Da nổi mụn, thâm sạm sau khi khỏi Covid-19 có đáng lo?

27/03/2022

Các nốt mụn ngày càng dày hơn, chi chít trên mặt khiến Phương rất hoang mang, lo lắng. Cô đã thử dùng một số loại kem trị mụn nhưng chưa thấy da cải thiện.

“Trước nay, mình hiếm khi bị lên mụn, nếu có cũng chỉ là một vài chấm nhỏ. Giờ da mặt thế này thực sự rất mặc cảm, không biết phải xử lý ra sao”, Phương tâm sự.

Ngọc Anh (27 tuổi, Nam Từ Liêm, Hà Nội) cũng đang trải qua tình trạng “da xấu chưa từng có” sau khi khỏi Covid-19 được vài ngày. Cô chia sẻ, làn da hiện tại bị tối sạm đi, sần lên và đổ nhiều dầu, mụn ẩn dày đặc. Vùng lưng, vai của Ngọc Anh cũng xuất hiện nhiều mụn viêm. Cô gái trẻ cho biết đang thử dùng một loại collagen được bạn giới thiệu, kết hợp uống vitamin C và dùng kem dưỡng cho cả vùng mặt, cơ thể để cải thiện tình trạng này.

Thực tế, không riêng Minh Phương và Ngọc Anh, trên các hội nhóm về làm đẹp, rất nhiều bạn trẻ cũng tâm sự đang gặp các tình trạng tương tự sau mắc Covid-19. Đa số nổi mụn trên mặt, lưng; mẩn ngứa, da thâm sạm, đổ nhiều dầu,… Nhiều người cho rằng, đây là một trong những hệ lụy mà bệnh Covid-19 và hậu Covid-19 gây ra.

Tuy nhiên, theo các chuyên gia về da liễu, tình trạng da xấu, nổi mụn, thâm sạm không do Covid-19 hay hậu Covid-19.

Trao đổi với VietNamNet, bác sĩ da liễu Trần Đức Huynh, thành viên Nhóm Bác sĩ quân y hỗ trợ chăm sóc điều trị F0 tại nhà cho hay, khi mắc Covid-19 và phải cách ly, điều trị một thời gian, nhiều người dễ có tâm lý stress hoặc tình trạng mất ngủ, ngủ muộn, sinh hoạt không điều độ. Đây là những yếu tố có thể ảnh hưởng đến kết cấu da, nội tiết tố, gây nên các vấn đề da nổi mụn, thâm sạm.

Bên cạnh đó, một số F0 tự mua các thuốc điều trị không rõ nguồn gốc, thành phần; các thuốc được “người quen mách là tốt” và sử dụng bừa bãi, không theo kê đơn. Điều này có thể dẫn đến hệ lụy là men gan tăng cao, tổn thương gan.

Trên thực tế, bác sĩ Huynh đã từng tiếp nhận thăm khám cho rất nhiều bệnh nhân sau khỏi Covid-19. Có tới 10-20% khi xét nghiệm phát hiện men gan tăng rất cao, nguyên nhân do dùng thuốc không theo hướng dẫn.

“Thuốc điều trị nếu dùng một cách bừa bãi như vậy rất dễ ảnh hưởng đến gan thận. Có thể hiểu chúng là cơ quan tổng hòa, như một “nhà máy lọc” giúp loại bỏ các độc tố, chất thải. Gan thận nếu bị tổn thương sẽ ảnh hưởng đến da, gây các tình trạng nổi mụn, mẩn ngứa,…”, bác sĩ Huynh thông tin.

Bác sĩ cho biết nếu “da xấu” do các yếu tố stress, mất ngủ, bạn có thể dần cải thiện bằng việc sinh hoạt điều độ trở lại, giữ tinh thần thoải mái, giảm bớt căng thẳng; kết hợp các phương pháp chăm sóc da như thường ngày. Tuy nhiên, nếu da nổi mụn do nhiễm độc gan, bạn cần tới cơ sở y tế thăm khám sớm để được tư vấn, điều trị kịp thời.

Trường hợp tình trạng nhiễm độc nặng, men gan tăng gấp 4-5 lần bình thường, bác sĩ sẽ chỉ định giải độc gan, có thể truyền thuốc giải độc gan. Trường hợp bị nhẹ hơn, men gan chỉ tăng nhẹ, bạn có thể dùng thuốc bổ gan thông thường bằng đường uống.

Bác sĩ khuyến cáo, khi da xuất hiện các tình trạng bất thường sau thời gian điều trị Covid-19 như nổi mụn, mẩn ngứa, ngoài quan sát các dấu hiệu bên ngoài, bạn nên “lắng nghe” cơ thể. Nếu “da xấu" kết hợp mệt mỏi kéo dài, chán ăn uống, người uể oải… bạn có thể gặp các nguy cơ về tổn thương gan, cần chuyên gia y tế tư vấn. Nhưng nếu cơ thể vẫn khỏe mạnh, ăn ngủ tốt thì có thể bạn chỉ bị ảnh hưởng bởi stress, mất ngủ.

Theo bác sĩ Huynh, để da luôn khỏe mạnh, khi mắc Covid-19, bạn cần giữ tâm lý bình tĩnh, thoải mái; không tự mua, dùng thuốc bừa bãi mà nên nhờ các bác sĩ tư vấn, kê đơn. Việc sử dụng thực phẩm chức năng, vitamin cũng cần lưu ý lựa chọn sản phẩm rõ nguồn gốc, đảm bảo chất lượng và dùng đúng liều lượng được hướng dẫn.

Ngoài ra, nên ngủ nghỉ đúng giờ, sinh hoạt điều độ, ăn đủ chất dinh dưỡng, ăn nhiều rau và hoa quả, uống nhiều nước, tránh các thực phẩm có hại có sức khỏe. Bạn cũng nên tập thể dục thường xuyên để nâng cao sức khỏe.

Đồng tình về ý kiến “da nổi mụn, thâm sạm không liên quan đến Covid-19 hay hậu Covid-19”, bác sĩ Hoàng Văn Tâm, Phó Trưởng Khoa Điều trị nội trú ban ngày, Bệnh viện Da liễu Trung ương đưa ra một số nguyên nhân có thể dẫn đến tình trạng này.

Thứ nhất, có thể do người bệnh suy nghĩ quá nhiều, stress khi mắc bệnh, ngủ ít, mất ngủ. Thứ hai, việc tắm rửa, chăm sóc da mặt không được thực hiện chu đáo, kỹ lưỡng. Những yếu tố này có thể làm khởi phát mụn và làm tình trạng mụn nặng nề hơn. “Đây đều là những nguyên nhân rất thông thường trong cuộc sống, không phải riêng khi mắc Covid-19”, bác sĩ khẳng định.

Theo bác sĩ Tâm, thực tế các vấn đề về da nếu chỉ do stress, mất ngủ,… không quá nghiêm trọng. Bệnh nhân chỉ cần thay đổi lối sống khoa học hơn, chăm sóc da đầy đủ, da sẽ dần trở lại bình thường.

Nguyễn Liên

F0 khỏi bệnh hoảng loạn vì ngửi các mùi thơm thành mùi hôi thối

F0 khỏi bệnh hoảng loạn vì ngửi các mùi thơm thành mùi hôi thối

2 tháng sau khi khỏi Covid-19, chị Diễm bị rối loạn khứu giác. Các mùi nước hoa, nước xả vải, sữa tắm… chị đều ngửi thành mùi bọ xít, xăng dầu, thậm chí là mùi rác cháy.

Sức khỏe liên quan khác