Nền tảng công nghệ chống dịch thống nhất, liên thông toàn quốc

04/08/2021
Có một số nền tảng CNTT thống nhất, liên thông toàn quốc sẽ phục vụ tốt nhất cho công tác phòng dịch Covid-19.

6 nền tảng công nghệ phục vụ phòng chống dịch Covid-19 

Thời gian qua, Bộ TT&TT đã huy động nhiều nguồn lực để xây dựng các nền tảng công nghệ hỗ trợ cho công tác phòng, chống dịch bệnh.

Đến nay, Bộ đã triển khai trọn bộ 6 nền tảng công nghệ phục vụ phòng, chống dịch Covid-19, bao gồm: Nền tảng khai báo y tế và quản lý vào ra các địa điểm cộng cộng bằng QR Code; Nền tảng quản lý tiêm chủng Covid-19; Nền tảng quản lý lấy mẫu xét nghiệm và trả kết quả xét nghiệm; Nền tảng hỗ trợ truy vết; Nền tảng giám sát cách ly; Nền tảng phân tích số liệu phục vụ công tác chỉ đạo điều hành của lãnh đạo.

Trong đó, có 3 nền tảng công nghệ phòng chống dịch Covid-19 bắt buộc dùng chung trên toàn quốc. Các nền tảng này do Trung tâm Công nghệ phòng chống dịch Covid-19 quốc gia phát triển, bao gồm: Nền tảng khai báo y tế điện tử và quản lý thông tin người ra vào địa điểm công cộng bằng mã vuông QR Code; Nền tảng hỗ trợ lấy mẫu và trả kết quả xét nghiệm theo hình thức điện tử trực tuyến và Nền tảng quản lý tiêm chủng Covid-19.

Nền tảng công nghệ chống dịch thống nhất, liên thông toàn quốc
Thứ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Huy Dũng phát biểu tại hội thảo. (Ảnh: Hải Đăng)

Ngày 3/8, Bộ TT&TT tổ chức Hội nghị trực tuyến Phổ biến kinh nghiệm triển khai các nền tảng này trên toàn quốc.

Thứ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Huy Dũng nhấn mạnh 3 yếu tố quan trọng khi sử dụng công nghệ trong phòng chống dịch bệnh: công nghệ là công cụ không thể thiếu, tiếp tục sử dụng và hoàn thiện các nền tảng và cần có một số nền tảng công nghệ liên thông cả nước.

Thứ trưởng Nguyễn Huy Dũng khẳng định, với sức lây lan nhanh của chủng Delta, chắc chắn công nghệ là công cụ không thể thiếu nếu muốn chống dịch hiệu quả.

Bộ Y tế, Bộ TT&TT đã thống nhất, đồng lòng cùng triển khai Trung tâm công nghệ Quốc gia phòng, chống dịch Covid-19. Vì vậy, Thứ trưởng đề nghị các Sở Y tế và TT&TT nhanh chóng tham mưu, đề xuất địa phương phân công một lãnh đạo tỉnh trực tiếp chỉ đạo triển khai công nghệ, thành lập Tổ công nghệ do Sở Y tế, Sở TT&TT đồng chủ trì.

Đặc biệt, nếu có thể thành lập được các Tổ công nghệ cộng đồng đến tận phường, xã để hỗ trợ triển khai với sự tham gia của lực lượng thanh niên, các doanh nghiệp sẽ rất hiệu quả.

Thứ hai, công nghệ không bao giờ là lời giải duy nhất bởi tự thân công nghệ không thể giải quyết vấn đề. Công nghệ phải kết hợp với các biện pháp quản lý hành chính, biện pháp nghiệp vụ khác mới trở thành một giải pháp trọn vẹn. Công nghệ, cũng giống như mọi công cụ khác, đều có khiếm khuyết. Vì vây, cần liên tục sử dụng, ghi nhận và phản ánh lỗi, cập nhật và sửa lỗi. Mặt khác, phải phổ biến những kinh nghiệm, bài học, kết quả triển khai hiệu quả để vững tin đi tiếp.

Thứ ba, công nghệ phải có sự bắt buộc, phải triển khai thống nhất trên toàn quốc. Đây là khác biệt cơ bản giữa thời bình và “thời chiến”. Ở thời bình, có thể triển khai theo cách đa dạng ứng dụng, liên thông dữ liệu. Nhưng ở “thời chiến”, bắt buộc phải triển khai một số nền tảng thống nhất trên toàn quốc.

Dịch bệnh xảy ra nhiều nơi, người dân ở TP.HCM có thể di chuyển xuống Bình Dương hoặc ngược lại, nên phải có dữ liệu toàn quốc.

Trung tâm Công nghệ Quốc gia đã phát triển bộ công cụ để phục vụ phòng, chống dịch. Chính phủ ban hành Nghị quyết số 78, Bộ Y tế, Bộ TT&TT đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo cụ thể. Trung tâm Công nghệ phòng, chống dịch Quốc gia biên soạn tài liệu hướng dẫn chi tiết, gửi các đầu mối.

Vì vậy, Thứ trưởng Nguyễn Huy Dũng đề nghị các sở căn cứ vào văn bản này để tham mưu cho UBND tỉnh ban hành đầy đủ các văn bản chỉ đạo ở địa phương mình.

Kinh nghiệm chống dịch của địa phương

Tại hội thảo, các địa phương như TP.HCM, Bà Rịa-Vũng Tàu, Bắc Giang cho biết đã triển khai một số nền tảng công nghệ phục vụ công tác chống dịch. Việc áp dụng công nghệ giúp dữ liệu được số hoá và tập trung, giảm tải cho lực lượng tham gia chống dịch.

Nền tảng công nghệ chống dịch thống nhất, liên thông toàn quốc
Quang cảnh hội thảo tại đầu cầu TP.HCM. (Ảnh: Hải Đăng)

Bà Rịa - Vũng Tàu đã thí điểm dùng Bluezone trong việc tiếp nhận người dân tại địa điểm lấy mẫu xét nghiệm. Ông Lê Văn Tuấn, Giám đốc Sở TT&TT tỉnh cho biết, ở giai đoạn đầu, dữ liệu của người đến lấy mẫu được viết bằng tay, sau đó đến cuối ngày nhập vào file Excel trên máy tính gửi qua Trung tâm kiểm soát dịch bệnh của tỉnh nên khá mất thời gian. 

Nhằm đẩy nhanh việc này, Sở TT&TT thí điểm quét mã QR của người đã khai báo trên ứng dụng Bluezone trước khi đến lấy mẫu. Do người dân đã khai báo thông tin trên Bluezone, khi đến địa điểm lấy mẫu chỉ cần đưa QR Code của mình để tình nguyện viên quét mã xác nhận, sau đó đến khu vực lấy mẫu.

Theo tính toán của ông Tuấn, người dân dùng Bluezone kể từ khi quét mã đến khi hoàn thành lấy mẫu chỉ mất chưa đến 1 phút. Cuối ngày có kết quả trả về qua ứng dụng. 

Dùng Bluezone xác nhận người lấy mẫu giúp tận dụng nguồn dữ liệu có sẵn của nền tảng này. Việc triển khai cũng dễ dàng do phần mềm quét QR chỉ cần cài trên điện thoại hoặc máy tính của tình nguyện viên. Cuối cùng, dữ liệu tập trung nên rất dễ cho công tác quản lý.

Từng là “điểm nóng” Covid của cả nước, Bắc Giang đã sử dụng các điểm check-in khai báo y tế để khoanh vùng các khu công nghiệp, địa điểm có nguy cơ lây nhiễm. Ông Nguyễn Gia Phong, Phó Giám đốc Sở TT&TT Bắc Giang cho biết: Trong giai đoạn tỉnh bùng phát dịch bệnh, đoàn công tác của Bộ Y tế đã tư vấn khoanh vùng công nhân ở khu công nghiệp để dập dịch.

Trước đây, việc khai báo y tế của công nhân được thực hiện bằng tay nên thống kê rất khó khăn. Sau đó, phía Bộ TT&TT đề xuất tỉnh tăng cường ứng dụng CNTT trong khai báo y tế, càng nhiều người khai báo càng tốt. Việc này đảm bảo nắm thông tin nhanh nhất các khu vực, đối tượng có nguy cơ lây nhiễm để khoanh vùng.

Sau đó, tỉnh đã ban hành chỉ thị yêu cầu người dân cài đặt phần mềm khai báo y tế; giao các địa phương phải hoàn thành chỉ tiêu số lượng người cài đặt ứng dụng. Tại những địa điểm này sẽ có mã QR để người dân quét và khai báo. Nếu không có smartphone thì phải có thẻ bảo hiểm y tế hoặc mã QR cứng được in ra, trình tại các điểm check-in.  

Phó Giám đốc Sở TT&TT Bắc Giang đề xuất Bộ TT&TT phối hợp với Bộ GTVT và Bộ Y tế để liên thông mã QR đang dùng hiện nay. Lý do là mã QR của Bluezone đang không liên thông với mã QR mà Bộ GTVT cấp cho tài xế xe tải. 

Đồng thời, trong phần mềm khai báo y tế nên có thêm kết quả xét nghiệm. Nghĩa là, nên liên thông phần mềm tiêm chủng, xét nghiệm với Bluezone để thuận tiện, thống nhất trong việc quản lý.

Ông Đỗ Công Anh - Phụ trách điều hành Cục Tin học hoá (Bộ TT&TT) đánh giá cao kết quả đạt được của các địa phương trong việc ứng dụng CNTT vào công tác phòng dịch. Qua công tác hỗ trợ, đại diện Cục Tin học hóa nhận thấy mỗi địa phương có một nhu cầu khác nhau, tuỳ theo tình hình thực tế. Chẳng hạn, có tỉnh cần nền tảng tiêm chủng, có nơi cần truy vết, có địa phương cần mã QR để khoanh vùng dập dịch. Bộ TT&TT cam kết hỗ trợ các địa phương trong quá trình tận dụng CNTT phục vụ đời sống người dân, phục vụ công cuộc chống dịch rất bức thiết hiện nay.

Hải Đăng

Ứng dụng công nghệ ngay từ đầu trong chiến dịch tiêm chủng để người dân không thiệt thòi

Ứng dụng công nghệ ngay từ đầu trong chiến dịch tiêm chủng để người dân không thiệt thòi

Phó Cục trưởng phụ trách Cục Tin học hóa Đỗ Công Anh nhấn mạnh, nếu các địa phương không ứng dụng công nghệ ngay từ đầu trong chiến dịch tiêm chủng vắc xin phòng Covid-19 thì người dân sẽ bị thiệt thòi.

Tin công nghệ liên quan khác