Cơ hội nào cho chuỗi TopZone của Thế Giới Di Động?

17/10/2021
Thế Giới Di Động nhảy vào mở chuỗi TopZone chỉ bán hàng Apple, một hướng đi tiềm năng nhưng không mới mẻ.

Tối 16/10, ông Đoàn Văn Hiểu Em, CEO công ty cổ phần Thế Giới Di Động, tổ chức livestream công bố mở chuỗi TopZone chuyên bán sản phẩm Apple.

Trong ngày 22/10 sắp tới, đúng vào ngày mở bán iPhone 13 Series tại Việt Nam, 4 cửa hàng TopZone sẽ đồng loạt khai trương tại Hà Nội và TP.HCM.

Theo kế hoạch, TopZone bao gồm 2 mô hình: AAR (Apple Authorized Retailer) là các cửa hàng đặt cạnh Thế Giới Di Động hoặc Điện máy Xanh, APR (Apple Premium Retailer) là cửa hàng độc lập.

Cơ hội nào cho chuỗi TopZone của Thế Giới Di Động?

Cửa hàng TopZone sắp khai trương ở TP.HCM. (Ảnh: Hải Đăng)

Ông Hiểu Em kỳ vọng mô hình AAR, diện tích từ 100-120 mét vuông, sẽ mang về doanh thu 2-3 tỷ đồng/tháng. Trong khi đó, cửa hàng APR (180-220 mét vuông) đạt doanh thu khoảng 8-10 tỷ đồng/tháng.

Đến quý I/2022, Thế Giới Di Động dự kiến mở được 50 cửa hàng AAR và 10 cửa hàng APR.

Theo người đứng đầu chuỗi Thế Giới Di Động, tại Việt Nam chưa có mô hình Apple Store hay Apple Center như một số nước khác, do đó nhà bán lẻ này mở TopZone để có không gian mua sắm chuyên nghiệp, sang trọng cho khách hàng.

Bên cạnh đó, TopZone mở bán thêm những sản phẩm chưa từng có trên thị trường trước đây.

Việc mở một chuỗi chỉ phục vụ người dùng Apple là hướng đi đúng đắn, mặc dù hiện nay chưa thể đánh giá được sự thành công của mô hình TopZone.

Thứ nhất, Apple đang tạo doanh thu cực kỳ lớn nên bất kỳ nhà bán lẻ nào cũng mong muốn chiếm miếng bánh to nhất của thị trường. Theo số liệu ICTnews có được từ Thế Giới Di Động và FPT Shop, iPhone chiếm những vị trí hàng đầu trong 10 smartphone mang về doanh thu cao nhất cho hai nhà bán lẻ này trong 6 tháng đầu năm nay.

Thống kê mới của Counterpoint Research trong quý I/2020 cũng cho thấy Apple có doanh thu mảng điện thoại 113 tỷ USD trong khi toàn bộ thị trường 270 tỷ USD. iPhone chỉ chiếm 17% số lượng máy xuất xưởng nhưng chiếm doanh thu lên đến 42% thị trường smartphone toàn cầu.

Do giá bán cao nên doanh thu lớn, iPhone đang là nguồn sống của nhiều cửa hàng nhỏ lẻ lẫn các chuỗi quy mô vừa hiện nay tại Việt Nam. Dòng smartphone của Apple, như đã nói, cũng góp phần chủ đạo trong dòng tiền của các hệ thống bán lẻ lớn.

Thứ hai, không chỉ tạo doanh thu lớn mà iPhone còn đang là động lực tăng trưởng của thị trường nói chung và Thế Giới Di Động nói riêng. 

Kể từ tháng 2/2020, riêng chuỗi bán lẻ di động của Thế Giới Di Động bắt đầu giảm tăng trưởng so với trước. Chuỗi này chỉ tăng trưởng dương trở lại từ tháng 4/2021. Theo nhận định của công ty, ngành hàng di động tăng trở lại do sự góp công của iPhone, trong đó có iPhone 12 ra mắt với nhiều cải tiến.

iPhone 12 cũng góp phần đưa doanh thu quý I/2021 của nhà phân phối Digiworld tốt nhất từ trước đến nay. Mảng di động đóng góp doanh thu lớn nhất và tăng trưởng tới 148% do sức tiêu thụ vào dịp Tết và sức hút của dòng iPhone mới.

Nhìn thấy rõ sự đóng góp của iPhone nên Thế Giới Di Động đã quyết định mở chuỗi khai thác riêng các mặt hàng của Apple.

Dù Apple đóng vai trò doanh thu quan trọng như vậy nhưng tính khả thi của TopZone vẫn cần thời gian trả lời. Trước đây, các mô hình APR, AAR tại Việt Nam khá thành công với những cái tên như Future World, iCenter và một số cửa hàng khác.

Tuy nhiên, các cửa hàng này nhanh chóng bị chính Thế Giới Di Động và FPT Shop lấn lướt, lôi kéo khách hàng vì hai lý do.

Các cửa hàng lớn trưng bày nhiều hàng hoá, thu hút phần đông khách hàng nên tạo được giá trị doanh thu cao hơn so với việc chỉ bán hàng của một hãng. Mặt khác, hai nhà bán lẻ lớn do tạo được doanh thu cao nên mua hàng trực tiếp từ Apple không thông qua nhà phân phối khiến giá rẻ hơn, nguồn hàng đa dạng hơn. Điều đó khiến những cửa hàng quy mô nhỏ chỉ bán hàng Apple chịu thiệt thòi.

Hiện nay mô hình APR tại Việt Nam không nhiều, hiện chỉ có F.Studio của FPT Retail và eDigi là đáng chú ý. Song các chuỗi nói trên không mở rộng nhiều, cho thấy việc khai thác riêng mảng người dùng Apple chưa có phương án tối ưu. Trong khi đó, mô hình AAR được áp dụng ở hầu hết các chuỗi quy mô vừa trở lên: kết hợp bán hàng Apple bên trong những cửa hàng bán smartphone của nhiều hãng khác.

Bản thân Thế Giới Di Động trước đây từng mở cửa hàng chỉ bán sản phẩm của cố CEO Steve Jobs nhưng sau đó cũng nhanh chóng dẹp bỏ.

TopZone ra đời trong bối cảnh mới, thời kỳ mới nên có lẽ sẽ được Thế Giới Di Động chăm chút kỹ lưỡng hơn. Mô hình này có được mở rộng thành công hay không phải chờ tương lai trả lời.

Hải Đăng

Thế Giới Di Động sẽ mở thêm chuỗi TopZone ở nước ngoài?

Thế Giới Di Động sẽ mở thêm chuỗi TopZone ở nước ngoài?

Thế Giới Di Động hé lộ việc mở chuỗi mới TopZone, với nhiều dấu hiệu cho thấy nó sẽ là chuỗi bán lẻ thứ hai của họ ở thị trường nước ngoài.

Tin công nghệ liên quan khác