Nỗi buồn bố mẹ giấu sau nụ cười

08/12/2021
10h tối, tôi quyết định tắt chuông điện thoại, mặc những tin nhắn túa ra từ hàng chục group chat của bạn bè, họ không ngừng réo gọi tôi: “Bà cụ non đâu rồi?”; “Chẳng nhẽ giờ này nó đã đi ngủ rồi á?”...

Tôi đã quá quen với những lời trêu chọc của bạn bè. Thật ra những gì họ nghĩ về tôi không sai chút nào. So với họ, tôi quá khác biệt. Tôi không thích tụ tập cà phê, chém gió, cũng chẳng thích hẹn họ.

Mỗi dịp được nghỉ học, điều duy nhất tôi có thể nghĩ đến là được về nhà với bố mẹ. Những đợt bận học, phải ở lại thành phố hơi lâu, tôi thích nhất cảm giác nằm trên giường, đắp chiếc chăn mỏng, nhắm mắt lại và nhớ về những kỷ niệm thuở ấu thơ.

Tôi nhớ, khi tôi còn nhỏ, mẹ thường chuẩn bị đồ ăn sáng vào mỗi buổi tối hôm trước. Có lần, tôi thấy mẹ rất mệt mỏi sau một ngày bận rộn đủ thứ việc ở công trường, nhưng mẹ vẫn không từ bỏ thói quen chuẩn bị bữa sáng cho cả nhà.

Hôm sau, tôi thấy mẹ đặt lên bàn một chảo cơm rang hơi cháy. Vì không đủ thời gian để chuẩn bị món khác, mẹ tỏ vẻ áy náy: “Xin lỗi hai bố con, đáng lẽ em nên tập trung hơn trong lúc nấu ăn”.

Trái với suy đoán của tôi, bố không hề cáu kỉnh, ngược lại, ông nở một nụ cười dịu dàng, nhiệt tình ăn hết bát cơm. Trong lúc ăn, bố còn hỏi tôi: “Hôm nay con vẫn đi học bình thường chứ? Trường con dạo này có gì vui không?”. Tôi không thể nhớ mình đã kể những gì cho bố nghe, nhưng tôi thấy rõ ràng ông đã vét sạch cả chảo cơm rang với thái độ vô cùng vui vẻ.

Khi tôi đứng dậy và nhanh chóng di chuyển ra khỏi bàn ăn, tôi nghe tiếng mẹ nói với bố, rất khẽ: “Xin lỗi anh nhé, em...”. Câu trả lời của bố càng khiến tôi ngạc nhiên: “Sao em cứ xin lỗi mãi thế? Anh thấy cơm em rang rất ngon mà, có cháy chỗ nào đâu nhỉ. Cơm ngon, ngậy và giòn, anh rất thích. Ngoài hàng cũng không kiếm được đầu bếp nào rang cơm ngon như vợ của anh”.

Hôm đó, trở về từ trường học, tôi chạy đến bên bố trong lúc ông đang cặm cụi sơn lại cánh cửa sổ, tôi hỏi thầm: “Bố ơi, bố thực sự thích ăn cơm rang bị cháy ạ?”. Bố buông chổi quét sơn, quệt tay vào chiếc tạp dề rồi xoa đầu tôi: “Cơm rang cháy nào con nhỉ? Bố không nhớ nữa. Bố chỉ biết là hôm qua mẹ con đã có một ngày dài vất vả, mẹ con đã thấm mệt vì công việc. Với lại, kể cả được ăn thêm vài bữa cơm rang cháy nữa, bố vẫn thấy mình may mắn và hạnh phúc, con gái yêu ạ”.

Tối hôm đó, tôi ở trong phòng riêng, trùm chăn lên đầu và bắt đầu miên man với những suy nghĩ. Tôi không còn nhỏ, nhưng đủ lớn để biết quan sát và cảm nhận được sự vất vả, thậm chí cả nỗi buồn mà bố mẹ thường giấu sau những nụ cười. Tôi biết, cuộc sống và công việc của bố mẹ không hoàn hảo. Họ không phải là những người xuất sắc nhất. Tôi nghĩ, sau này lớn lên, có lẽ tôi cũng vậy.

Tôi có thể là người sống tình cảm, nhưng cũng có lúc tôi quên cả ngày sinh nhật của bố mẹ, hoặc không thể nhớ những dịp kỷ niệm đặc biệt của gia đình. Nhưng tôi biết rằng mình sẽ chấp nhận cả những điều chưa hoàn hảo của bản thân. Cũng giống như bố không bao giờ chấp nhặt những lỗi lầm nhỏ của mẹ.

Tôi học trên thành phố, không ít lần bố gọi tôi, giọng sốt sắng: “Ôi, con gái yêu ơi, xin lỗi con nhé, mấy hôm bố quên gửi tiền cho con. Sao con không nhắc bố? Nhiều việc quá nên bố không nhớ ra...”.

Tôi đáp lại bố: “Không sao đâu bố ơi! Con quên chưa khoe bố là tháng vừa rồi con được lĩnh học bổng, con vẫn đủ tiền để tiêu mà. Bố đừng lo”.

Càng lớn, tôi càng hiểu và nể cách cư xử của bố: Bỏ qua những lỗi lầm, tôn vinh sự khác biệt của nhau là một trong những chìa khóa quan trọng nhất để tạo ra một mối quan hệ gia đình lành mạnh và bền chặt.

Theo Giáo dục & Thời đại

Đời chìm nổi của mẹ và tình yêu của người cha bị 'trời hành'

Đời chìm nổi của mẹ và tình yêu của người cha bị 'trời hành'

Nghe mọi người kể lại, khi lấy nhau, bố mình đã 24, mẹ thì 20 tuổi mà ngố cực kì. Vì chưa muốn có con nên hai cụ ấy khi đi ngủ nằm lộn đầu đuôi!