Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng phát biểu định hướng chiến lược MobiFone

06/08/2021
Ngày 5/8/2021, Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng đã có buổi làm vệc với Tổng công ty MobiFone về xây dựng chiến lược phát triển của MobiFone giai đoạn 2021-2025.

Tại buổi làm việc, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng đã chỉ ra không gian mới để MobiFone sẽ là doanh nghiệp viễn thông - công nghệ số hàng đầu của Việt Nam và đi đầu thực hiện các chiến lược quốc gia, chiến lược ngành TT&TT. Vietnamnet xin trân trọng giới thiệu đến độc giả toàn văn bài phát biểu của Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng tại buổi làm việc này.

Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng phát biểu định hướng chiến lược MobiFone
Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng

MobiFone là một thương hiệu lớn ở Việt Nam, MobiFone tức là điện thoại di động, như Honda là xe máy. Người Mobifone cũng đã từng tự hào về thương hiệu của mình, tự hào là thương hiệu số 1, là đẳng cấp cao trong làng di động. MobiFone cũng là công ty viễn thông quản lý hiện đại, chuyên nghiệp và cũng là công ty có hiệu quả cao nhất trong ngành.

Nhưng công ty thành công nào rồi cũng có trục trặc lớn. Trục trặc lớn hoặc sẽ tạo ra sự phát triển mới hoặc sẽ chôn vùi một tên tuổi lớn. MobiFone đi qua trục trặc lớn thứ nhất là vụ AVG thì tiếp ngay sau đó là trục trặc lớn thứ hai. Trục trặc lớn thứ hai này là của tất cả các doanh nghiệp viễn thông lớn, đó là bế tắc về tăng trưởng, về không gian phát triển mới. Các doanh nghiệp viễn thông lớn đang tăng trưởng thấp hơn tăng trưởng GDP của cả nước, tức là đang thụt lùi.

Hai trục trặc lớn xảy đến với MobiFone. Trục trặc thứ nhất là vào tổ chức bên trong. Trục trặc thứ hai đến từ thách thức bên ngoài, thách thức của ngành. Vượt qua hai thách thức này thì MobiFone sẽ vừa đổi mới cả bên trong và bên ngoài.

Trục trặc thứ nhất thì hãy coi như đã đi qua.

Trục trặc thứ hai thì hãy xem tại sao MobiFone đã từng phát triển nhanh và thành công. Ngày ấy MobiFone bước vào một thị trường gần như “trinh nguyên”, Việt Nam lúc ấy chưa có ai dùng điện thoại di động. Và vì thế mà Mobifone phát triển nhanh và thành công.

Từ năm 2009, tức là cách đây 12 năm, mật độ điện thoại di động tại Việt Nam đã đạt 100%. Nhưng Mobifone vẫn làm điện thoại di động và chưa tạo thêm cho mình bất kỳ không gian mới nào. Không có không gian mới thì sẽ không có sáng tạo, không có sự phát triển mới, không có tăng trưởng.

Không gian mới của ngành viễn thông, của MobiFone là ở đâu? Chắc hẳn là phải tìm ở bên ngoài viễn thông truyền thống nhưng phải là rất gần với viễn thông. Và vẫn phải là hạ tầng viễn thông, hạ tầng số, nền tảng số, công nghệ số, các dịch vụ phổ cập và thiết yếu.

Đó là đưa viễn thông xâm nhập vào mọi lĩnh vực của đời sống xã hội, mọi ngành, chứ không chỉ là alo và dữ liệu cho các cá nhân. Lời giải của câu chuyện này là 5G. 5G nếu làm tốt sẽ tạo ra tăng trưởng cho viễn thông 3%/năm. 5 năm nữa sẽ mang lại cho MobiFone một doanh thu tăng thêm 250 triệu USD.

Đó là Cloud Computing. Đây sẽ là cấu thành quan trọng nhất của hạ tầng số. Các doanh nghiệp hạ tầng viễn thông phải coi đây là hạ tầng mới của ngành viễn thông. Tăng trưởng của Cloud là 60%/năm. Thị trường có thể đạt tới 1% GDP quốc gia, tức là 5 tỷ USD vào năm 2025. Và phần khiêm tốn nhất mà Mobifone có thể giành cho mình là 5%, tức là 250 triệu USD vào năm 2025.

Đó là các Platform cung cấp dịch vụ, hoặc cung cấp các công nghệ như dịch vụ. Trong không gian mạng thì hạ tầng chính là các Platform. Các doanh nghiệp viễn thông Việt Nam phải làm chủ những Platform quan trọng nhất trên không gian mạng vì đây là vấn đề chủ quyền quốc gia. Bởi vì Platform chính là dữ liệu. Platform sẽ tạo ra thuê bao mới cho nhà mạng. 5 năm nữa hoặc 10 năm nữa số thuê bao trên các Platform này sẽ nhiều hơn là số thuê bao di động. Vậy MobiFone có lấy được 10-12 triệu thuê bao mới, tức là 8-10%, để mang về 250 triệu USD vào năm 2025 hay không?

Đó là công nghiệp điện tử, tập trung vào IoT và điện tử y tế, một thị trường 8-10 tỷ USD vào năm 2025. Chỉ 2% ở đây thì đã là 200 triệu USD. Đây là lĩnh vực rất gần với viễn thông, gần với 5G. Có thể tích hợp thành một hệ sinh thái. MobiFone không nhất thiết phải làm sản xuất mà chỉ cần tập trung vào làm chủ thiết kế, làm chủ công nghệ lõi.

Thương mại điện tử (TMĐT) và Logistics của Việt Nam có thị trường lên tới trên 65 tỷ USD vào năm 2025 (12-15% GDP). Lớn hơn rất nhiều lần thị trường viễn thông. Tăng trưởng cao hơn hàng chục lần so với viễn thông. Và đặc biệt, chúng ta đang bị mất trận địa này. Các doanh nghiệp cả bưu chính, cả viễn thông như Viettel thì có lợi thế đặc biệt. Nhưng MobiFone sẽ được cấp giấy phép thử nghiệm Mobile Money, rồi số điện thoại di động sẽ trở thành Digital ID, thì đây chính là những nền tảng quan trọng của TMĐT. Nếu MobiFone chỉ nghĩ đến 0,2% của miếng bánh này thì đã là 130 triệu USD rồi.

Chuyển đổi số (CĐS) Việt Nam có thị trường tới trên 10 tỷ USD vào năm 2025, chiếm khoảng 2% GDP. Tốc độ tăng trưởng hàng năm là 30-40%. Mobifone chắc chắn sẽ phải coi đây là một không gian mới quan trọng trong chiến lược phát triển của mình. Con số 200 triệu USD vào năm 2025, tức là 2% thị phần không phải là quá lớn với Tổng công ty.

Công nghiệp nội dung số của Việt Nam đang có tỷ trọng trong doanh thu viễn thông vào loại thấp nhất trong khu vực. Đây là thị trường chưa được chú trọng phát triển. Nếu phát triển đúng thì 5 năm nữa phải tăng ít nhất 3 lần, tức là tăng trưởng 25-30%/năm, để đạt doanh thu 3 tỷ USD. OTT cũng là thị trường mà các doanh nghiệp viễn thông bỏ ngỏ nhiều năm nay. Hãy xem FPT làm truyền hình qua OTT, họ không triển khai cáp đến hộ gia đình như Viettel hay VNPT nhưng số thuê bao truyền hình thì không kém (trên 4 triệu thuê bao). MobiFone không có hạ tầng cố định như Viettel và VNPT, nhưng tại sao lại không triển khai truyền hình trên OTT như FPT? Vậy con số 200 triệu USD vào năm 2025 về nội dung số và OTT với Mobifone có phải là quá nhỏ không?

Những không gian mới mà chúng ta nói ở trên, có cái thì chắc chắn là như vậy, dù không làm gì thì nó vẫn sẽ như thế, có cái thì là dự đoán, có cái thì do chúng ta tưởng tượng ra để làm, tức là chúng ta tự tạo ra tương lai cho mình.

Để có thêm 1,5 tỷ USD mới vào năm 2025 đối với MobiFone là hoàn toàn khả thi. Tức là MobiFone sẽ tăng trưởng gấp đôi sau 5 năm nữa. Tức là MobiFone sẽ tăng trưởng 15%/năm, ít nhất là gấp đôi tăng trưởng GDP của đất nước, có như thế thì ngành chúng ta mới xứng đáng được gọi là hạ tầng số để thúc đẩy phát triển số, thúc đẩy chuyển đổi số, thúc đẩy đổi mới sáng tạo để Việt Nam phát triển bứt phá thành nước phát triển có thu nhập cao vào năm 2045.

Vậy định hướng cho MobiFone sẽ là gì?

MobiFone sẽ là doanh nghiệp viễn thông - công nghệ số hàng đầu của Việt Nam. Đi đầu thực hiện các chiến lược quốc gia, chiến lược ngành TT&TT. Đầu tư mạnh mẽ vào hạ tầng 5G, Cloud Computing, Platform, nền tảng thương mại điện tử. Chuyển đổi thành công ty công nghệ số với ít nhất 30% nhân lực làm việc trong lĩnh vực phát triển công nghệ. Công ty sẽ phát triển chủ yếu dựa trên công nghệ số và đổi mới sáng tạo, đi đầu về các thử nghiệm Sandbox. Là doanh nghiệp thuộc nhóm hạt nhân thúc đẩy CĐS quốc gia. Mở rộng không gian mới từ lõi viễn thông, nhưng vẫn xoay quanh hạ tầng viễn thông, hạ tầng số, nền tảng số, dịch vụ thì phổ cập và thiết yếu. Tăng trưởng gấp đôi. Viễn thông truyền thống cơ bản chỉ còn một nửa vào năm 2025.

Để làm được định hướng này thì cần làm gì?

Ở đây, hôm nay, tôi chỉ nhắc đến một việc mang tính quyết định. Đó là người lãnh đạo.

Về lãnh đạo các cấp của MobiFone. Lúc này cần những người mạnh mẽ. Rất cần những người mạnh mẽ để dẫn dắt. Muốn mạnh mẽ thì phải trong sáng, không vụ lợi, có tầm nhìn xa và đúng, chấp nhận hy sinh. Nếu sợ sệt thì không ai dẫn dắt. MobiFone sẽ đi xuống rất nhanh, có thể sẽ không gượng dậy được nữa. Người này không làm được thì phải nhường cho người khác làm, không thể cờ trong tay mà không phất, vì hàng ngàn số phận đang trông chờ. Tất cả phụ thuộc vào lãnh đạo các cấp, nhưng nhất là Chủ tịch và Tổng giám đốc.

Về tố chất người lãnh đạo. Đầu tiên là phải biết dẫn tổ chức của mình đi, biết đặt mục tiêu cao, thách thức lớn và đúng hướng, tức là biết nghĩ ra việc cho công ty. Nhưng phải là những việc có tầm nhìn xa, tạo ra chỗ đứng khác biệt cho công ty. Thứ hai là, tạo ra động lực cho tổ chức, thông qua cơ chế quản lý, thăng tiến, lương thưởng theo kết quả, thông qua khích lệ, làm gương, truyền cảm hứng, để từng người MobiFone đều cố gắng vì sự phát triển của Tổng công ty.

Kính thưa các đồng chí,

Lúc này lòng người MobiFone vẫn còn phân tán, vì niềm tin bị mất mát. Nếu không lấy lại sự chung lòng, niềm tin vào tổ chức, vào nhau thì MobiFone sẽ không đi được. Sóng gió thì cũng đã xảy ra rồi. Tổng công ty thì đang đi xuống. Tương lai MobiFone thì hôm nay đã nhìn thấy cái phần chính rồi. Vậy hãy gác lại sự nghi kỵ, hãy vì Tổng công ty trước, rồi thông qua việc, thông qua làm thì niềm tin sẽ quay lại.

Mọi sự trỗi dậy đều bắt đầu từ nhìn thấy ngôi sao dẫn lối. Nhưng hãy bắt đầu từ việc nhỏ hàng ngày. Lãnh đạo Bộ TT&TT tin vào tương lai tươi sáng, tin vào một MobiFone đang bước vào thị trường mới như cách đây gần 30 năm, tin vào tinh thần ngày đầu Tâm huyết-Sáng tạo-Chuyên nghiệp-Hiệu quả cách đây gần 30 năm lại được tái hiện. Chúng tôi tin tinh thần này sẽ tái hiện bởi vì nó đã nằm trong gen của người MobiFone, chỉ cần người lãnh đạo biết cách khơi dậy.

Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng

Tin công nghệ liên quan khác