đảm bảo cung ứng thực phẩm, hàng thiết yếu cho người dân”.
Khẳng định cung ứng hàng thiết yếu tại các địa phương giãn cách là nhiệm vụ được ưu tiên số 1, đại diện Vietnam Post cho hay, để hàng hóa lưu thông thông suốt, được chuyển phát nhanh chóng và an toàn, những ngày qua, không chỉ bổ sung đội ngũ phát hàng mà các bưu tá và nhân viên phát xã của Bưu điện cũng tăng ca, tăng giờ làm.
Ngoài ra, tại Hà Nội, TP.HCM và một số địa phương đang giãn cách, Vietnam Post và Viettel Post đã và đang làm việc với các siêu thị, cửa hàng thực phẩm, sàn TMĐT để phối hợp vận chuyển, phát những đơn hàng online của các đơn vị tới người dân. Đại diện 2 doanh nghiệp đều cam kết sẽ thúc đẩy việc này trong vài ngày tới nhằm đảm bảo cung cấp thực phẩm, hàng hóa tới từng địa chỉ người dân yêu cầu, giúp họ yên tâm chống dịch.
Vân Anh
Bộ TT&TT đề xuất cho shipper hoạt động, doanh nghiệp phải quản lý đảm bảo an toàn
Xuất phát từ quan điểm cần cho phép hoạt động các shipper có doanh nghiệp quản lý, chịu trách nhiệm về phòng dịch, Bộ TT&TT đã đề xuất duy trì hoạt động đội ngũ nhân viên giao hàng (shipper) tại các tỉnh, thành đang giãn cách.
Tin công nghệ liên quan khác
- Lập trình viên Lâm Thế Kiên : Không ngại quay trở về vạch xuất phát để tìm lại đam mê thực sự
- iPhone 14 Pro Max lộ thông số camera và thiết kế mới
- Sau NFT Trịnh Văn Quyết, nở rộ NFT đặt theo tên tỷ phú Việt
- Tiền điện tử: ‘Viên đạn bạc' trong cuộc chiến Nga-Ukraine?
- Ba điều Bill Gates hối tiếc nhất trong cuộc đời mình
- FPT.eSign - Giải pháp ký số từ xa ‘được lòng’ doanh nghiệp
- Công bố các nền tảng số quốc gia về họp trực tuyến trong tháng 6
- Tiết lộ thời điểm ra mắt iPhone màn hình gập
- NFT Trịnh Văn Quyết: Bán 400 triệu không ai mua, chốt giá 120.000 đồng
- Huawei muốn đưa Thái Lan trở thành quốc gia 5G hàng đầu ASEAN
- Smartphone có thực sự cần miếng dán bảo vệ màn hình?
- Sau Axie Infinity của người Việt, thêm một dự án crypto bị hack hàng triệu USD
- Công nghệ thúc đẩy giải quyết nhanh thủ tục hành chính tại tỉnh Quảng Nam
- Galaxy S22 Ultra sẽ ‘bất khả chiến bại’ nếu khắc phục những điều này
- Khoảnh khắc nữ tài xế đối mặt 3 tên cướp nóng nhất mạng xã hội
- “Xin đừng xoáy thêm vào nỗi đau của những người trong cuộc”
- Tối ưu hiệu năng, tăng tốc phát triển với CMC Kubernetes Engine
- Yêu cầu các mạng xã hội, trang tin điện tử gỡ video và thư tuyệt mệnh của nam sinh tự vẫn
- "Tôi mong mọi người ngưng bình luận thư tuyệt mệnh và hãy ôm lấy con mình"
- Đưa 6 triệu đoàn viên thanh niên thành hạt nhân chuyển đổi số