Amazon, Lego... chọn Việt Nam, đón tiền tỷ USD nghìn ha đất tăng giá

28/03/2022
Hàng loạt dự án tỷ USD tại Việt Nam cho thấy sức mạnh không ngừng của nền kinh tế và lĩnh vực bất động sản công nghiệp trong mắt các nhà đầu tư nước ngoài.  

'Đại bàng' ồ ạt tới

Theo Nikkei Asia, Giám đốc phụ trách khu vực châu Á - Thái Bình Dương và Nhật Bản của Amazon Web Services (AWS) Phil Davis cho biết, Amazon có kế hoạch bổ sung mạng lưới các trung tâm dữ liệu khổng lồ của mình ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương bằng cách xây dựng các trung tâm dữ liệu khu vực. 

Amazon đã thông báo họ sẽ xây dựng 10 trung tâm dữ liệu khu vực địa phương ở 6 quốc gia: Úc, Ấn Độ, New Zealand, Philippines, Thái Lan và Việt Nam. Các trung tâm khu vực này bao gồm một cụm các cơ sở trung tâm dữ liệu, cung cấp cho khách hàng khả năng dự phòng và khả năng phục hồi. Amazon đã tiêu tốn hàng tỷ USD để xây các trung tâm này. 

Amazon, Lego... chọn Việt Nam, đón tiền tỷ USD nghìn ha đất tăng giá
Amazon muốn xây trung tâm dữ liệu tỷ USD ở Việt Nam

Trước đó, Tập đoàn Lego đã có buổi ký kết Biên bản ghi nhớ hợp tác để xây dựng một nhà máy mới tại tỉnh Bình Dương. Dự án có tổng vốn đầu tư hơn 1 tỷ USD, dự kiến sẽ được triển khai vào nửa cuối năm 2022 và bắt đầu đi vào hoạt động trong năm 2024, góp phần tạo ra 4.000 việc làm.

Đây là nhà máy thứ 6 của Lego trên thế giới và thứ hai ở châu Á, với kỳ vọng sẽ giúp Lego mở rộng mạng lưới chuỗi cung ứng toàn cầu, qua đó đáp ứng linh hoạt, nhanh chóng sự thay đổi về nhu cầu tiên dùng ở mỗi khu vực.

Mới đây, Fuchs - tập đoàn dầu nhớt hàng đầu của Đức - đã mở rộng hoạt động tại Việt Nam với việc thuê dài hạn khu đất 20.000 m2 tại KCN Chuyên sâu Phú Mỹ 3. framas, nhà sản xuất máy ép phun hàng đầu của Đức, đã thuê một cơ sở xây sẵn rộng 20.000 m2 tại KTG Industrial Nhơn Trạch 2, tỉnh Đồng Nai. 

Theo Savills, một số công ty lớn của Mỹ và châu Âu đang tìm kiếm cơ hội gia nhập thị trường Việt Nam. Thị trường bất động sản công nghiệp cũng đang ghi nhận nhiều dự án trung tâm dữ liệu và kho vận với nguồn đầu tư chất lượng cao.

Ông Jenkin Chiang - Giám đốc điều hành kiêm Thành viên đồng sáng lập của SLP - cho hay, đại dịch Covid đã và đang làm thay đổi thị trường, thúc đẩy sự tăng trưởng của thương mại điện tử và làm tăng nhu cầu cả ngắn hạn lẫn dài hạn đối với bất động sản công nghiệp. Những năm gần đây, nhu cầu về nhà kho xây sẵn cũng gia tăng đáng kể.

Theo số liệu FDI hai tháng đầu năm, Bắc Ninh dẫn đầu về thu hút vốn đầu tư. Thái Nguyên đứng thứ hai khi thu hút được 924 triệu USD, chiếm gần 18,5% tổng vốn FDI cả nước trong kỳ. Nổi bật là khoản bổ sung vốn 920 triệu USD của Công ty TNHH Samsung Electro-Mechanics Việt Nam, thuộc Tập đoàn Samsung của Hàn Quốc, giúp nâng tổng vốn đầu tư vào KCN Yên Bình tại thị xã Phổ Yên (Thái Nguyên) lên 2,27 tỷ USD (gần 52 nghìn tỷ đồng).

Sức hút của Việt Nam

Ông Matthew Powell, Giám đốc Savills Hà Nội, đánh giá, Viêc các doanh nghiệp có danh tiếng lựa chọn Việt Nam là điểm đến chiến lược có ý nghĩa quan trọng trong việc thúc đẩy sự tăng trưởng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), đồng thời, làm tăng thêm uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế.

Như Lego hiện chỉ có 5 nhà máy sản xuất trên toàn cầu. Việc doanh nghiệp này lựa chọn Việt Nam là điểm đến để xây nhà xưởng mới là một thành công rực rỡ trong việc thu hút nguồn vốn đầu tư FDI.

Amazon, Lego... chọn Việt Nam, đón tiền tỷ USD nghìn ha đất tăng giá
Tập đoàn Lego sẽ đầu tư nhà máy thứ 6 trên toàn cầu tại tỉnh Bình Dương

Lý giải về dòng vốn tỷ USD đổ vào Việt Nam, chuyên gia này cho rằng, đất công nghiệp có mức giá tương đối hợp lý, có nhiều nhà phát triển bất động sản uy tín cùng với chính sách pháp lý phù hợp. Đây là những yếu tố giúp thu hút các doanh nghiệp đầu tư vào Việt Nam.

Bên cạnh đó, có thể kể đến các yếu tố khác như dân cư, dân số lao động, chi phí nhân công, mạng lưới giao thông thuận tiện và khả năng tiếp cận các cảng và sân bay quốc tế nhằm phục vụ việc xuất nhập khẩu thành phẩm và sản phẩm.

Ngoài những điều kiện thuận lợi này, hoạch địch chính sách một cách đúng đắn từ cấp trung ương đến địa phương cũng tạo nên sức hấp dẫn của Việt Nam. Kết quả có thể kể đến việc nhiều công ty mới đang gia nhập thị trường do những ưu đãi thuế tại các khu vực kinh tế trọng điểm. Các doanh nghiệp hiện cố gắng mở rộng và đa dạng hoá thị trường để không bị phụ thuộc vào Trung Quốc.

Việt Nam còn nổi lên nhờ sự ổn định về chính trị, cơ hội đầu tư rộng mở, đáp ứng được các nhu cầu từ doanh nghiệp liên quan đến các yếu tố pháp lý và hỗ trợ từ chính quyền địa phương.

"Tuy thủ tục hành chính vẫn còn những hạn chế nhất định, nhưng cũng đã có nhiều cải thiện. Nhìn chung, có rất nhiều nhân tố kéo các nhà đầu tư đến Việt Nam, thay vì chọn Trung Quốc, Ấn Độ hay Thái Lan", ông đánh giá.

Về phía các nhà phát triển bất động sản KCN, thị trường trong 3 tháng qua đã rất sôi động với những khoản đầu tư trị giá hàng tỷ USD. Cuối tháng 12/2021, Gaw NP Industrial đã khởi công dự án nhà máy xây sẵn (RBF) rộng 16 ha tại Trung tâm Công nghiệp GNP Yên Bình 2.

Logos và Manulife Investment Management đã thiết lập mối quan hệ đối tác liên doanh để mua lại một nhà xưởng logistics hiện đại xây theo yêu cầu có tổng diện tích 116.000 m2, giá trị đầu tư lên đến 80 triệu USD. CapitaLand Development cũng ký biên bản ghi nhớ đầu tư 1 tỷ USD với tỉnh Bắc Giang để phát triển KCN, khu hậu cần và khu đô thị đầu tiên. 

SLP chính thức khởi công xây dựng dự án SLP Park Xuyên Á tại tỉnh Long An. Cùng với đối tác chiến lược là GLP, SLP đã công bố việc thành lập quỹ với năng lực đầu tư 1,1 tỷ USD, đây được xem là một trong những quỹ phát triển logistics lớn nhất của khu vực Đông Nam Á. 

Duy Anh

'Đại bàng' hàng đầu châu Âu rót vốn tỷ USD vào Việt Nam

'Đại bàng' hàng đầu châu Âu rót vốn tỷ USD vào Việt Nam

Chính phủ vừa có báo cáo gửi Quốc hội về việc thực hiện Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EVFTA) sau hơn 1 năm.

Tin kinh doanh liên quan khác