FBI dùng "chiêu độc" để đọc trộm tin nhắn của các băng đảng tội phạm

10/06/2021
Nhiều băng đảng tội phạm đã dùng một ứng dụng nhắn tin được mã hóa để trao đổi thông tin, mà không hề hay biết rằng đứng sau ứng dụng này là Cục điều tra Liên bang.

Từ đầu năm 2019, Cục điều tra Liên bang (FBI) đã bí mật thành lập và điều hành một công ty với tên gọi Anom, chuyên cung cấp ứng dụng nhắn tin mã hóa cho các tổ chức tội phạm. Nhiều băng đảng tội phạm quốc tế đã lựa chọn Anom làm công cụ nhắn tin và trao đổi thông tin liên quan đến các phi vụ phạm pháp, vì tin rằng chức năng mã hóa của ứng dụng này có thể giúp chúng qua mặt được cơ quan chức năng.

FBI dùng chiêu độc để đọc trộm tin nhắn của các băng đảng tội phạm - 1

Ứng dụng nhắn tin mã hóa Anom được nhiều tổ chức tội phạm sử dụng mà không hay biết FBI đứng sau ứng dụng này.

Trên thực tế, các nội dung tin nhắn được trao đổi thông qua Anom không hề được mã hóa, mà thậm chí nội dung của các tin nhắn hay file đính kèm còn được âm thầm gửi về cho FBI mà người dùng không hề hay biết.

Sau 18 tháng được âm thầm đưa vào sử dụng, Anom đã được cài đặt trên hơn 12.000 thiết bị di động của hơn 300 tổ chức tội phạm, bao gồm các băng đảng mafia của Ý, các tổ chức tội phạm hoạt động tại Mỹ và châu Á… giúp FBI thu thập được hơn 27 triệu tin nhắn được gửi qua ứng dụng này, từ đó phát hiện và phá được nhiều âm mưu ám sát, buôn bán ma túy, vũ khí bất hợp pháp…

Các thông tin do Anom thu thập đã được FBI chia sẻ với các cơ quan thực thi pháp luật khác tại Mỹ cũng như nhiều quốc gia đồng minh. Tính đến thời điểm hiện tại, Anom đã giúp cho FBI và các cơ quan thực thi pháp luật tại nhiều quốc gia khác nhau bắt giữ được hơn 800 tên tội phạm trên toàn cầu.

Ý tưởng về Anom được xuất hiện từ năm 2018, sau khi FBI phá thành công Phantom Secure, một nền tảng nhắn tin mã hóa được các tổ chức tội phạm trên toàn cầu sử dụng một cách phổ biến.

"Sau khi triệt phá được Phantom Secure vào năm 2018, chúng tôi phát hiện ra rằng các tổ chức tội phạm sẽ nhanh chóng tìm kiếm những nền tảng nhắn tin mã hóa khác để thay thế", Jamie Arnold, Trợ lý Đặc vụ Đặc nhiệm FBI thành phố San Diego cho biết.

Do đó, FBI và các cơ quan thực thi pháp luật tại Mỹ đã nhanh chóng bắt tay phát triển Anom, rồi sử dụng gián điệp bên trong các tổ chức tội phạm tìm cách phổ biến Anom trong giới tội phạm ngầm. FBI đã tuồn những chiếc điện thoại đặc biệt có cài Anom ra thị trường chợ đen, thậm chí còn lập trang web, Facebook và kênh Youtube riêng để quảng bá cho dịch vụ nhắn tin mã hóa này để thu hút sự chú ý của các tổ chức tội phạm.

Hiện tại, sau khi sự thật về nền tảng nhắn tin Anom được FBI công khai, trang web chính thức của ứng dụng nhắn tin này đã được FBI thay đổi toàn bộ nội dung và đăng tải thông điệp: "Cơ quan thực thi pháp luật đã theo dõi các tin nhắn và tệp đính kèm từ nền tảng Anom. Một số cuộc điều tra đã được bắt đầu hoặc đang diễn ra".

Người dùng Anom có thể tìm hiểu xem liệu mình có liên quan đến cuộc điều tra của FBI và các cơ quan thực thi pháp luật hay không bằng cách nhập tên người dùng của ứng dụng và thông tin chi tiết về smartphone họ đang sử dụng vào biểu mẫu trên trang chủ của ứng dụng Anom.

Theo Dantri/DTrends/PCMag

FBI thực sự đã bẻ khóa ví chứa Bitcoin của tin tặc?

FBI thực sự đã bẻ khóa ví chứa Bitcoin của tin tặc?

Thông tin FBI đã ‘bẻ khóa’ tiền mã hóa để thu giữ số Bitcoin trị giá 2,3 triệu USD chưa được kiểm chứng.

Tin công nghệ liên quan khác