Mê loài cỏ có mùi thơm, quý ông xuất ngoại rước về chăm sóc

03/11/2021
Thuần dưỡng, chăm sóc, biến cỏ thạch xương bồ thành các tác phẩm nghệ thuật đang trở thành thú chơi thu hút nhiều người.

Cỏ thơm thạch xương bồ

Đèn đêm bật sáng, pha ấm hồng trà, anh Hoàng Thế Cường (SN 1983, ngụ tỉnh Quảng Bình) ra góc vườn xanh mướt ngắm cỏ cây. Anh nhẫn nại ngồi ve vuốt, cắt tỉa những chiếc lá úa vàng trên khóm cỏ màu xanh biếc, trồng trên chiếc chậu sành, lọt thỏm trong lòng bàn tay.

Khóm cỏ xanh nõn ấy là thạch xương bồ, loại cỏ đang thu hút, mê hoặc người yêu thiên nhiên, có tâm hồn nghệ thuật. Anh Cường đến với thú chơi thạch xương bồ từ 2 năm trước. Càng tìm hiểu, càng chơi, anh càng mê mẩn với loại cỏ thơm này.

Mê loài cỏ có mùi thơm, quý ông xuất ngoại rước về chăm sóc
Anh Cường ra vườn ngắm, chăm sóc những chậu thạch xương bồ của mình.

Loài cỏ thạch xương bồ được mọi người đón nhận vì đặc tính sống bền, có mùi thơm cùng nét đẹp thanh nhã, phù hợp với việc trang trí bàn trà, thư phòng…

“Bây giờ, thạch xương bồ gần như không thể thiếu trên bàn trà của nhiều trà hữu. Thú chơi loại cỏ này cũng ngày một lan toả. Đối với người chơi, thạch xương bồ không đơn thuần chỉ là một loại cỏ. Nó đã trở thành một thú chơi, một tác phẩm nghệ thuật”, anh Cường cho biết.

Mê loài cỏ có mùi thơm, quý ông xuất ngoại rước về chăm sóc
Hiện, vườn của anh có khoảng 200 chậu thạch xương bồ.

Với anh Lê Kha (SN 1985, ngụ tỉnh Đồng Tháp, người sáng lập Hội quán Thạch xương bồ Việt Nam), thạch xương bồ mang vẻ đẹp kỳ mỹ. 

Bởi, ngoài thiên nhiên, bên những vách đá, con suối cheo leo, thạch xương bồ vững chãi bám trụ, xanh tốt bốn mùa. Khi vào thư phòng của văn nhân, nét uyển chuyển, mượt mà của loài cỏ thơm vẫn không giảm đi.

Mê loài cỏ có mùi thơm, quý ông xuất ngoại rước về chăm sóc
Anh Lê Kha có đủ 20 loại thạch xương bồ với vài nghìn chậu cây. 

Thậm chí, nó còn mang âm hưởng thiên nhiên hoang dã đến cho không gian của người chơi. Người chơi có thể chiêm ngưỡng vẻ đẹp của thạch xương bồ không chỉ qua hình dáng mà còn cả ở hương thơm của nó.

“Thạch xương bồ còn là một vị thuốc lâu đời. Chúng chứa nhiều tinh dầu nên có mùi thơm nồng, sâu. Trong không gian tĩnh mịch, ta có thể ngửi thấy mùi hương của thạch xương bồ tỏa ra. Nhưng nếu chúng ta không đủ nhạy cảm để nhận biết thì một cái vuốt tay sẽ làm thạch xương bồ tỏa hương phảng phất”, anh Kha nói.

Mê loài cỏ có mùi thơm, quý ông xuất ngoại rước về chăm sóc
Những chậu thạch xương bồ của anh Sơn Tùng.

Hiện nay, có rất nhiều người, thuộc nhiều tầng lớp đam mê sưu tập, trồng các loại thạch xương bồ. Trên mạng xã hội hiện có khoảng 3-4 diễn đàn lớn về thạch xương bồ, thu hút trên dưới 10.000 thành viên sinh hoạt, chia sẻ, trao đổi loại cỏ này.

Hiện nay, các loại thạch xương bồ như: Kim Tiền, Hổ Tu, Thiên Nga Nhung, Chính Tông, Long Nguyệt… rất được người chơi săn đó. Chúng được nhập về từ Trung Quốc dưới dạng cây phôi.

Mê loài cỏ có mùi thơm, quý ông xuất ngoại rước về chăm sóc
Mỗi chậu thạch xương bồ như một tác phẩm nghệ thuật.

Tùy từng loại, năm tuổi, phôi thạch xương bồ được nhập về với mức giá từ vài chục nghìn đồng đến dưới 1 triệu đồng/cây phôi. Đắt đỏ nhất là loại thạch xương bồ có tên Quần Thanh. Giá phôi Quần Thanh tại Trung Quốc lên đến 500-700.000 đồng/phôi. Đây là một trong những loại thạch xương bồ rất hiếm gặp.

Trong nước, tại các tỉnh miền núi phía Bắc có loại dã xương bồ cũng được người chơi săn tìm. Dã xương bồ có lá lớn, thân to. Chúng thường được người dân dùng để ngâm làm thuốc thậm chí nấu chung với món thắng cố nổi tiếng.

Mê loài cỏ có mùi thơm, quý ông xuất ngoại rước về chăm sóc
Ngày càng nhiều người đam mê sưu tầm, trồng thạch xương bồ. 

“Tại miền Trung, nơi thượng nguồn sông Hương cũng có một loại thạch xương bồ. Người ta hay gọi là thạch xương bồ Huế. Có ý kiến cho rằng, cái tên sông Hương cũng bắt nguồn từ mùi hương tỏa ra từ loại thạch xương bồ mọc ở thượng nguồn con sông này. Thạch xương bồ Huế cũng rất được người chơi ưa chuộng”, anh Cường thông tin thêm.

"Nghề chơi cũng lắm công phu"

Người chơi cho biết, nếu không tính các loại đột biến, hiện nay có khoảng 20 loại thạch xương bồ. Chúng có thể sống ở mọi môi trường từ trồng cạn, bán cạn, thuỷ canh hay ký đá, gỗ lũa…

Mê loài cỏ có mùi thơm, quý ông xuất ngoại rước về chăm sóc
Thạch xương bồ có thể kết hợp với nhiều loại vật liệu khác nhau để tạo nên các tiểu cảnh đầy nghệ thuật.

Tuy vậy, với những loại nhập từ Trung Quốc, khi mua về, người chơi cần phải thuần dưỡng, làm cho cây “chấp nhận” khí hậu Việt Nam. Tùy vào kinh nghiệm của mỗi người, công đoạn này thường diễn ra trong vòng một tháng hoặc lâu hơn.

Khi cây đã thuần khí hậu Việt Nam, người chơi có thể tùy ý lên ý tưởng, kết hợp thạch xương bồ với các loại cây cỏ, đá, gỗ… để tạo thành những tiểu cảnh, tác phẩm cây cảnh đậm chất nghệ thuật.

Mê loài cỏ có mùi thơm, quý ông xuất ngoại rước về chăm sóc

“Lúc này, mỗi chậu thạch xương bồ như một tác phẩm nghệ thuật. Người chơi đặt cả tâm tư, tình cảm, tính nghệ thuật vào chậu cây ấy để làm sao cho tác phẩm này vừa đẹp trong mắt mình vừa đẹp trong mắt mọi người”, anh Cường chia sẻ.

Anh Lê Kha cũng khẳng định, đây là một thú chơi nghệ thuật. Và, tùy vào mục đích của mỗi người mà thú chơi ấy đơn giản hay phức tạp, công phu.

Mê loài cỏ có mùi thơm, quý ông xuất ngoại rước về chăm sóc
Thạch xương bồ hổ tu.

Anh nói: “Thú chơi thạch xương bồ thật ra muốn đơn giản thì cũng khá đơn giản. Chúng ta có thể chọn 1 loại mà mình ưa thích về trồng trong cái chậu mình cảm thấy ưng ý. Nếu có thể, mình cho thêm đá và ít rêu là chơi được rồi”.

“Còn nếu nói thú chơi này cầu kỳ thì cũng rất cầu kỳ”, anh nói thêm.

Mê loài cỏ có mùi thơm, quý ông xuất ngoại rước về chăm sóc
Thạch xương bồ Quần Thanh hiếm gặp và đắt đỏ.

Lúc này, người chơi phải tốn thời gian, công sức, tâm huyết để tìm chậu phù hợp với khóm cỏ. Người chơi cũng hết sức dụng công trong việc tìm ra viên đá, đoạn gỗ, miếng ngói như thế nào cho phù hợp với chậu trồng, khóm cỏ.

Khi đã có nguyên liệu, người chơi cũng cần xếp đặt bố cục sao cho hợp lý, nghệ thuật. Thế nên, để tạo ra tác phẩm thạch xương bồ vừa thể hiện cái nhìn nghệ thuật cá nhân của người chơi vừa mô phỏng thiên nhiên một cách hài hòa là điều không hề đơn giản.

Mê loài cỏ có mùi thơm, quý ông xuất ngoại rước về chăm sóc
Thạch xương bồ và đá. 

Ngoài ra, để nuôi dưỡng, chăm sóc tác phẩm nghệ thuật được tạo tác từ cỏ thạch xương bồ và các loại vật liệu khác, người chơi cũng cần có những sự tỉ mỉ, kiên nhẫn nhất định. Anh Trần Sơn Tùng (ngụ TP.Hà Nội) nói vui rằng, "nghề chơi" thạch xương bồ "cũng lắm công phu".

Mùa nóng, anh phải cấp ẩm cho cây bằng cách tưới phun sương. Anh cũng có nhiệt kế để đảm bảo nhiệt độ trong vườn luôn ở ngưỡng lý tưởng cho những chậu cỏ thơm của mình.

Mê loài cỏ có mùi thơm, quý ông xuất ngoại rước về chăm sóc
Tiểu cảnh đẹp với thạch xương bồ.

Thạch xương bồ không ưa nắng, nếu cần cho cây quang hợp, anh chỉ cho cây vào góc sân có nắng từ 7h-9h sáng mỗi ngày. Thậm chí, anh phải mua cây có tán rộng trồng xung quanh thạch xương bồ để che nắng cho cây.

“Nghề chơi cũng lắm công phu nhưng đổi lại tôi có được cảm giác thư thái, thoải mái mỗi khi ngắm những tác phẩm nghệ thuật được tạo tác từ thạch xương bồ. Quan trọng hơn, tôi được thỏa mãn niềm đam mê của mình”, anh nói Tùng nói.

Bài:Nguyễn Sơn

Ảnh:Thế Cường - Lê Kha - Sơn Tùng

Quý ông mê mẩn loài cây mọc bờ ruộng, chi chục triệu rước về

Quý ông mê mẩn loài cây mọc bờ ruộng, chi chục triệu rước về

Bonsai hoa trinh nữ đang được giới chơi cây cảnh săn đón. Nhiều người mê mẩn loài hoa dại này bởi cây biết xếp lá, khép nép, e lệ như thiếu nữ.