Hệ sinh thái cho Đại học số tại PTIT đã bước đầu được hình thành

20/11/2021
Các hoạt động chuyển đổi số giáo dục, dần hình thành một hệ sinh thái cho Đại học số đang tiếp tục được Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông (PTIT) đẩy mạnh. Nhiều hoạt động của nhà trường đã được chuyển lên môi trường số.

“Đại học số” không còn xa vời

Dịp kỷ niệm Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11 năm nay thật đặc biệt và ấn tượng với các giảng viên, sinh viên và người làm quản lý giáo dục tại Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông (PTIT).

Do ảnh hưởng của dịch bệnh, thay vì tổ chức lễ tri ân trực tiếp, ngoài những lời chúc được gửi qua các kênh kết nối trực tuyến như mạng xã hội nội bộ PTIT S-Link, các group và fanpage của trường, các khoa, các thầy cô tại PTIT còn nhận được những quà tặng độc đáo là các video dự thi Báo tường 4.0 dành cho sinh viên toàn trường.

Hệ sinh thái cho Đại học số tại PTIT đã bước đầu được hình thành
Tại lễ tốt nghiệp trực tuyến, PTIT đã công bố thiết lập mạng lưới cựu sinh viên, học viên.

Ngay trước đó, ngày 18/11, hơn 1.000 học viên, sinh viên Học viện đã ghi dấu chặng đường học tập, rèn luyện bằng lễ tốt nghiệp trực tuyến chưa từng có trong lịch sử 24 năm hoạt động của PTIT.

Lần lượt vào các ngày 15/10 và 25/10, nhà trường cũng lần đầu tổ chức lễ khai giảng năm học mới và tuần lễ kết nối việc làm cho sinh viên theo phương thức trực tuyến. Và còn rất nhiều hoạt động được thầy và trò PTIT chuyển dịch từ môi trường trực tiếp quen thuộc lên không gian mạng nhờ sự hỗ trợ của các công cụ, phương tiện số.

Hiện tại, các giảng viên, sinh viên tại PTIT không còn thấy các khái niệm chuyển đổi số, đại học số là mới mẻ, xa vời. Từng ngày từng giờ, họ đã làm quen với việc học tập, giảng dạy trên không gian số.

Theo chia sẻ của Tiến sĩ Đặng Hoài Bắc, Phó Giám đốc Học viện, 2 năm vừa qua, kế hoạch giảng dạy - học tập của thầy và trò Học viện đã có nhiều xáo trộn do dịch bệnh. Các ứng dụng công nghệ, nền tảng chuyển đối số giúp việc dạy - học thuận lợi hơn, mang lại cơ hội trải nghiệm mô hình thí điểm đại học số đầu tiên tại Việt Nam.

Qua 2 đợt bùng phát dịch bệnh trong năm nay, tại 2 cơ sở đào tạo của Học viện đã tổ chức đào tạo trực tuyến cho gần 90.000 lượt sinh viên với 196 môn học, hơn 1.400 lớp học online cho hơn 12.000 sinh viên. Lần đầu tiên, Học viện tổ chức thi và bảo vệ đồ án, khóa luận trực tuyến cho gần 55.000 lượt sinh viên.

Đa số các học phần thực hành, đặc biệt là những môn học lập trình CNTT được thực hiện trên nền tảng thực hành thông minh D-Lab, giúp sinh viên có thể thực hành mọi lúc mọi nơi, tự đánh giá được kết quả, cá nhân hóa việc thực hành theo trình độ với hơn 2,5 triệu lượt nộp bài tập, 2.100 bài tập và 7.000 sinh viên tham gia sau gần 1 năm triển khai. Các hệ thống học liệu số dạng MOOC (học liệu mở) từng bước được triển khai tại Học viện.

“Từ góc độ cá nhân, tôi thấy rằng ứng dụng chuyển đổi số đã mang lại cơ hội mới cho các trường Đại học nói chung và PTIT nói riêng, khai phá những tiềm năng sẵn có, phát huy các điều kiện nội tại để đổi mới và tối ưu hóa hiệu quả hoạt động, làm mới và “định vị” lại tổ chức”, Tiến sĩ Đặng Hoài Bắc nói.

Hướng tới hình thành “Quốc gia số thu nhỏ”

Theo đại diện lãnh đạo PTIT, với định hướng phát triển theo mô hình “Quốc gia số thu nhỏ”, phương án chuyển đổi số Học viện đã được xây dựng với 3 trụ cột: Quản trị số - Dịch vụ số - Xã hội số. Học viện cũng đặt 5 trọng tâm trong xây dựng “Đại học số” gồm Học liệu số; Nền tảng số; Giảng viên số; Sinh viên số; Môi trường số. Đồng thời, hoạt động triển khai chuyển đổi số trong Học viện được xác định ứng dụng triệt để chủ trương xây dựng, ứng dụng các nền tảng số “Make in Việt Nam”.

Về quản trị số, PTIT đã xây dựng Trung tâm điều hành dữ liệu. Theo đó, mọi số liệu để quản trị, quản lý, điều hành được tập trung và phục vụ việc ra quyết định của lãnh đạo; các đơn vị chức năng cũng khai thác, sử dụng dữ liệu được liên thông thông qua một hệ thống quản lý đào tạo chung.

Hệ sinh thái cho Đại học số tại PTIT đã bước đầu được hình thành

Về dịch vụ số, Học viện đã và đang triển khai từng bước các dịch vụ công theo nhu cầu của người học trên nền tảng trực tuyến. Nhà trường hướng tới cung cấp các dịch vụ tương đương dịch vụ công trực tuyến mức 4; hiện có 30 dịch vụ công của Học viện đã được đưa vào triển khai.

Còn với trụ cột xã hội số, PTIT đã có một nền tảng mạng xã hội riêng phục vụ việc giảng dạy, học tập, tương tác, kết nối giữa nhà trường và người học. Nền tảng cung cấp tài khoản đến từng người học và cá nhân hóa tài khoản trực tuyến này đến mỗi sinh viên.

Sau gần 1 năm triển khai, một hệ sinh thái ban đầu cho trường Đại học số được hình thành ở Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông. Hàng chục ngàn sinh viên và cán bộ, giảng viên của trường có thể thực hiện các hoạt động, theo dõi lịch học, xem điểm thi, xác nhận hành chính, thanh toán online, đóng học phí bằng smartphone. 

Hệ thống kết nối nội bộ PTIT-Slink được xây dựng với vai trò là mạng xã hội nội bộ đã có gần 13.000 sinh viên, cán bộ đang sử dụng với các tính năng thông báo, truy cập, dịch vụ một cửa, tương tác sinh viên giảng viên, giảng đường…

Hệ sinh thái cho Đại học số tại PTIT đã bước đầu được hình thành
Hệ thống hoạt động tuyển sinh và nhập học số kèm thanh toán online đã được Học viện triển khai.

Hệ thống hoạt động tuyển sinh và nhập học số kèm thanh toán online cũng được triển khai xuyên suốt quá trình tuyển sinh Đại học chính quy với 9.242 tài khoản mới; xác nhận nhập học và nhập học cho 3.500 thí sinh trúng tuyển, giảm thời gian thực hiện thủ tục từ 10-15 ngày xuống có 2,5 ngày; cán bộ phục vụ nhập học giảm từ 100 người xuống còn 20 người. Toàn bộ quy trình nhập học, xếp lớp học, cấp mã sinh viên, tổ chức đào tạo online được thực hiện tự động với cơ sở dữ liệu liên thông.

Học viện cũng là trường đại học đầu tiên xây dựng nền tảng ứng dụng công nghệ Blockchain cho việc cấp văn bằng chứng chỉ thuận tiện cho khâu xác thực điện tử.

Trong thư chúc mừng các cán bộ, giảng viên, nhân viên dịp 20/11, Tiến sĩ Vũ Văn San, Giám đốc Học viện nhận định: Với những ứng dụng CNTT và chuyển đổi số đã triển khai thành công vừa qua, nhà trường đã và đang thực hiện giai đoạn đầu của mô hình Đại học số đầu tiên tại Việt Nam theo chỉ đạo của Bộ trưởng Bộ TT&TT… “Đây là các nhiệm vụ mới và khó, đòi hỏi sự chung sức, đồng lòng của tập thể cán bộ, nhà giáo, nhà khoa học mang hết tâm huyết, tài năng và tinh thần đổi mới, sáng tạo để đóng góp vào sự nghiệp chung của Học viện”, ông Vũ Văn San chia sẻ.

Vân Anh

Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông tuyển sinh 2 ngành mới

Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông tuyển sinh 2 ngành mới

Năm 2021, Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông tuyển sinh 12 ngành đào tạo với 2 ngành mới là ngành Công nghệ tài chính và ngành Kỹ thuật Điều khiển và tự động hóa.

Tin công nghệ liên quan khác